Mong ước con đường đến trường

GD&TĐ - Những ngày qua, hình ảnh về cô giáo bám bản ở Mù Cang Chải (Yên Bái) bị ngã sõng soài trên cung đường trơn trượt đầy bùn đất khi tới trường lan truyền trên mạng xã hội, khiến nhiều người xúc động. 

Cô giáo Bàn Thị Quỳnh cùng học sinh trên đường đến trường
Cô giáo Bàn Thị Quỳnh cùng học sinh trên đường đến trường

Báo GD&TĐ đã có cuộc trò chuyện với các cô giáo vùng cao nơi đây. Ở những nhà giáo ấy, sợi dây níu kéo với trẻ em vùng cao, với những cảnh đời còn khó khăn - chính là tấm lòng yêu thương vô bờ bến...

Thường ngày như chuyện... ngã xe

Cô giáo Nguyễn Thị Nguyệt, Trường Mầm non Mồ Dề (Mù Cang Chải, Yên Bái) cho biết, cô gắn bó với ngôi trường vùng cao này 10 năm rồi. Mỗi khi trời đổ mưa, các con đường bùn đất trở nên lầy lội trở thành nỗi ám ảnh với giáo viên nơi đây. Đường lên bản thì nhỏ, mỗi khi trời mưa, đường trơn, chuyện bị ngã xe và bị tím chân rồi bị thương là chuyện bình thường.

Cô Nguyệt cho biết, cô đã bị ngã xe rất nhiều lần. Từ nhà đến trường chính là 4km, tuy nhiên trường có 6 điểm lẻ; điểm xa nhất cách trường 7km nhưng đường đi lại rất vất vả. Có năm cô được phân công dạy ở trường chính, có năm thì dạy ở bản lẻ. Cô nhớ lại năm 2008, trên đường đi đến trường cô bị ngã khi đang mang bầu, phải nghỉ ba ngày do bị đau. Nhưng, đối với cô đường đi không khó khăn lắm; ngã thì lại đi tiếp, đường xa thì mình đi sớm hơn, mưa quá thì đi bộ, bởi học sinh đang chờ đợi cô mỗi ngày.

Khó khăn nhất đối với giáo dục vùng cao là công tác huy động học sinh ra lớp. Phụ huynh không coi trọng việc học của con mình; có lúc họ bắt các cháu ở nhà trông em, chăn dê, coi nhà, cho đi nương theo bố mẹ….. Rồi việc phối hợp với phụ huynh trong công tác giáo dục trẻ: Như việc làm hồ sơ cho con, vệ sinh sạch sẽ cho con… cũng rất hạn chế. Và một khó khăn nữa đó là sự bất đồng ngôn ngữ. Học sinh hầu hết là dân tộc Mông không biết tiếng Kinh nên giáo viên gặp nhiều khó khăn trong công tác giảng dạy.

“Mỗi lần đến lớp, nhìn thấy các em học sinh dân tộc Mông ngoan hiền, đa số là những gia đình thuộc hộ nghèo, thiếu thốn rất nhiều… Bữa cơm của các cháu thường là cơm và rau (có khi không có rau mà là tí muối ớt, mấy cái măng…), nếu có thịt thì phải ăn dè… tôi lại thấy thương và yêu hơn những đứa trẻ nơi đây. Có khi ở nhà mình có bánh hay kẹo, hay thức ăn gì mình chỉ để lại cho con một ít thôi rồi mang chia cho các em, quần áo cũ tôi cũng hay đi xin, gom mang lên cho các cháu, các cháu rất thích”, cô Nguyệt kể.

“Chỉ mong sao người dân có cuộc sống khá hơn để họ có thể quan tâm đến con em mình hơn, để các cháu có thể có cuộc sống đầy đủ hơn: Ăn đủ chất, có đồ chơi như con em người Kinh. Các cháu học sinh nơi đây rất thích đồ chơi, nhưng với các em, đó vẫn là điều khá xa lạ. Ngoài giờ đi dạy, các cô giáo tối về còn tranh thủ làm đồ dùng đồ chơi, soạn giáo án. Mong mỏi của cô là học sinh nơi đây được cấp nhiều đồ dùng dạy học để các cô khỏi vất vả, có nhiều thời gian hơn cho gia đình”, cô Nguyệt chia sẻ.

Ánh mắt trẻ níu chân cô giáo

Cô giáo Bàn Thị Quỳnh, Trường Mầm non Lao Chải, xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải cho biết, cô đã gắn bó với ngôi trường vùng cao 10 năm, biết bao nhiêu khó khăn vất vả, 9 năm không có sóng điện thoại, nhưng vì yêu nghề, yêu những ánh mắt trẻ thơ đã níu chân em lại nơi này.

Cô Quỳnh cho biết: Thời tiết trên này quá khắc nghiệt nên cô phải gửi có 2 cháu nhỏ (cả 2 con vừa được 1 tuổi đã cai sữa) cho ông bà nội trông (ở TP Yên Bái). Chồng công tác ở Lai Châu, cách nhà 150km, gia đình 4 người 3 nơi ở, khoảng cách từ trường về nhà thăm con là 280 km. Thương con nhưng nhà quá xa nên vài tháng cô mới về thăm con một lần.

Lên vùng cao công tác, khó khăn lớn nhất đối với cô đó là đường đi. Từ điểm trường Xéo Dì Hồ nơi cô công tác đến trường chính là Trường Mầm non Lao Chải là 20km, trong đó có 7 km đường đèo dốc, đất đỏ đi lại vô cùng khó khăn. Trời nắng thì bụi một màu nâu đỏ, trời mưa thì đi bộ cũng bị trượt ngã. Đôi chân bao nhiêu lần phồng lên vì đi bộ, mệt mỏi lắm nhưng phải cố.

Do giao thông cách trở nên sự nghiệp “trồng người” của các thầy cô giáo nơi đây cũng vì thế thêm nhiều gian nan, vất vả. Các thầy cô dạy ở đây đều xa nhà, trường lại thiếu nhà công vụ nên các thầy cô còn phải ở trọ. Bây giờ nhà trường đã xây thêm được một ngôi nhà công vụ giáo viên nên các thầy cô đỡ vất vả hơn.

Cô Quỳnh luôn tự vấn lòng mình, người dân ở được mình cũng ở được… “Nếu ai cũng sợ vùng cao thì ai dạy cho trẻ em ở đây biết chữ? Nhìn học sinh lem luốc quần áo không đủ ấm trong mùa đông, đôi chân trần tím tái vì cái lạnh thấu xương của vùng cao, thương các em vô cùng và tự dặn mình sẽ không rời bỏ nơi này”.

Khi được hỏi về những mong ước, cô giáo Bàn Thị Quỳnh nghẹn ngào: “Điều mà các thầy cô, bà con nhân dân và học sinh nơi này mong ước đó là có con đường đến trường, phòng học kiên cố và nhà công vụ cho các thầy cô. Có đường rồi nhân dân sẽ không còn phải dùng ngựa thồ hàng nữa, các thầy cô và học sinh sẽ không còn lấm lem bùn đất khi đến trường”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ