Hành động được nhiều chuyên gia phân tích cho rằng là cách đáp trả đối với việc Nga sáp nhập 4 tỉnh của Ukraine vào lãnh thổ.
Tổng thống Zelensky cho biết, đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan là cơ sở để Ukraine thúc đẩy mong muốn của mình.
Ông Zelensky chia sẻ: “Chúng tôi biết điều đó là có thể. Chúng tôi đã thấy Phần Lan và Thụy Điển xin gia nhập liên minh trong năm nay, dù trước đó không có kế hoạch trở thành thành viên của khối. Đây là sự công bằng. Điều này là công bằng cho Ukraine”.
Việc nộp đơn xin gia nhập có thể là hành động Ukriane tiếp tục gây áp lực buộc các nước NATO phải hỗ trợ nhiều hơn về ngoại giao và quân sự để chuẩn bị cho một cuộc chiến dài hơi. Mong muốn trên là điều dễ hiểu đối với Ukraine khi họ cần những phản ứng mạnh mẽ, cứng rắn hơn với Nga.
Ở chiều ngược lại, Nga vẫn không thể ngăn cản ý định gia nhập NATO của Ukraine, bất chấp chiến dịch quân sự kéo dài hơn 7 tháng qua.
Dù vậy, việc Ukraine gia nhập NATO không phải là điều dễ dàng và sẽ tiếp tục đối mặt với những thách thức đã tồn đọng trong quá khứ.
Trước khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, Ukraine đã bày tỏ mong muốn được gia nhập NATO. Nhưng thời điểm đó, tình hình giữa Nga và Ukraine đã có nhiều căng thẳng. Vấn đề này đặt ra câu hỏi về vai trò của NATO nếu Ukraine trở thành một quốc gia thành viên.
Cho đến khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine vào tháng 2/2022, cơ hội trở thành thành viên NATO của Ukraine càng bị bỏ ngỏ. Ngay trong tối ngày 30/9, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đã nhắc lại lập trường không thay đổi của liên minh là cánh cửa NATO luôn rộng mở.
Tuy nhiên, ông Jens đã tránh nói trực tiếp đến Ukriane. Đồng thời, ông chỉ ra thực tế rằng để được gia nhâp NATO, các quốc gia cần sự ủng hộ của toàn bộ 30 thành viên của khối.
Trong khi đó, nguyện vọng gia nhập của Ukraine chắc chắn sẽ đối mặt với sự phủ quyết của nhiều quốc gia. Theo đó, để trở thành một thành viên của NATO, các nước cần tuân thủ chính sách phòng thủ tập thể.
Điều này quy định rằng “bất kỳ cuộc tấn công vào một thành viên được coi là cuộc tấn công vào tất cả, dẫn tới phản ứng chung của khối”. Việc kết nạp Ukraine vào NATO hiện nay đồng nghĩa khối sẽ liên quan trực tiếp đến cuộc chiến.
Tuy nhiên, nhiều quốc gia trong khối này như Đức không muốn trực tiếp đối đầu với Nga. Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock khẳng định: “Chúng tôi đang làm mọi cách để đảm bảo rằng các quốc gia khác và NATO không bị lôi kéo vào cuộc xung đột này”.
Dù vậy, Đức vẫn sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine, trong đó có việc gửi vũ khí hạng nặng để giúp nước này trong cuộc xung đột với Nga.
Pháp, Hungary cũng từng phản đối việc kết nạp Ukraine vào NATO. Điều này khiến Ukraine gần như không thể đáp ứng tiêu chí có tất cả sự tán thành của 30 nước thành viên.
Vì lẽ đó, dù đã nộp đơn xin gia nhập NATO, giấc mơ của Ukraine vẫn còn khá xa vời, đặc biệt trong ngắn hạn khi phương Tây không muốn đối đầu trực tiếp với Nga. Họ khó có thể bảo vệ Ukraine khi cũng đang loay hoay giải quyết bài toán năng lượng do thiếu hụt nguồn cung từ Nga.