9 quốc gia ủng hộ Ukraine gia nhập NATO

GD&TĐ - Hôm 2/10, lãnh đạo 9 quốc gia thành viên NATO nhóm họp để bày tỏ sự ủng hộ việc Ukraine gia nhập khối này.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky.

Trước đó 2 ngày, Tổng thống Ukraine Zelensky thông báo về ý định của đất nước ông trong việc xin gia nhập NATO nhanh chóng.

“Chúng tôi kiên quyết ủng hộ quyết định của Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Bucharest năm 2008 liên quan đến tư cách thành viên tương lai của Ukraine” - Tổng thống của Cộng hòa Séc, Estonia, Latvia, Lithuania, Bắc Macedonia, Montenegro, Ba Lan, Romania và Slovakia cho biết.

Tại hội nghị thượng đỉnh Bucharest, các thành viên liên minh hoan nghênh “nguyện vọng trở thành thành viên NATO” của Ukraine và Gruzia nhưng không đưa ra bất kỳ khung thời gian nào cho việc gia nhập của các quốc gia này.

Tuyên bố của lãnh đạo 9 quốc gia cho biết họ ủng hộ Ukraine và khuyến khích tất cả các đồng minh tăng đáng kể viện trợ quân sự cho Ukraine.

Đề cập đến việc sắp đưa 4 khu vực cũ của Ukraine vào Liên bang Nga, các nhà lãnh đạo trên nói rằng họ sẽ “không bao giờ” công nhận “những nỗ lực của Nga nhằm sát nhập bất kỳ lãnh thổ nào của Ukraine”.

Trong khi đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh rằng “bất kỳ quyết định nào về tư cách thành viên đều phải được thực hiện bởi sự đồng thuận” của tất cả 30 thành viên.

Ông lưu ý NATO có chính sách mở cửa và ưu tiên hàng đầu của khối hiện nay là “hỗ trợ Ukraine,” cả về quân sự và tài chính. Ông tin rằng đây cũng là cách tốt nhất để đáp trả các hành động của Nga.

Nhận xét của ông Stoltenberg lặp lại tuyên bố trước đó của Nhà Trắng. Phát biểu hôm 30/9, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan tuyên bố cách tốt nhất bây giờ là cung cấp cho Ukraine sự hỗ trợ “thiết thực”, trong khi “quá trình ở Brussels nên được thực hiện vào một thời điểm khác”.

Thông báo của Tổng thống Zelensky về việc trở thành thành viên NATO được đưa ra cùng ngày khi Tổng thống Nga Putin ký hiệp ước về việc sáp nhập 2 nước cộng hòa Donbass và các khu vực Kherson và Zaporozhye vào Nga.

Moscow coi việc mở rộng NATO là mối đe dọa trực tiếp đối với lợi ích quốc gia của mình, viện dẫn tư cách thành viên tiềm năng của Ukraine trong liên minh này là một trong những lý do cho cuộc tấn công quân sự của họ.

Theo RT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ