Mong ngày đoàn viên

GD&TĐ - Trước thềm xuân năm mới, những nẻo đường đến với Trà Leng (Nam Trà My, Quảng Nam) vẫn còn phủ một màu bùn nhưng người dân dần lấy lại được thăng bằng để từng ngày tái thiết cuộc sống.

Công ty Năng lượng Mê Kông (Bà Rịa – Vũng Tàu) tặng quà cho HS Trường THPT Nam Trà My.
Công ty Năng lượng Mê Kông (Bà Rịa – Vũng Tàu) tặng quà cho HS Trường THPT Nam Trà My.

Tết của nhà giáo ở vùng non cao này cũng thật đặc biệt, tất bật kết nối để lo cho HS một cái Tết đủ đầy vật chất và đượm tình người.

Ấm cúng bên nồi bánh chưng 

Thầy Bùi Quang Ngọc – Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học (PTDTBT TH) Trà Leng chia sẻ: Truyền thống của nhà trường năm nào cũng tổ chức gói bánh chưng vào ngày gần Tết. Mỗi HS  được nhà trường tặng một cặp bánh chưng trong buổi học cuối cùng của năm cũ, như là một món quà nhỏ để các em góp Tết cùng với gia đình. Năm nay, dù gặp nhiều khó khăn, nhưng tập thể nhà trường vẫn dành một khoản kinh phí để duy trì nồi bánh chưng cho HS. Niềm vui của trẻ nhỏ trong những ngày Tết đến xuân về nơi vùng khó đơn giản chỉ là tấm bánh, manh áo mới. 

Trước khi về nghỉ Tết, 420 em HS người dân tộc thiểu số của Trường THPT Nam Trà My được nhà trường tặng một thùng mì tôm và một ký cá khô. “Nhiều năm gắn bó với HS, các thầy cô giáo biết rằng, bữa cơm ngày Tết với HS đồng bào không có gì ngoài cơm và muối ớt. Chính vì vậy, nhà trường đã kết nối với một số nhà hảo tâm để HS có một mùa xuân vui vẻ bên gia đình. HS trên này gần như em nào cũng có hoàn cảnh khó khăn chứ không riêng em có người thân bị mất trong vụ sạt lở đất ở nóc Ông Đề”, thầy Trần Thanh Quốc, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ. Do vậy, trong kết nối với các nhà hảo tâm, nhà trường nỗ lực làm sao để có quà cho đại trà HS chứ không chỉ dừng lại ở khoảng vài chục em đặc biệt khó khăn bởi em này có mà em kia không có cũng không đành lòng. 

Trường Phổ thông dân tộc nội trú Nam Trà My cũng chuẩn bị cho mỗi HS một phần quà Tết. Riêng số HS có người thân bị mất trong vụ sạt lở đất ở thôn 1 xã Trà Leng sẽ có thêm một suất quà do Hội Chữ thập Đỏ của trường trao tặng. “Nghe các em tâm sự mà thầy cô giáo không cầm được nước mắt. Các em cảm ơn thầy cô giáo đã luôn động viên, gần gũi nhưng Tết này chắc không ăn Tết, cũng không đi đâu. Phần quà bánh đó, các em dành để thắp hương cho ba, cho mẹ” – thầy Bùi Ngọc Luận, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Nam Trà My kể.

Có thể Tết này các em sẽ đón Tết tại nhà sinh hoạt cộng đồng chứ chưa về ở trong nhà tái định cư cho những hộ gia đình bị sạt lở do xây dựng không kịp tiến độ. Chính vì vậy, Ban giám hiệu nhà trường đã trao đổi với chính quyền xã để có thể hỗ trợ tốt nhất cho HS của trường. “Các em bắt đầu dần lấy lại sự thăng bằng. Thỉnh thoảng đêm khuya, các thầy cô nhận được tin nhắn “con nhớ mẹ quá”, “con nhớ ba quá”. Các em vẫn luôn được thầy cô giáo gần gũi, chăm sóc đặc biệt trong học tập và sinh hoạt bởi nỗi đau mất người thân là không gì bù đắp được”, thầy Luận chia sẻ. 

Ngoài tặng cá khô cho HS về nhà đón Tết, Trung tâm Anh ngữ quốc tế iLead Hội An còn tổ chức sinh nhật cho những HS Trường THPT Nam Trà My có ngày sinh trong tháng 1. Ảnh: TG
Ngoài tặng cá khô cho HS về nhà đón Tết, Trung tâm Anh ngữ quốc tế iLead Hội An còn tổ chức sinh nhật cho những HS Trường THPT Nam Trà My có ngày sinh trong tháng 1. Ảnh: TG

Niềm vui sum họp, đoàn viên

Những năm trước, các cô giáo Trường PTDTBT TH Trà Leng thường tranh thủ làm một số loại mứt, phơi hành, củ kiệu để làm dưa món. Nhưng năm nay, do thời gian HS nghỉ học vì ảnh hưởng bởi bão lụt, sạt lở nên nhà trường tổ chức dạy bù để đuổi kịp chương trình. Thậm chí, ban đêm, GV cũng phải phụ đạo thêm cho HS để các em nắm vững kiến thức, bảo đảm chất lượng dạy học. “Không khí những ngày sát Tết với GV vùng lũ là tâm trạng đếm ngược, mong mỏi đến ngày đoàn tụ, sum họp gia đình”, thầy Ngọc tâm sự. Như cô Nguyễn Thị Kim Ký – nhà ở Phú Ninh, hai con nhỏ và mẹ già gửi lại cho chị gái của chồng chăm sóc. Tết, với cô Ký, là niềm vui được nấu những món đúng sở thích của con cái, thủ thỉ trò chuyện cùng con trước giờ đi ngủ… 

Cô Hồ Thị Chim cũng mong ngóng sớm được gặp lại con nhỏ sau nhiều tháng ngày xa cách. Trước khi 11 ngôi nhà ở nóc Ông Đề bị xóa sổ hoàn toàn, 17 ngôi nhà khác, nằm gần trung tâm xã Trà Leng bị cuốn theo những dòng thác ầm ầm đổ xuống trong vụ sạt lở núi đầu tiên ở Trà Leng. Nhà của vợ chồng cô Chim  nằm trong số này. Cô Chim đang ở nhờ nhà người cháu trong điều kiện hết sức khó khăn, thiếu thốn. Để tiện cho việc chăm sóc con nhỏ, chồng của cô đưa bé về quê nội ở Huế. Cả mấy tháng nay, vợ chồng con cái chỉ gặp nhau qua điện thoại. Cô Chim kể: “Căn nhà của vợ chồng xây trên đất vườn của bố mẹ. Do chưa tách hộ khẩu, lúc làm nhà không xin giấy phép nên dù nhà bị sập nhưng không nằm trong diện được hỗ trợ tái định cư. Dù phía trước còn nhiều khó khăn nhưng so với sự mất mát của nhiều gia đình, mình vẫn còn may mắn”. 

Đều là những đơn vị không có nguồn thu từ học phí nên Ban giám hiệu các trường học ở Nam Trà My, với tinh thần “khéo co thì ấm” đã tiết kiệm từ các nguồn chi để làm sao mỗi giáo viên đều ít nhiều có tiền thưởng Tết. Nói như thầy Luận, dù chỉ năm ba trăm ngàn, giá trị vật chất không cao, nhưng đấy là món quà nhỏ để chung vui với gia đình các thầy cô giáo trong ngày sum họp gia đình.

Trường Phổ thông dân tộc nội trú Nam Trà My kết nối với một số mạnh thường quân để nhận đỡ đầu cho 4 HS mồ côi cả cha lẫn mẹ. Hiện, việc ăn ở, chi phí sinh hoạt của HS có chế độ hỗ trợ của Nhà nước. Chính vì vậy, những cá nhân này hàng tháng trao tượng trưng cho các em khoảng 200.000 đồng. Tuy nhiên, khi các em tốt nghiệp THPT và bước vào ĐH, sẽ được hỗ trợ học phí và chi phí sinh hoạt trong suốt thời gian học ĐH. Đây đều là những HS có học lực khá, giỏi. - Thầy Bùi Ngọc Luận 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ