Phát biểu tại đây, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ bày tỏ sự vui mừng được đón tiếp các đồng chí đại sứ sắp bắt đầu nhiệm kỳ, đảm nhận trọng trách rất lớn trong thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam với các nước, trong đó có lĩnh vực GD&ĐT.
Bộ trưởng nhấn mạnh, một trong những giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT theo tinh thần Nghị quyết số 29 của BCH T.Ư Đảng Khóa XI là đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong GD&ĐT. “Chúng tôi coi hội nhập quốc tế là một nhiệm vụ trọng tâm của ngành, là khâu đột phá, nâng cao chất lượng giáo dục” – Bộ trưởng cho biết.
Bộ trưởng khẳng định: Bộ GD&ĐT đang nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục các cấp học, bậc học từ mầm non, phổ thông đến đại học theo hướng chuẩn hóa và hội nhập quốc tế. Ở bậc học MN, cả nước đã PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi và đang nỗ lực giáo dục trẻ phát triển kỹ năng, trong đó nhiều trường tư, trường quốc tế đã khẳng định chất lượng giáo dục.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại buổi làm việc |
Ở phổ thông, chất lượng giáo dục toàn diện khá tốt, được tổ chức OECD đánh giá cao. Hiện Bộ đang thực hiện CT, SGK GDPT mới và rất quan tâm đến hội nhập quốc tế, đã được cụ thể hóa bằng Nghị định 86 của Chính phủ về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. Bộ đang khuyến khích nghiên cứu những chương trình tiên tiến, nhập khẩu chương trình để giảng dạy.
Trên tinh thần đó, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ mong muốn các đại sứ giới thiệu những trường tốt ở nước bạn để các trường phổ thông trong nước được kết nối, trao đổi chương trình, tài liệu giảng dạy; Tiếp tục quảng bá, mời gọi, thu hút nhà đầu tư nước ngoài mở trường tư ở Việt Nam; Đồng thời khuyến khích hình thức trao đổi giáo viên, học sinh, sinh viên.
Ở giáo dục đại học, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ mong rằng các đại sứ quan tâm, đẩy mạnh hợp tác trong đào tạo, khuyến khích các trường nước bạn mở những ngành mới, ngành mà Việt Nam đang cần nhân lực phục vụ phát triển kinh tế thích ứng với thế giới.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chụp ảnh lưu niệm với 20 Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trước khi lên đường nhận nhiệm vụ nhiệm kỳ mới |
“Các ngành này có thể phát triển theo hướng nhập khẩu chương trình, trao đổi giảng viên, sinh viên… Do vậy rất cần các đại sứ thẩm định về mặt pháp lý và chất lượng đào tạo của các trường này giai đoạn chuẩn bị đầu tư, liên kết đào tạo” Bộ trưởng nêu rõ.
Việc tiếp theo mà Bộ trưởng rất quan tâm và mong được các đại diện Việt Nam ở các nước hỗ trợ, kết nối các nhóm nghiên cứu, mạng lưới nghiên cứu ở nước ngoài để đất nước tìm được những người thực sự hợp tác, có tâm có tài vì tổ quốc.