Còn nhiều bất cập
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tân Uyên (Lai Châu) chia sẻ: “Chính sách đối với nhà giáo công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều bất cập, chồng chéo. Việc không phân định rõ ràng chính sách giữa các vùng miền đã không thu hút được nhà giáo. Có những nơi, dù điều kiện thuận lợi vẫn được hưởng chính sách thu hút. Ngược lại, một số nơi khó khăn thì không được hưởng”.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Tuấn Anh cũng bày tỏ về chính sách tiền lương hiện nay của nhà giáo không đảm bảo mức sống trung bình theo sự phát triển của xã hội.
“Việc tiền lương không tương xứng với những cống hiến, không đảm bảo mức sống trung bình chính là nguyên nhân khiến nhà giáo, nhất là giáo viên ở vùng khó khăn và mới chuyển về vùng thuận lợi chật vật, không thể yên tâm công tác. Điều đó dẫn tới nhiều giáo viên thôi việc hoặc xin chuyển vùng” – ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết.
Cùng với đó, một số người đang công tác tại Phòng GD&ĐT, các phòng chuyên môn thuộc Sở GD&ĐT không được hưởng các chính sách của nhà giáo. Các văn bản pháp luật hiện nay chưa quy định cụ thể, rõ ràng những ai công tác, làm việc ở đâu thì được gọi là nhà giáo.
Cũng theo ông Nguyễn Tuấn Anh, việc quản lý biên chế còn chồng chéo giữa cơ quan Nội vụ và Giáo dục. “Ngành GD&ĐT được giao biên chế trong khi thẩm quyền tuyển dụng lại thuộc cơ quan Nội vụ. Chính vì vậy, ngành GD&ĐT không chủ động được biên chế. Việc tinh giản biên chế không gắn với thực trạng số trường, lớp là không phù hợp. Tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ diễn ra ở nhiều địa phương” – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tân Uyên thông tin.
Bên cạnh đó, nhà giáo phải chịu tác động của nhiều quy định đánh giá, xếp loại chồng chéo. Ông Nguyễn Tuấn Anh dẫn chứng: “Nhà giáo vừa phải đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên lại vừa phải đánh giá xếp loại viên chức... Điều đó gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý chung của đội ngũ nhà giáo”.
Nhiều chính sách không phân định rõ ràng chính sách giữa các vùng miền nên không thu hút được nhà giáo. |
Còn bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Phó trưởng phòng GD&DDT huyện Nậm Nhùn cho biết: “Trong thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ, Bộ, ngành trung ương đã ban hành hơn 200 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đội ngũ nhà giáo. Các văn bản có nội dung điều chỉnh khá rộng, từ chế độ đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, bổ nhiệm, đánh giá đến những nội dung cụ thể, đặc thù. Tuy nhiên, các quy định pháp luật về đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục còn được thể hiện tại nhiều văn bản khác nhau, thiếu tính đồng bộ, thống nhất, thậm chí chồng chéo. Từ đó, gây khó khăn cho việc tra cứu, áp dụng trong thực tiễn”.
Đảm bảo tính công bằng
“Giáo dục là một trong những ngành lớn, có số lượng công chức, viên chức đông. Khi có Luật Nhà giáo, sẽ sớm giải quyết những bất cập và vướng mắc liên quan đến các quy định pháp luật về đội ngũ giáo đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý tạo cơ sở pháp lý, căn cứ thống nhất để áp dụng trong thực tiễn liên quan đến đội ngũ nhà giáo” – Bà Nguyễn Thị Thuỷ cho biết.
Còn ông Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ: “Việc ban hành Luật Nhà giáo sẽ giúp nâng cao vị thế, vai trò của nhà giáo; khắc phục những bất cập hiện nay; tạo hành lang pháp lý vững chắc và toàn diện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà giáo; tạo cơ hội cho nhà giáo yên tâm công tác, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, hết lòng vì học sinh.
Chia sẻ về sự cần thiết phải ban hành Luật Nhà giáo, cô Lò Thị Phước, chủ Nhóm trẻ độc lập tư thục Smart Kids (Lai Châu) cho biết: “Chúng tôi mong muốn Luật Nhà giáo thể hiện sự bình đẳng giữa mọi nhà giáo, bất kể là ở hệ thống giáo dục công lập hay ngoài công lập. Hiện, chúng tôi đã được tiếp cận và tham gia các hoạt động trong ngành Giáo dục nhưng hầu hết văn bản, thang đo, tiêu chí đánh giá giáo viên lại phù hợp nhiều hơn với cơ sở giáo dục công lập”.
“Cho dù môi trường nào, nhà giáo đều đang làm công việc giáo dục và đào tạo. Chúng tôi mong muốn nhà nước quan tâm hơn để những giáo viên ngoài công lập được hưởng các chế độ, chính sách, phúc lợi xã hội bình đẳng như giáo viên công lập” – cô Lò Thị Phước bày tỏ.
Nhóm trẻ độc lập tư thục Đam Mê tại thành phố Điện Biên Phủ. |
Còn cô Nguyễn Thị Việt Anh, Chủ nhóm trẻ độc lập tư thục Đam Mê tại thành phố Điện Biên Phủ cho biết: “Có Luật Nhà giáo sẽ giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục một cách rõ ràng, cụ thể hơn. Ngoài ra nếu có luật nhà giáo rõ ràng, sẽ thống nhất được tiêu chuẩn, tiêu chí và chuẩn mực đối với nhà giáo. Đồng thời, bảo đảm quyền lợi giáo viên bằng những quy định cụ thể của pháp luật. Mặt khác, tạo điều kiện cho sự phát triển sáng tạo của giáo viên. Điều này, là vô cùng cần thiết đối với đội ngũ nhà giáo, không phân biệt làm việc trong trường công lập hay ngoài công lập”.
Đại diện cho cơ sở mầm non ngoài công lập, cô Nguyễn Thị Việt Anh mong muốn có chính sách hỗ trợ một phần cơ sở vật chất để từng bước hiện đại hóa, đặc biệt là những vùng kinh tế khó khăn, thu học phí thấp. Bên cạnh đó, cần chính sách hỗ trợ một phần tiền lương cho giáo viên để đảm bảo mức sống cũng như góp phần giảm học phí cho trẻ.