Mong đề xuất về phụ cấp ưu đãi nhà giáo sớm thành hiện thực

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Đội ngũ giáo viên mừng vui, xúc động và đong đầy niềm hy vọng với đề xuất về phụ cấp ưu đãi nhà giáo...

Cô Lý Thị Thu trong giờ lên lớp.
Cô Lý Thị Thu trong giờ lên lớp.

Chào năm mới 2023, đội ngũ giáo viên mừng vui, xúc động và đong đầy niềm hy vọng khi được biết Bộ GD&ĐT đã xây dựng dự thảo Tờ trình Chính phủ “Đề nghị xây dựng Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi nhà giáo”. Cùng lắng nghe những chia sẻ của các thầy cô xung quanh niềm vui này.

Động lực để bám trụ với nghề

Cô Bùi Thị Tiện, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Phượng (Kim Bôi, Hòa Bình)

Hiện nay, thu nhập của giáo viên mầm non thuộc diện thấp dù công việc rất vất vả, đi sớm về muộn, với đủ “vai diễn”, màu sắc mỗi khi lên lớp. Có giáo viên dạy học được 7 năm tại khu vực III nhưng hằng tháng chỉ nhận được hơn 8 triệu đồng, gồm cả lương và các loại phụ cấp.

Chúng tôi mong mỏi Đảng, Nhà nước có những chính sách phù hợp, nhất là sớm tăng phụ cấp ưu đãi nghề. Như trong dự thảo trình Chính phủ, Bộ GD&ĐT đề xuất phụ cấp ưu đãi nhà giáo với mức từ 25% đến 100%. Trong đó, đề xuất nâng mức phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên mầm non đang hưởng mức 35% và mức 50% lên mức 70%. Giáo viên mầm non đang công tác vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hưởng mức 100%.

Cũng phải nhìn nhận thực tế, 2 năm qua, tình trạng giáo viên bỏ việc, chuyển việc cũng vì thu nhập thấp, không bảo đảm cuộc sống thường nhật của gia đình. Việc tăng lương và phụ cấp là điều mà giáo viên mong mỏi, chờ đợi từng ngày. Thiết nghĩ, đó cũng là quyền lợi mà họ xứng đáng được hưởng.

Khi biết thông tin Bộ GD&ĐT đề nghị thay đổi phụ cấp ưu đãi, các thầy cô đều vui mừng khôn xiết, hân hoan, phấn chấn hơn trong công việc. Chúng tôi mong Chính phủ sẽ sớm thông qua đề xuất. Đây chính là động lực to lớn, là niềm hạnh phúc để giáo viên bám trụ với nghề. Trong sâu thẳm, đó cũng là niềm tự hào của giáo viên mầm non khi chia sẻ với gia đình, bạn bè về thu nhập của mình.

Cô – trò Trường Mầm non Hoa Phượng (Kim Bôi, Hòa Bình). Ảnh: NVCC

Cô – trò Trường Mầm non Hoa Phượng (Kim Bôi, Hòa Bình). Ảnh: NVCC

Cải thiện chất lượng đời sống của giáo viên

Cô Lý Thị Thu – giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Sủng Máng (Mèo Vạc, Hà Giang)

Tôi là giáo viên có hơn 8 năm “cắm bản”. Tôi đang chủ nhiệm lớp 1, với 25 học sinh tại điểm trường Sủng Quáng nằm giữa lưng chừng núi. Để đến được trường, cô – trò phải băng rừng, lội suối. Nếu đi theo đường chính phải vượt qua nhiều con dốc dựng đứng. Khó khăn chồng chất khó khăn nên giáo viên chúng tôi luôn mong được Đảng, Nhà nước quan tâm bằng các chế độ, chính sách ưu đãi dành cho giáo viên vùng khó.

Khi biết được đề xuất các mức phụ cấp ưu đãi dành cho giáo viên; trong đó có giáo viên vùng đặc biệt khó khăn, chúng tôi không giấu được sự xúc động, vui mừng và phấn khởi. Dù mới là đề xuất nhưng điều đó thể hiện sự ghi nhận của Bộ GD&ĐT, của xã hội về những cống hiến của giáo viên; đồng thời thể hiện sự chia sẻ những khó khăn, thách thức mà các thầy cô đang phải đối diện. Để giáo viên bám trụ với nghề thì lương và phụ cấp ít nhất phải đảm bảo cuộc sống tối thiểu. Đây là điều kiện tiên quyết và cần thiết nhất. Vì vậy, tôi cho rằng, tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên vùng khó là hoàn toàn hợp lý. Việc này cần sớm được hiện thực hóa để cải thiện chất lượng đời sống của giáo viên.

Tạo công bằng về chế độ phụ cấp ưu đãi cho nhà giáo

Thầy Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ (Hòa Bình)

So với nhiều ngành nghề khác, mức lương của giáo viên còn thấp, không đủ trang trải cuộc sống nên nhiều người bỏ nghề hoặc rẽ sang hướng khác để cải thiện đời sống. Nhiều thầy, cô phải làm thêm nghề khác để vun vén đời sống. Do đó, nếu Nhà nước không kịp thời có những chính sách hỗ trợ cho giáo viên thì số lượng thầy cô bỏ việc có thể còn gia tăng.

Tôi được biết, Bộ GD&ĐT đã có dự thảo Tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi nhà giáo. Theo đó, mức phụ cấp ưu đãi của nhà giáo sẽ ở mức 25 - 100% tùy đối tượng. Nếu đề xuất này thành hiện thực sẽ phần nào khắc phục được những khó khăn, vướng mắc về thu nhập cho giáo viên; đồng thời, giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà giáo. Từ đó, tạo công bằng, minh bạch trong việc xem xét, chi trả chế độ phụ cấp ưu đãi cho đội ngũ nhà giáo.

Yên tâm công tác

Thầy Nguyễn Việt Phương - giảng viên Khoa Tâm lý - Giáo dục, Trường Đại học Vinh

Theo tôi, đề xuất của Bộ GD&ĐT là kịp thời, đúng đắn và nhân văn. Với các mức phụ cấp ưu đãi như Bộ GD&ĐT đề xuất sẽ là động lực rất lớn về mặt tinh thần cũng như vật chất để giáo viên yên tâm công tác, nhất là với đội ngũ giáo viên mầm non.

Hơn hết, nó là sự ghi nhận của các cấp quản lý, của xã hội đối với giáo viên, nhất là giáo viên mầm non – lao động có tính chất đặc biệt và vất vả. Cá nhân tôi cho rằng, vấn đề này không làm cho tình cảm, tình yêu nghề của giáo viên mầm non tăng lên, bởi vốn dĩ, phải thực sự yêu nghề, mến trẻ thì họ mới dấn thân và gắn bó với nghề. Tuy nhiên, chắc chắn về mặt tinh thần, các thầy, cô giáo sẽ thấy phấn khởi, hạnh phúc và có nhiều động lực để cố gắng nhiều hơn trong chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ. Bởi họ không đơn thuần là giáo viên, mà còn là người mẹ hiền thứ hai mỗi khi ở trường.

Chặn làn sóng giáo viên bỏ việc

Bà Tăng Thị Ngọc Mai - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trà Vinh

Đề xuất về phụ cấp ưu đãi nhà giáo của Bộ GD&ĐT sẽ kịp thời ngăn chặn làn sóng đua nhau bỏ việc của giáo viên, nhất là với giáo viên mầm non. Đồng thời góp phần củng cố niềm tin cho các thầy cô giáo tương lai – những giáo sinh đang theo học sư phạm.

Thoạt nghe, mức phụ cấp từ 70% lên 100% là cao nhưng số giáo viên thuộc diện này không nhiều. Số giáo viên được tăng thêm 35% phụ cấp vẫn chưa tương xứng so với sự vất vả của nghề nuôi dạy trẻ. Bởi nếu so với cùng trình độ đào tạo thì hiện nay, mức thu nhập ở các ngành nghề khác vẫn cao hơn. Mong đề nghị của Bộ GD&ĐT sớm được chấp thuận và đi vào đời sống thực tiễn. Nếu không, tình hình số lượng và chất lượng nguồn nhân lực của ngành Giáo dục sẽ phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức.

Nâng cao vị thế của giáo viên mầm non

TS Hồ Lam Hồng - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Sư phạm (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội)

Cách đây không lâu, tôi có nghe thông tin về một nghiên cứu liên quan đến sức khỏe tinh thần của giáo viên qua Hội thảo “Chăm sóc sức khỏe tâm thần cho giáo viên hướng tới xây dựng trường học hạnh phúc”. Hội thảo do Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức. Một nghiên cứu khảo sát tình trạng sức khỏe tâm thần của giáo viên THCS tại Quảng Trị, Huế và TP Hồ Chí Minh cho thấy, có 41,1% số giáo viên bắt đầu có những dấu hiệu đáng lưu ý; 22% giáo viên có nguy cơ tổn thương sức khỏe tâm thần cao và khoảng 6,1% giáo viên có sức khỏe tâm thần không tốt. Những con số đó khiến chúng tôi chạnh lòng với nghề được cho là “cao quý” – “kĩ sư tâm hồn”.

Tôi được biết, PGS.TS Nguyễn Thành Nam – Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục (Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) đã chỉ ra có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên như: Quá tải về các nhiệm vụ công việc, sự đánh giá thấp với các nhiệm vụ hoàn thành, không cân bằng được thời gian dành cho cuộc sống và công việc. Phải thực hiện những nhiệm vụ về giấy tờ không cần thiết, những yêu cầu không hợp lý từ các cấp quản lý.

Điều kiện làm việc còn hạn hẹp, trong bối cảnh đổi mới phương pháp giáo dục làm cho giáo viên phải tự “bơi” để đáp ứng yêu cầu mới của ngành Giáo dục.

Sự nhìn nhận về vị thế xã hội đối với ngành Giáo dục còn thấp. Thiếu sự đồng cảm, chia sẻ từ học sinh, phụ huynh và xã hội đối với giáo viên, nhất là giáo viên mầm non.

Đồng lương và thu nhập chưa thật tương xứng với công sức và áp lực công việc mà họ phải gánh chịu. Thực chất, lương của giáo viên mầm non thấp nhất so với giáo viên ở các cấp học khác, trong khi gánh nặng trách nhiệm lại cao.

Từ thực tế trên, việc Bộ GD&ĐT có đề xuất tăng phụ cấp cho giáo viên mầm non là rất cần thiết và trân quý. Qua đó, thể hiện sự quan tâm và động viên khích lệ kịp thời của Đảng và Chính phủ, Bộ GD&ĐT đối với đội ngũ giáo viên. Đồng thời, giúp nâng cao vị thế xã hội của giáo viên mầm non, giảm bớt khó khăn trong cuộc sống. Bên cạnh đó, cũng cần có những chính sách đối với việc xây dựng mức lương cơ bản cho giáo viên mầm non; chế độ học tập và nghỉ ngơi hợp lý, cũng như xây dựng văn hóa trong trường. Từ đó, tạo môi trường làm việc thực sự thân thiện.

Vì những lẽ đó, cá nhân tôi rất ủng hộ việc tăng phụ cấp cho đội ngũ giáo viên mầm non, nhất là với giáo viên vùng đặc biệt khó khăn.

Tờ trình đề nghị xây dựng Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi nhà giáo của Bộ GD&ĐT nêu rõ: “Việc ban hành Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi nhà giáo tạo hành lang pháp lý để địa phương có căn cứ triển khai thực hiện, bảo đảm quyền lợi, công bằng cho nhà giáo trong thời gian chưa thực hiện chính sách tiền lương mới. Đồng thời thể hiện rõ quan điểm “giáo dục là quốc sách hàng đầu” và sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước đối với đội ngũ các thầy cô giáo”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ