Đề toán có 5 câu hỏi trong thời gian 120 phút được cô Phan Thị Thanh Bình - giáo viên Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) - đánh giá là ra cơ bản, bám sát chương trình, có phân hoá, đặc biệt là câu III ý 2b, câu hình d, câu 5.
Cô Bình cho rằng, đề thi này phù hợp với tuyển sinh vào 10; độ khó tương đương với mọi năm và phù hợp thời gian 120 phút làm bài; học sinh cần học chắc kiến thức mới làm bài tốt; nhiều học sinh tập kỹ có thể đạt mức 8 điểm.
“Câu III ý 2b, học sinh tưởng khó nhưng thực ra không khó. Học sinh phải biết đưa về bài toán áp dụng định lý Vi Et thì sẽ làm được. Bài này, các em cũng dễ bị phân trường hợp thiếu” - cô Phan Thị Thanh Bình cho hay.
Thầy Phạm Công Đỉnh - Trường THPT Chu Văn An (Thái Nguyên) - nhận xét: Đề thi vào lớp 10 của Hà Nội năm nay có cấu trúc tương tự như đề thi một số năm học gần đây. Cụ thể: Đề thi có 5 bài, trong đó có 4 bài về đại số và 1 bài về hình học. Điểm thành phần và nội dung kiến thức của từng câu cũng tương tự như một số năm học gần đây. Đây là điều thuận lợi cho các em học sinh trong quá trình làm bài thi.
Về nội dung, các bài I (ý 1, ý 2); bài II; bài III (ý 1; ý 2 a); bài IV (ý 1, ý 2, ý 3_ là các phần kiến thức cơ bản và rất quen thuộc nên các em học sinh có thể làm tốt.
Bài I (ý 3), bài III (ý 2b); bài IV (ý 4) và bài V là các câu để phân loại học sinh đòi hỏi các em học sinh khá, giỏi phải nắm vững kiến thức và có kĩ năng tốt mới có thể giải quyết được bài toán. Đặc biệt bài V (0,5đ) là bài toán hay và khó có tính phân loại cao.
Nhận xét chung về đề, thầy Phạm Công Đỉnh cho biết: So với mặt bằng chung của học sinh Hà Nội, đề thi hay và có tính phân loại tốt. Cấu trúc và nội dung kiến thức của đề thi không có gì lạ so với các năm học gần đây vì vậy thuận lợi cho việc ôn tập và làm bài của các em học sinh và cũng tạo ra một tâm lý thoải mái cho các em học sinh khi đọc đề bài.