Tùy theo bậc học, cấp học, các chương trình giáo dục, hoạt động ngoại khóa được xây dựng phong phú, phù hợp với độ tuổi.
Hiểu rõ tình yêu thương của Bác với thiếu nhi
Để giáo dục trẻ lòng kính yêu và biết ơn đối với Bác Hồ, cô trò Trường Mầm non 19 Tháng 5 (Quận 12) đã tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa như: Biểu diễn hát múa chúc mừng sinh nhật Bác, xem tranh và nghe đọc những bài thơ, câu chuyện về Bác Hồ, vẽ tranh và tô màu về Bác Hồ… Cô Phạm Ngọc Quyên, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, hằng năm, nhà trường đều đưa ra kế hoạch theo chủ đề, chủ điểm từng tháng. Trong tháng 5, có ngày sinh nhật Bác, nhà trường tổ chức sinh hoạt chuyên đề với nhiều nội dung về cuộc đời và sự nghiệp để giúp trẻ hiểu về Bác Hồ. Tùy theo độ tuổi của từng khối lớp, nhà trường chỉ đạo giáo viên có cách truyền đạt khác nhau.
“Các bé hào hứng tham gia và tỏ ra hứng thú với tiết học vẽ tranh, tô màu về Bác. Thông qua những bức tranh, tư liệu, trẻ hiểu hơn về cuộc đời Bác, như nơi Bác sinh ra, Bến Nhà Rồng nơi Người ra đi tìm đường cứu nước, Lăng Bác ở đâu, những tình cảm Bác dành cho các cháu thiếu nhi ra sao”, cô Quyên cho hay.
Trường Tiểu học Hòa Bình (Quận 1) cũng lồng ghép chủ đề: “Kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh” trong tiết sinh hoạt dưới cờ. Theo đó, học sinh được thầy cô giới thiệu về tiểu sử của Bác cùng quá trình hoạt động cách mạng trong và ngoài nước. Đồng thời, các em được xem, nghe những câu chuyện của Bác với thiếu nhi như “Quả táo của Bác”, “Bể cá của Bác Hồ”, “Niềm vui bất ngờ”. Những câu chuyện giản đơn nhưng đã để lại trong học sinh ấn tượng sâu đậm khó quên về hình ảnh người cha già kính yêu của dân tộc.
Điều đặc biệt là các em rất hào hứng, thi đua kể về những việc mình sẽ làm để ghi nhớ công ơn, trả lời câu hỏi xoay quanh cuộc đời Bác. Theo cô Phó Hiệu trưởng Tống Thị Mai Hương, với cấp tiểu học, tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh bên cạnh được lồng ghép giảng dạy trong môn Đạo đức, môn học có liên quan, còn được truyền tải một cách sinh động thông qua hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, sinh hoạt lớp, hoạt động Đội.
“Đặc biệt, qua chuyên đề kỷ niệm Ngày sinh của Bác mà nhà trường vừa tổ chức, học sinh hiểu rõ hơn về những phẩm chất cao quý, càng thêm yêu, trân trọng những gì Bác đã làm cho non sông Việt Nam. Từ đó, các em ghi sâu trong lòng những lời hứa để cố gắng trở thành con ngoan, trò giỏi, người có ích cho gia đình, xã hội, xây dựng đất nước giàu đẹp hơn”, cô Hương cho hay.
Trường THPT Bùi Thị Xuân trao học bổng cho học sinh khó khăn vươn lên trong học tập dịp kỷ niệm sinh nhật Bác. |
Nhiều hoạt động ý nghĩa
Sáng 19/5, Trường THCS Lương Định Của (TP Thủ Đức) tổ chức hội thi Thiết kế mô hình logo Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh kỷ niệm 133 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho khối 6, 7, 8. Theo đó mỗi lớp sẽ có 1 đội gồm 3 học sinh tham gia. Các đội sẽ thiết kế mô hình logo đội dựa trên vật liệu lớp tự chuẩn bị.
Cũng trong sáng 19/5, các Chi bộ Ấp 2, Ấp 6, Quân sự thuộc xã Phạm Văn Hai và Chi bộ Trường Tiểu học Phạm Văn Hai, Trường Tiểu học Võ Văn Vân thuộc huyện Bình Chánh đã tổ chức kết nạp đảng cho 5 đảng viên tại Khu di tích Mậu Thân 68 (huyện Bình Chánh).
Trước đó, chiều ngày 18/5, Trường THPT Bùi Thị Xuân (Quận 1) đã tổ chức lễ kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trao học bổng Trái tim yêu thương lần 2. Tại buổi lễ, thầy Hiệu trưởng Huỳnh Thanh Phú đã chia sẻ những câu chuyện về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Bác Hồ, từ đó giúp giáo viên, nhân viên, học sinh có nhận thức đầy đủ, sâu sắc về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người.
Cũng trong dịp này Trường THPT Bùi Thị Xuân trao 88 suất học bổng với tổng trị giá hơn 200 triệu đồng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học tập tốt. Em Nguyễn Minh Thư, học sinh lớp 11A13 chia sẻ: “Em xúc động khi được nghe kể những câu chuyện về Bác Hồ. Mỗi câu chuyện là một bài học để em và các bạn noi theo. Đặc biệt dịp này em được nhận học bổng từ nhà trường trao tặng, đây là nguồn động viên rất lớn. Em sẽ cố gắng học tập thật tốt để trở thành công dân có ích cho xã hội”.
Trước đó ngày 15/5, Trường THPT Trần Quang Khải (Quận 11) cũng khánh thành và đưa vào hoạt động Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong nhà trường. Theo đó, Không gian văn hóa Hồ Chí Minh được chia làm 3 khu vực gồm: Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh chính diện là bàn thờ Bác; Khu vực không gian văn hóa đọc, trưng bày các tư liệu, tác phẩm về Người, có mã vạch thông minh kết nối vào thư viện Hồ Chí Minh; Khu vực giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Theo chia sẻ của thầy Nguyễn Tấn Tài, Hiệu trưởng nhà trường, việc giới thiệu và đưa Không gian văn hóa Hồ Chí Minh vào hoạt động có ý nghĩa to lớn đối với chi bộ, tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh trong trường.
“Không gian sẽ là nơi để cán bộ, đảng viên, giáo viên và học sinh có thể thư giãn sau giờ làm việc và học tập căng thẳng; có thể tìm hiểu về những tư liệu liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như cột mốc lịch sử của tổ chức Đảng và đất nước. Ngoài ra, không gian cũng góp phần làm cho việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành nếp sống đặc trưng của cán bộ, đảng viên, giáo viên, nhân viên và học sinh trong nhà trường”, thầy Tài cho hay.
Em Bùi Trần Linh Chi, lớp 10A11 Trường THPT Trần Quang Khải cho biết: “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh có sách được đóng góp bởi thầy cô và các bạn trong trường. Không gian đi vào hoạt động đã giúp em học tập thêm được nhiều điều mới lạ, ôn lại những kiến thức lịch sử và hiểu rõ thêm về cuộc đời sự nghiệp của Bác”.