"Món nợ" và "tình duyên" gắn bó với trường Giồng

GD&TĐ - Từ một GV trẻ mới tập tễnh bước vào nghề, sau 32 năm theo đuổi sự nghiệp GD, cô Nguyễn Thị Ngọc Diệp – Trưởng bộ môn Ngữ văn Trường THPT Giồng Ông Tố (quận 2, TPHCM) đã gắn bó với bục giảng bằng một tình yêu văn chương nồng nàn và sâu đậm. 

Cô Nguyễn Thị Ngọc Diệp và các học sinh
Cô Nguyễn Thị Ngọc Diệp và các học sinh

Văn chương và dạy học đối với cô Nguyễn Thị Ngọc Diệp như một “món nợ” và có cả tình duyên trong đó nữa. 

Không “đứng yên một chỗ”

Hồi nhỏ cô bé Diệp được học môn Toán với bố là Phó Hiệu trưởng Trường THPT Diễn Châu (Nghệ An) nhưng các giờ học có nhiều câu thơ đẹp và những áng văn trữ tình vẫn có sức hút lạ kỳ. 

Điều đó cũng không có gì khó hiểu khi Ngọc Diệp từ thuở bé đã được thả hồn mình trong không gian rộng lớn với những cuốn sách trích giảng văn học và tập bài giảng của mẹ vốn là một cô giáo dạy Văn. Có lẽ gien văn chương của mẹ trội hơn tất cả nên Diệp bước vào cổng trường ĐHSP Quy Nhơn một cách thật chững chạc. 

4 năm theo học khoa Ngữ văn, chất văn chương đậm đặc vốn từng lắng động sâu xa trong tâm hồn của cô nữ sinh xứ Nghệ cũng bắt đầu “phát tiết” trong các môn học trên giảng đường. 

Lợi thế đó càng được phát huy khi Ngọc Diệp “khăn gói” theo chồng về công tác tại Trường THPT Giồng Ông Tố (quận 2, TPHCM) sau 7 năm dạy ở Quảng Ngãi. Tuy đến với ngôi trường vùng ven như vài người nói là “thiếu đất dụng võ” nhưng với cô điều quan trọng vẫn là niềm tin không gì lay chuyển được với truyền thống của một gia đình 3 đời “gõ đầu trẻ”. 

Dạy HS ở vùng khó khăn, cô và nhiều GV khác lại có thêm tình yêu thương và gắn bó với các em hơn: “Tôi thật sự yêu thương và chia sẻ mỗi hoàn cảnh riêng của từng em đến mức như cảm thấy tuổi thơ mình sống lại ở trong từng cuộc đời đó”. 

Ngọc Diệp cũng từng tâm sự, nhờ có thêm trải nghiệm của người mẹ và người chị nên mỗi bài giảng ở lớp không còn là tiếng nói khô khan vụng về mà đã là những lời tâm sự nhẹ nhàng và có ý nghĩa hơn. Tình yêu thương đã trở thành con thuyền chở văn chương trôi nhẹ trên dòng sông trí tuệ. 

Cũng đã có lần cô cho biết, bí quyết để thành công trong giảng dạy chính là niềm tin với HS. Niềm tin của GV được thể hiện qua sự phát huy năng lực tối đa của HS, dám giao phó từng phần việc để các em tự thiết kế. 

Những giờ học thấm đẫm tính nhân văn chở theo bài học làm người sâu sắc là động lực để cho trái tim thêm một lần rung động, những cung bậc cảm xúc văn học lên tiếng. Nhưng không phải vì thế mà GV lại “đứng yên một chỗ”. Đổi mới không chỉ là nhu cầu cá nhân mà còn là xu thế của thời đại. 

Cô Diệp đã làm được điều này với HS trường Giồng – cách gọi thân thiết ngôi trường nơi đây. Thành tích thì nhiều nhưng tổ Văn vẫn nhớ nhất là lần đầu xuất quân trong 3 em thi Olympic môn Văn thì có 2 em vinh dự đoạt giải Huy chương Đồng. 

Biết “đứng vào đội ngũ” 

Vốn là “cha đẻ” của các thiết bị dạy học, Thạc sĩ Hà Hữu Thạch – Hiệu trưởng nhà trường đã “chiết xuất” được rất nhiều chất xúc tác để GV có thêm bệ phóng trong đổi mới phương pháp, văn chương cũng không phải là môn học ngoại lệ. 

BGH coi GV trong trường là những “cành vàng lá ngọc” cần ưu tiên nhất trong mũi nhọn chuyên môn. “Bí kíp cho mọi mệnh đề” đã được nhà trường và hội PH trải thảm đỏ để đội ngũ GV trong đó có cô Diệp có thêm cơ hội “nhả tơ vàng”. 

Khi đứng trên vai trò người tổ trưởng, con “chim đầu đàn” tìm cách truyền đạt kinh nghiệm và nâng đỡ những đàn em “vỗ cánh bay theo”. Với tổ chuyên môn, con đường dạy văn sáng tạo luôn mở ra trước mắt và có không ít bước chân đã thành công. Thời gian rảnh rỗi cô lại viết những bài báo “hướng đạo” cho các “thần dân’ bộ môn Văn. 

Đầu vào thấp, lại chưa sống nổi với nghề là những rào cản lớn của nhà trường và thầy cô. Nhưng lòng yêu nghề và mến trẻ đã “chiến thắng” tất cả. Hơn 20 năm gắn bó với một ngôi trường biết bao nghĩa tình sâu nặng, bởi thế không dễ gì cô nhận lời với đề nghị những ngôi trường danh tiếng khác để “dứt áo ra đi”. Có thể coi đây cũng là sự cống hiến của một nhà giáo vì đàn em thân yêu của mình. 

Đến bây giờ, cô Nguyễn Thị Ngọc Diệp đã thật sự vui lòng khi thỏa ước nguyện của ông nội - một nhà giáo lão thành ở tỉnh Quảng Ngãi  luôn muốn cháu con mình “đứng vào hàng ngũ” với tư thế hãnh diện nhất. Danh hiệu giải Võ Trường Toản năm 2015 là món quà quý giá mà cô nâng niu trân trọng muốn dành cho các thế hệ trong gia đình đã soi đường đi trước. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ