Món lợi hàng trăm tỷ và quái chiêu của Trịnh Văn Quyết thao túng thị trường chứng khoán

GD&TĐ - Cơ quan CSĐT Bộ Công an đang tích cực điều tra những cá nhân giúp sức tích cực, tạo điều kiện để ông Trịnh Văn Quyết thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán.

Kịch bản 3 bước đẩy giá cổ phiếu và món lợi trăm tỷ

Ngày 29/3, thông tin từ Bộ Công an cho biết Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C01) tiến hành điều tra, xác minh đối với Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn FLC, các cá nhân thuộc Công ty CP Tập đoàn FLC, Công ty CP Chứng khoán BOS và các công ty có liên quan về hành vi Thao túng thị trường chứng khoán, Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán xảy ra ngày 10/1, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Theo Bộ Công an, hành vi trên của Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn FLC đã đủ yếu tố cấu thành tội Thao túng thị trường chứng khoán, quy định tại Điều 211 Bộ luật Hình sự.

Bước đầu, ngày 29/3, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ban hành Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 06/QĐ-VPCQCSĐT, các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt tạm giam đối với Trịnh Văn Quyết. Đồng thời, tổ chức khám xét chỗ ở, nơi làm việc tại 21 địa điểm đối với các đối tượng liên quan.

Các Quyết định, Lệnh tố tụng của Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã được Viện KSND Tối cao (Vụ 3) phê chuẩn theo quy định pháp luật. 

Thông tin từ cơ quan chức năng, hành vi Thao túng thị trường chứng khoán của Trịnh Văn Quyết được xác định diễn ra từ đầu tháng 12/2021 đến ngày 10/1/2022 với 3 bước gồm: “Thổi giá – Lùa gà – úp sọt”.

Cụ thể, ông Quyết chỉ đạo nhiều người thân trong gia đình và một số người khác điều hành nhân viên Công ty CP Chứng khoán BOS và các công ty con sử dụng khoảng 20 tài khoản chứng khoán của 11 tổ chức để thực hiện việc “thổi giá” cổ phiếu.

Bằng việc liên tục mua, bán chứng khoán FLC với tần suất lớn, những cá nhân này đã tạo ra cung cầu giả đẩy giá cổ phiếu FLC lên cao. Trong khoảng thời gian đã nêu, nhóm ông Quyết tham gia 28/28 phiên giao dịch, số lượng đặt mua chiếm 12% và số lượng đặt bán chiếm 7% tổng khối lượng thị trường.

Với hành vi này, giá cổ phiếu FLC từ hơn 14.000 đồng/cổ phiếu ngày 1/12/2021 liên tục tăng, thậm chí tăng trần nhiều phiên, mức cao nhất lên tới 24.000 đồng/cổ phiếu.

Khi giá cổ phiếu FLC “đạt đỉnh”, ông Quyết chỉ đạo người thân bán ra 175 triệu cổ phiếu. Trong đó, số lượng đã khớp lệnh là 74,8 triệu cổ phiếu, với giá trung bình là 22.500 đồng/cổ phiếu. Toàn bộ số cổ phiếu này được “bán chui”, không công bố trước khi thực hiện giao dịch. Nhờ “chiêu trò” trên, ông Quyết thu về gần 1.700 tỷ đồng sau khi bán cổ phiếu, hưởng lợi hơn 530 tỷ đồng.

Ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi Thao túng thị trường chứng khoán.
Ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi Thao túng thị trường chứng khoán.

Điều tra những ai giúp sức... 

Sự việc trên đã làm chao đảo thị trường chứng khoán trong nước. Trước phản ứng mạnh mẽ từ dư luận, tối ngày 11/1, Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) đã phát đi thông báo về việc hủy giao dịch bán cổ phiếu FLC của ông Trịnh Văn Quyết.

Trong khi đó, Bộ Tài Chính cũng đã ra Quyết định số 19/QD-UBCK về việc phong tỏa các tài khoản chứng khoán đứng tên ông Trịnh Văn Quyết từ 11/1/2022.

Đến ngày 18/1, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Trịnh Văn Quyết. Theo đó, ông Trịnh Văn Quyết bị xử phạt 1,5 tỷ đồng, đây cũng là mức phạt là cao nhất theo Nghị định 128 về xử phạt trong lĩnh vực chứng khoán.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Tập đoàn FLC còn bị Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán 5 tháng, quy định tại điểm b, khoản 7, điều 33 nghị định số 156/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 27, điều 1 nghị định số 128/2021/NĐ-CP. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 18/1.

Về vụ việc này, có người đặt câu hỏi vì sao Ủy ban Chứng khoán nhà nước đã ra quyết định xử phạt ông Trịnh Văn Quyết 1,5 tỷ đồng và đình chỉ hoạt động chứng khoán 5 tháng nhưng vẫn bị khởi tố? 

Trao đổi trên báo chí về câu hỏi trên, Thiếu tướng Lê Văn Tân, Phó Chánh Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an cho biết, tháng 1/2022, Trịnh Văn Quyết bị xử phạt hành chính về hành vi không báo cáo, không công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch theo Nghị định 128/2020/NĐ-CP về xử phạt trong lĩnh vực chứng khoán. 

Sau khi vào cuộc xác minh, điều tra, cơ quan chức năng phát hiện trong vụ việc bán chui cổ phiếu ngày 10/1, Trịnh Văn Quyết đã có nhiều thủ đoạn, mánh khóe tinh vi để tạo cung, cầu giả, đẩy giá cổ phiếu nhằm thu lời bất chính số tiền từ 500 triệu đồng trở lên. 

Do đó, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố Trịnh Văn Quyết về hành vi Thao túng thị trường chứng khoán.

“Trong trường hợp cơ quan chức năng đã xử phạt hành chính mà sau đó xác định hành vi vi phạm đủ cấu thành tội phạm, phải xử lý hình sự thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Theo đó, sau khi bị khởi tố, điều tra thì toàn bộ quyết định xử phạt hành chính trước đây đều không có hiệu lực” – Thiếu tướng Lê Văn Tân cho biết.

Được biết, hành vi thao túng thị trường chứng khoán của Trịnh Văn Quyết tác động tiêu cực tới thị trường và gây thiệt hại lớn cho các nhà đầu tư.

Ngoài ông Trịnh Văn Quyết đã bị khởi tố, bắt tạm giam, hiện nay, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đang tích cực điều tra những cá nhân giúp sức tích cực, tạo điều kiện để bị can thực hiện hành vi vi phạm.

Trong quá trình xác minh điều tra, cơ quan công an sẽ xem xét, làm rõ mục đích, vai trò của từng người để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. 

Nếu những người đó thực hiện hành vi dưới danh nghĩa công ty (pháp nhân), nhằm trục lợi bất chính cho đơn vị thì tùy theo mức độ thiệt hại gây ra cho nhà đầu tư và số tiền thu lợi bất chính, pháp nhân này có thể bị phạt tiền từ 2-10 tỷ đồng, 

Trường hợp người thực hiện hành vi dưới danh nghĩa cá nhân, tiếp tay làm lũng đoạn thị trường nhằm tư lợi bất chính, gây thiệt hại cho nhà đầu tư, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm sẽ bị xử lý hình sự. 

Ngoài ra, những đối tượng này còn phải bồi thường dân sự cho những nhà đầu tư bị thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.