2 lần "đi đêm" của ông Trịnh Văn Quyết khiến thị trường chứng khoán chao đảo

GD&TĐ - Trước khi bị cơ quan chức năng bắt tạm giam để điều tra về hành vi vi phạm trong hoạt động chứng khoán, ông Trịnh Văn Quyết đã từng có 2 lần khiến thị trường chứng khoán chao đảo.

Ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC.
Ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC.

Bán "chui" 57 triệu cổ phiếu FLC

Ngày 10/11/2017, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành Quyết định số 1039/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Trịnh Văn Quyết. Lý do Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC bị phạt là do bán chui 57 triệu cổ phiếu FLC.

Cụ thể, ông Trịnh Văn Quyết bán 57 triệu cổ phiếu FLC từ ngày 20/10/2017 đến ngày 24/10/2017, nhưng không báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) về việc dự kiến giao dịch. Với hành vi trên, ông Trịnh Văn Quyết bị xử phạt hành chính số tiền 65 triệu đồng.

Thông tin trên báo chí, vào thời điểm đó, trong 3 phiên giao dịch ngày 20/10/2017; 23/10/2017 và 24/10/2017, khối lượng cổ phiếu FLC trên thị trường tăng gấp 2 - 3 lần khối lượng giao dịch trước đó.

Cụ thể ngày 20/10/2017, tổng khối lượng giao dịch hơn 29,6 triệu cổ phiếu (ngày 19/10/2017 hơn 8,7 triệu cổ phiếu), ngày 23/10/2017 lên hơn 48 triệu cổ phiếu và ngày 24/10/2017 lên 25,5 triệu cổ phiếu.

Sau sự việc trên, thông tin trên báo chí cho biết, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đã chính thức gửi văn bản kiến nghị lên Bộ trưởng Bộ Tài chính – ông Đinh Tiến Dũng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Trịnh Văn Quyết.

Theo đó, văn bản của Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam chỉ ra việc bán chui 57 triệu cổ phiếu của ông Trịnh Văn Quyết có nhiều dấu hiệu bất thường.

Cụ thể, ngày 23/10/2017, Chủ tịch Tập đoàn FLC – ông Trịnh Văn Quyết có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh và Công ty cổ phần Tập đoàn FLC công bố việc mua 37 triệu cổ phiếu FLC để nâng tỷ lệ sở hữu FLC từ 24,32% lên 30,12% trên tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết của Tập đoàn FLC.

Nội dung mua này cũng được in thành văn kiện đưa ra biểu quyết tại Đại hội đồng cổ đông bất thường của FLC diễn ra vào ngày 23/10/2017 nhằm mục đích mua 37 triệu cổ phiếu để không phải thực hiện các thủ tục chào mua công khai.

Thông báo mua của ông Trịnh Văn Quyết nêu rõ thời gian thực hiện giao dịch từ ngày 20/11/2017 đến ngày 19/12/2017.

Tuy nhiên, xác nhận từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, ông Trịnh Văn Quyết đã bất ngờ bán chui một lượng lớn cổ phiếu là 57 triệu cổ phiếu, tương đương 9% vốn điều lệ của FLC, giao dịch này chỉ diễn ra trong 3 ngày từ 20/10/2017 đến 24/10/2017.

Đại diện Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam thời điểm đó trao đổi với báo chí rằng, khi ông Trịnh Văn Quyết công bố mua 37 triệu cổ phiếu FLC, đây là lượng mua cổ phiếu rất lớn tương dương 6% vốn điều lệ FLC thì nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ tin rằng FLC có nhiều tin tốt, sẽ có lực cầu lớn để đẩy giá cổ phiếu lên.

Vì vậy, nhiều nhà đầu tư lao vào, trong 3 ngày 20/10, 23/10, 24/10 năm 2017 đã có một lượng vốn lớn đổ vào mua cổ phiếu FLC, giá trị giao dịch trong các ngày này tăng lên khoảng 3-4 lần so với các ngày bình thường.

Tuy nhiên, khi ông Trịnh Văn Quyết họp Đại hội cổ đông vào ngày 23/10 để trình Đại hội cổ đông thông qua chủ trương cho ông mua số cổ phiếu FLC từ 24,32% lên 30,12%  không phải làm thủ tục chào mua công khai.

Trong khi đó, ông Trịnh Văn Quyết cho người đẩy ra thị trường một lượng lớn cổ phiếu với chiêu thức rất điêu luyện và các nhà đầu tư đã ôm hết 57 triệu cổ phiếu  (thu về khoảng 400 tỷ đồng).

Con số cổ phiếu bán chui của ông Quyết vượt 20 triệu cổ phiếu so với công bố mua 37 triệu cổ phiếu.

Ông Trịnh Văn Quyết.
Ông Trịnh Văn Quyết.

Tiếp tục "bán chui" 74,8 triệu cổ phiếu

Theo thông báo từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chiều ngày 10/1/2022 (lúc 17h45’), đơn vị này nhận được Báo cáo số 31/SGDHCM-GS đề ngày 10/1/2022 của Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) về việc ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn FLC giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (Mã chứng khoán: FLC, niêm yết tại HOSE) nhưng không báo cáo, không công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch theo khoản 1 Điều 33 Thông tư số 96/2020/TT-BTC ngày 16/11/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.

Trước đó, trên website của FLC đã xuất hiện thông báo đăng ký giao dịch của cổ đông nội bộ, đề ngày 5/1/2022. Theo đó, ông Trịnh Văn Quyết đăng ký bán 175 triệu cổ phiếu, thời gian giao dịch dự kiến từ 10/1 đến 17/1. Mục đích được nêu là cơ cấu lại danh mục tài sản. Phương thức giao dịch thoả thuận hoặc khớp lệnh.

Trong phiên giao dịch ngày 10/1/2022, FLC đã lập kỷ lục về thanh khoản khi khớp lệnh xấp xỉ 135 triệu cổ phiếu, tương đương 20% vốn của FLC, cũng là kỷ lục từ khi niêm yết tới nay của cổ phiếu này. Như vậy, chỉ riêng lượng cổ phiếu bán ra từ cá nhân này đã chiếm tới 55,4% tổng khối lượng giao dịch. Ước tính theo giá giao dịch bình quân phiên, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn FLC thu về 1.376 tỷ đồng.

Sự việc trên đã làm chao đảo thị trường chứng khoán trong nước. Trước phản ứng mạnh mẽ từ dư luận, tối ngày 11/1, Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) đã phát đi thông báo về việc hủy giao dịch bán cổ phiếu FLC của ông Trịnh Văn Quyết.

Trong khi đó, Bộ Tài Chính cũng đã ra Quyết định số 19/QD-UBCK về việc phong tỏa các tài khoản chứng khoán đứng tên ông Trịnh Văn Quyết từ 11/1/2022.

Đến ngày 18/1, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Trịnh Văn Quyết. Theo đó, ông Trịnh Văn Quyết bị xử phạt 1,5 tỷ đồng, đây cũng là mức phạt là cao nhất theo Nghị định 128 về xử phạt trong lĩnh vực chứng khoán.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Tập đoàn FLC còn bị Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán 5 tháng, quy định tại điểm b, khoản 7, điều 33 nghị định số 156/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 27, điều 1 nghị định số 128/2021/NĐ-CP. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 18/1.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống THAAD của Mỹ.

Kích hoạt vụ phóng Oreshnik mới

GD&TĐ - Theo Reuters, lực lượng tên lửa Nga có thể phóng tiếp tên lửa Oreshnik vào Ukraine, sau khi bị Kiev tập kích lãnh thổ bằng ATACMS.

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.