Mỗi khi hiếm thức ăn, nhất là những ngày mưa dầm, mẹ mở hũ lấy dưa môn ra chế biến thành nhiều món tuy giản dị mà thấm đậm tình quê.
Tôi còn nhớ, những năm ba đi làm xa nhà, mẹ trồng cả vườn khoai môn vừa lấy củ vừa tỉa lấy cọng môn làm dưa bỏ chợ cải thiện cuộc sống trong gia đình.
Mỗi khi bước vào mùa mưa cũng là mùa làm dưa môn, tranh thủ lúc học bài xong, mấy chị em tôi phụ giúp mẹ các công đoạn muối dưa. Chị dành cắt lá, tôi tranh tước vỏ; riêng khâu muối dưa bao giờ cũng phần mẹ vì đây là khâu quan trọng.
Nước muối nấu để nguội, đổ vừa sấp mặt dưa, lấy vỉ tre chần cho môn ngập nước. Mẹ còn sử dụng nước vo gạo đổ vào hũ dưa môn để tăng độ lên men và vị chua. Ủ chừng một tuần là dưa ngả sang màu vàng, mở nắp hũ đã dậy mùi chua là được.
Từ ngày xa quê, tôi không thường xuyên ăn các món dưa môn mẹ làm, dường như khẩu vị cũng thay đổi theo cái “gu” của dân thành phố.
Nhưng tôi biết, trong thâm tâm mình vẫn thương nhớ những bữa cơm dưa môn cùng gia đình. Món dưa môn vừa dẻo vừa dai lại giòn giòn, chỉ cần vắt ráo chấm mắm tôm có thể coi là một món độc đáo.
Ngoài ra dưa môn có thể làm phụ liệu nấu các loại canh chua. Đấy là chưa kể những ngày mưa bão lớn, mẹ mở hũ lấy dưa môn ngâm nước lã cho sạch men chua, vắt ráo, bắt chảo cho ít dầu xào qua, nêm thêm gia vị tiêu, nước mắm.
Chỉ thoáng sau, mâm cơm nóng hổi chỉ độc món dưa môn xào được bưng lên. Bao giờ cũng thế, ba và mấy chị em tôi ăn đến ngon lành.
Nhưng với tôi, ngon nhất vẫn là dưa môn kho với cá rô đồng. Cá rô đồng được mẹ chọn những con to, béo rửa sạch rồi cho vào bếp rơm nướng.
Chẳng mấy chốc mùi thơm nhẹ đã lan ra khắp bếp. Đến lúc lớp vảy cá bắt đầu sém đen mẹ gỡ nhẹ đem ướp nước mắm, ớt tỏi, dầu, một ít nước dừa và cho dưa môn vào kho lửa riu riu.
Khi nước cá đã sền sệt, nhanh tay rắc một ít tiêu bột rồi nhấc xuống. Đĩa cá nghi ngút khói, thoang thoảng mùi thơm của tiêu, mùi hăng hắc quen thuộc của dưa môn là một phần quê hương để khi xa quê tôi vẫn còn nhớ mãi.