Năm nay có dì Ba lấy chồng trong Ninh Thuận về chơi. Lâu lâu về thăm quê, dì mang tặng mẹ món quà đặc biệt: Một bộ lò - khuôn đổ bánh căn bằng gốm Bàu Trúc!
Bánh căn là bánh… gì ta? Cả nhà tôi từ mẹ chí con cứ ngớ ra. Nhìn bộ khuôn đẹp thiệt nhưng bánh căn đổ kiểu nào thì đâu ai biết mà lần? Dì Ba hiểu ý, cười ngất: Dễ òm hà, chị ơi, để em bày...
Chắc dễ thiệt, bởi mẹ nghe dì diễn tả cứ gật đầu lia lịa: Biết rồi, hiểu rồi và vân vân. Xong mẹ tự tin tuyên bố: Bữa nào trời mưa dầm nhà mình sẽ đổ bánh căn! Lũ nhỏ ồ lên, khoái chí vỗ tay lốp bốp, sau đó là dài cổ đứng ngồi trông cho trời… mau mưa.
Con nít vốn đệ nhứt háu ăn, thứ nhì là hay ưa sự lạ. Bánh xèo ngon nhưng năm nào cũng có làm, thường quá. Muốn mau mau được dịp thưởng thức cái bánh căn coi nó ngon dở ra sao. Mà dì Ba đã quảng cáo như kia thì chắc tới chín phần mười là… ngon, khỏi bàn!
Ngày ấy rồi cũng tới.
Đất trời vào giữa Đông. Mưa sùi sụt đã mấy bữa không đi làm được. Mẹ kêu chị Tư đem ngâm gạo từ đêm trước. Sáng vớt gạo đi xay, mẹ đổ kèm vô gạo ngâm thêm chén… cơm nguội. Gì kì? Cứ xay luôn đi, đừng thắc mắc! Mẹ cười bí ẩn.
Gạo xay thành bột mang về, mẹ múc bột ra tô, đập thêm cái trứng gà sống trộn, đánh đều lên cho bột có màu vàng. Cứ mỗi tô bột thêm một cái trứng. Chà, vụ này xem ra hấp dẫn hơn món bánh xèo rồi đây!
Lò, khuôn được mang ra. Cũng nhóm lò than cho hồng, xong đặt lên trên khuôn bánh, múc bột trong tô đổ lần lượt vào từng “lỗ chén” nhỏ (giống hệt chén đổ bánh bèo) trên khuôn. Chị Tư kêu: Chết, mẹ quên chưa thoa dầu khuôn… Mẹ không quên đâu, dì Ba nói đổ bánh căn không cần dầu.
Trời, lại thêm một chuyện lạ! Vậy bánh chín dính khuôn mẹ làm sao “vớt” (lấy khỏi khuôn)? Có cái này nè. Mẹ cười, giơ ra một vật giống cái xẻng tí hon. Chắc cũng là đồ nghề được tặng theo khuôn, lò của dì Ba. À, giờ thì tôi đã lơ mơ hiểu ra, bánh chín sẽ dùng “xẻng” ấy mà cạy, xúc!
Biết bánh chín bởi thấy mùi thơm của bánh cháy. Mẹ lẹ làng dở nắp khuôn, dùng xẻng xắn nhẹ quanh rìa cho cái bánh tróc, sau đó xúc gọn từng chiếc bánh căn vàng ươm hơi sém đít còn nghi ngút khói đặt ra mâm. Nước chấm là chén mắm pha loãng, thêm gia vị tỏi ớt và hành lá xắt nhỏ.
Nào, thử coi. Mẹ lấy chén đũa, gắp cái bánh căn còn nóng hổi chấm ngập vô chén nước mắm pha đưa vô miệng nhai, gật gù. Thấy tôi ngồi dòm lom lom, nuốt nước miếng ực ực mẹ bật cười gắp, chấm thêm cái nữa chìa cho tôi.
Chỉ chờ có vậy, tôi chồm người lủm gọn chiếc bánh căn vô miệng, nhồm nhoàm nhai. Đúng là không tệ. Không béo ngậy dầu mỡ như bánh xèo nhưng cũng không đến mức nhạt nhẽo như bánh bèo.
Vị béo bùi của bột gạo trộn trứng hòa quyện trong chiếc bánh phồng, xốp nhờ bột xay có gia thêm cơm nguội ngấm cùng vị mặn mà cay thơm của chén mắm pha tạo nên cho chiếc bánh căn hương vị rất riêng. Còn nữa, ấy là mùi thơm của vỏ bánh cháy sém do không dùng dầu mỡ thoa khuôn cũng tạo nên hương vị độc đáo “không đụng hàng” của bánh căn.
Đây mới là “ăn thử”, mẹ bảo, nghe dì Ba bày “ăn thiệt” còn phải kèm với xoài sống, khế chua hoặc dưa leo băm sợi… Chà, vậy chắc còn ngon nữa, tôi nghĩ bụng. Phải rồi, đương nhiên là ngon hơn. Mẹ nói tiếp ngay như đọc được ý nghĩ của tôi…
*
Tôi lớn lên, được đi nhiều nơi, có dịp thưởng thức nhiều món ăn nơi những hàng quán cao cấp trong đó có món bánh căn. Bánh căn nơi ấy không chỉ giản đơn là bột gạo trộn trứng mà còn cầu kì thêm tôm, thịt hoặc trứng cút bên trên. Khi ăn gắp hai cái bánh úp thành một cặp, nhốt các món “nhân” vào giữa.
Nước chấm, rau củ cũng đa dạng và phong phú. Vậy nhưng, không có bữa bánh căn nhà hàng nào tôi ăn thấy ngon bằng món bánh căn giản đơn ngày xưa của mẹ.
Bạn tôi bảo: Tại ngày xưa mình khổ nên ăn gì chẳng ngon? Cũng đúng, nhưng còn một cái ngon khác mà bạn quên không tính đến, ấy là vị ngon của yêu thương khi được thưởng thức món bánh căn cận kề bên mẹ, bên lò lửa ấm ran trong khi bên ngoài gió bấc lùa hun hút từng cơn mang cái lạnh tê người…