Moldova gửi 'tối hậu thư' tới binh sĩ Nga đóng tại Transnistria

GD&TĐ - Moldova yêu cầu lực lượng gìn giữ hòa bình Nga nhanh chóng rút khỏi Transnistria, đây được xem là một tối hậu thư.

Moldova gửi 'tối hậu thư' tới binh sĩ Nga đóng tại Transnistria

Chính phủ Moldova tái khẳng định cam kết đưa Transnistria trở lại nằm dưới quyền kiểm soát của Chisinau. Thủ tướng Dorin Recan đã công bố điều này vào ngày 6 tháng 1 trong cuộc họp báo.

Trong bài phát biểu của mình, ông Recan nhấn mạnh rằng việc tái hòa nhập khu vực vẫn là mục tiêu chủ đạo trong chính sách của Moldova, bất chấp tình hình khó khăn, được cho là đã trở nên trầm trọng hơn do những hành động của các bên trong khu vực.

Ông Recan lưu ý rằng bước đầu tiên hướng tới tái hòa nhập phải là việc rút quân Nga - lực lượng bị Moldova xem là đang đóng bất hợp pháp trên lãnh thổ Transnistria. Theo Thủ tướng Recan, bước đi này sẽ trở thành cơ sở cho một giải pháp hòa bình tiếp theo cho cuộc xung đột.

“Việc tái hòa nhập đất nước phải bắt đầu bằng việc Nga rút quân, điều này sẽ cho phép chúng tôi quản lý khu vực một cách đúng đắn, Chisinau luôn nỗ lực tìm kiếm một giải pháp hòa bình” ông Recan nhấn mạnh.

01-1293.jpg
Thủ tướng Moldova - ông Dorin Recan yêu cầu Nga nhanh chóng rút quân về nước.

Thủ tướng Recan cũng đề xuất thay thế quân nhân Nga trong khu vực bằng lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế độc lập, bởi vì điều này sẽ ổn định tình hình và tạo điều kiện cho đối thoại.

Sau khi triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế, như Thủ tướng Recan giải thích, chính quyền Moldova sẽ có thể bắt đầu cung cấp các dịch vụ hành chính, xã hội và kinh tế cho cư dân Transnistria.

Ông Recan cho biết, hiện tại, chính phủ đang tập trung vào chiến lược "tái hòa nhập từ xa". Quá trình này bao gồm việc kết nối cư dân Transnistria vào hệ thống kinh tế và xã hội Moldova.

Đặc biệt, các bước đi đang được thực hiện để đơn giản hóa việc tiếp cận của các doanh nghiệp Pridnestrovian vào thị trường EU và đưa họ vào môi trường kinh doanh của đất nước.

“Chúng tôi đang làm mọi thứ có thể để tạo điều kiện cho cư dân Transnistria tương tự như những điều kiện dành cho các công dân khác của Moldova".

"Điều này bao gồm khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội, cơ hội tiếp thị và xuất khẩu sang Liên minh Châu Âu. Tuy nhiên việc thiếu sự kiểm soát đang hạn chế cơ hội của chúng tôi”, Thủ tướng Recan giải thích.

Lực lượng quân sự Nga ở Transnistria đã chính thức đóng vai trò "gìn giữ hòa bình" kể từ khi ký thỏa thuận ngừng bắn năm 1992.

Theo giới chuyên gia, yêu cầu rút quân là động thái đầy tham vọng nhưng khó có thể xảy ra trong thời gian tới. Transnistria, tuyên bố độc lập vào năm 1990, vẫn duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Nga - quốc gia cung cấp hỗ trợ kinh tế và chính trị cho họ.

Bên cạnh đó, căng thẳng đang diễn ra giữa phương Tây và Nga làm phức tạp thêm mọi nỗ lực nhằm giải quyết xung đột, bởi chiến sự có thể bùng nổ bất cứ lúc nào.

Bên trong "vùng đất bị quên lãng" Transnistria.
Theo Avia-pro

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ