Mọi vắc xin đều có phản ứng thông thường

GD&TĐ - GS. TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, mọi loại vắc xin cả cũ và phát triển thời gian gần đây đều có phản ứng thông thường và không mong muốn; phải hết sức bình tĩnh với phản ứng sau tiêm vắc xin.

GS. TS Nguyễn Thanh Long- Bộ trưởng Bộ Y tế. Ảnh: Trần Minh
GS. TS Nguyễn Thanh Long- Bộ trưởng Bộ Y tế. Ảnh: Trần Minh

Tại hội nghị tập huấn về công tác tiêm chủng vắc xin COVID-19 tại Việt Nam diễn ra sáng ngày 26/3, GS.TS Nguyễn Thanh Long- Uỷ viên TW Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết mọi loại vắc xin cả cũ và phát triển thời gian gần đây đều có phản ứng thông thường và không mong muốn. Phản ứng thông thường hết nhanh và tỷ lệ này khá cao.

Một số nước châu Âu tạm dừng tiêm vắc xin COVID-19 của AstraZececa để đánh giá khả năng có thể có tình trạng đông máu. Sau khi đánh giá cơ quan Dược phẩm châu Âu không có tuyên bố liên quan nào và một số nước đã quay trở lại tiêm vắc xin.

Không vì lý do đó chậm lại tiêm vắc xin. Vắc xin đã dùng có phản ứng không mong muốn nằm trong khuyến cáo của nhà sản xuất và được tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, chúng ta phải hết sức bình tĩnh với vấn đề này. Trên quan điểm xử lý cao hơn một mức, nên có một số trường hợp tiêm chủng vắc xin ở nước ta mặc dù chưa phải xử lý phản vệ độ 2 nhưng đã xử lý ngay.

Hội đồng chuyên môn qua đó đánh giá thực chất mức độ phản ứng như thế nào. Hội đồng chuyên môn đang làm và Bộ Y tế yêu cầu các địa phương phải bảo đảm an toàn tối đa cho người tiêm. 

Bộ Y tế hoan nghênh các địa phương xử trí kịp thời phản ứng sau tiêm.

Những địa phương còn dè dặt cần phải triển khai ngay, theo dõi chặt các trường hợp.

Hiện không có bất kỳ trường hợp đông máu nào có phản ứng nặng. Bệnh viện Bạch Mai có rà soát kỹ lưỡng, chưa có trường hợp nào bị đông máu.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết, qua quá trình triển khai tiêm chủng vắc xin COVID-19, sẽ có đánh giá lại để có kết luận cuối cùng.

Tuy nhiên người đứng đầu ngành y tế nhấn mạnh, quan trọng nhất phải xử lý ngay, xử lý cao hơn một mức so với quy định, bảo đảm tính an toàn.

Các cơ sở phải có phản xạ, khi tiêm vắc xin nếu xuất hiện các triệu chứng thì xử lý càng sớm, càng hiệu quả.

Trên cơ sở đó, chương trình tiêm chủng sẽ tập huấn lại cho các cơ sở y tế, các Sở Y tế phải tập huấn cho các cơ sở trên địa bàn để khi có vắc xin triển khai rộng rãi vì vắc xin có thời gian sử dụng ngắn, điều kiện bảo quản khó khăn, ở độ âm sâu.

Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, cần phải xử lý nhanh những phản ứng không mong muốn sau tiêm chủng.

Không vì những tai biến có thể xảy ra mà lung lay niềm tin với vắc xin

Tại hội nghị tập huấn trực tuyến công tác tiêm chủng vắc xin COVID-19 toàn quốc hôm 6/3, phân tích những điểm khác với quốc tế trong tiêm vắc xin phòng COVID-19 ở Việt Nam, theo Bộ trưởng Bộ Y tế, khác với các nước và khác với các quy trình tiêm chủng trước đây, Việt Nam sẽ thực hiện khám sàng lọc trước khi tiêm vắc xin ngừa COVID-19 để đảm bảo an toàn tiêm chủng, dù mất nhiều thời gian hơn.

Thứ 2, để quản lý thông suốt và đồng bộ chiến dịch tiêm chủng, Bộ Y tế sẽ quản lý dữ liệu từng người tiêm trên hệ thống hồ sơ sức khoẻ cá nhân. Việt Nam hiện đã hoàn tất hơn 97 triệu hồ sơ.

Bộ Y tế yêu cầu từng cơ sở y tế, cơ sở tiêm chủng phải tải phần mềm do Bộ Y tế thiết kế để phục vụ tiêm chủng tốt nhất. Với mỗi người dân phải tải ứng dụng hồ sơ sức khoẻ. Việc này vừa giúp ngành y tế tăng cường chủ động giám sát từ cơ sở y tế vừa nhanh chóng nhận được phản ánh người dân về những bất lợi sau tiêm.

“Hệ thống tiêm chủng của Việt Nam sau này sẽ liên thông với quốc tế, sau này là hộ chiếu vắc xin, quản lý toàn bộ bằng QR code”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

.Chắc chắn sẽ có những tai biến không mong muốn xảy ra nhưng không vì lý do đó làm lung lay chiến dịch tiêm vắc xin.

Do lần đầu tiên Việt Nam triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn chưa từng có với một loại vắc xin mới, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, công tác truyền thông lần này rất quan trọng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ