Mối nguy từ những loài xâm lấn

GD&TĐ - Các loài xâm lấn có thể gây hại cho hệ sinh thái cũng như đe dọa con người sử dụng những tài nguyên này.

Trăn Miến Điện là vấn đề nhức nhối ở Nam Florida, Mỹ.
Trăn Miến Điện là vấn đề nhức nhối ở Nam Florida, Mỹ.

Tuy nhiên, các loài xâm lấn đang lan rộng do hoạt động giao thương, du lịch.

Đe dọa chuỗi thức ăn

Những con trăn dài 6 m, nặng tới 90 kg đang bò trườn khắp các khu rừng và đồng cỏ dại ở vùng Everglades, bang Florida, Mỹ. Sẵn sàng nuốt chửng mọi thứ trên đường đi, trăn Miến Điện hiện là động vật ngự trị ở đầu chuỗi thức ăn tại Florida bất chấp chúng là loài xâm lấn.

Loài vật này đã thay đổi hệ thống sinh thái của Flordia, nơi chúng xâm chiếm trong gần 30 năm qua sau khi những chủ nuôi vô trách nhiệm vứt trăn vào đầm lầy do chúng trở nên quá to. Các nhà khoa học phát hiện tất cả các loài động vật có vú, chim, bò sát trong bụng chúng, thậm chí cả loài cá sấu gần như đã tuyệt chủng ở bang này.

Ông Ron Bergeron, thành viên của Uỷ ban Quản lý nước Nam Florida cho biết, khi trăn Miến Điện xấm lấn bang Florida, chính quyền địa phương đã tiêu tốn hàng tỷ USD để phục hồi vùng Everglades.

Cách đây một thập kỷ, bang Florida đã nảy ra một sáng kiến độc đáo để giải quyết vấn đề. Họ tổ chức cuộc thi săn trăn kéo dài một tuần, thu hút những thợ săn từ khắp nơi trên thế giới với hy vọng nhận về những giải thưởng tiền mặt hậu hĩnh. Nhưng trong cuộc thi đó, họ chỉ bắt được 68 con trăn.

Năm 2023, bang Florida tái tổ chức cuộc thi với khoảng 1.000 người đăng ký và giết chết 209 con trăn. Đội thắng bắt được 20 con trăn trong một tuần và giành giải thưởng cao nhất trị giá 10 nghìn USD.

Những tưởng việc tìm ra một con trăn dài và nặng hơn người trưởng thành sẽ là nhiệm vụ dễ dàng trong môi trường nhiều loài gặp nhấm nhưng thực tế cực kỳ khó khăn. Giới nghiên cứu chưa thể xác định chính xác số lượng trăn trong tự nhiên.

Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) chỉ ước tính hàng chục nghìn con trăn có thể lang thang ở Nam Florida và đang lan rộng. Chúng được phát hiện ở xa tới Naples về phía Tây, hồ Okeechobee về phía Bắc và quần đảo Florida Keys về phía Nam.

Bà McKayla Spencer, điều phối viên ở Uỷ ban Cá và Động vật hoang dã Florida, cho biết: “Trăn Miến Điện là động vật săn mồi hàng đầu. Về cơ bản, khi chúng trưởng thành, không loài vật nào có thể là đối thủ của chúng, trừ con người”.

Ngoài ra, hàng năm Florida trả lương cho hơn 100 thợ săn để bắt và giết trăn, tính từ năm 2017. Tuy nhiên, do chưa có số lượng chính xác về quần thể để so sánh nên chưa thể đánh giá hiệu quả của chương trình với loài trăn phát triển nhanh này hay không. Cần lưu ý mỗi con trăn cái có thể đẻ khoảng 100 quả trứng một năm.

Đầu năm nay, một nghiên cứu của Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) kết luận rằng trăn Miến Điện sẽ tồn tại lâu dài và việc xoá sổ loài trăn này ở Nam Florida gần như bất khả thi. Trong tương lai có thể một số công nghệ mới sẽ giúp tìm kiếm và tiêu diệt trăn nhưng hiện nay, cơ quan địa phương phải cố gắng loại bỏ nhiều trăn hết mức có thể.

Cỏ xâm lấn là một trong nguyên nhân gây ra cháy rừng ở Hawaii, Mỹ.

Cỏ xâm lấn là một trong nguyên nhân gây ra cháy rừng ở Hawaii, Mỹ.

Nguy cơ từ giao thương du lịch

Cỏ xâm lấn cũng là vấn đề nhức nhối ở Hawaii (Mỹ), và là nguyên nhân khiến thảm hoạ cháy rừng trong khu vực này trở nên nghiêm trọng hơn. Các loại cỏ xâm lấn như cỏ guinea, cỏ mật, cỏ buffel có nguồn gốc từ châu Phi đã mọc tràn lan ở Hawaii. Là những loài sống khoẻ, chúng phát triển tràn lan ở các trang trại bỏ hoang, đất trống, thậm chí là lề đường lẫn các khu nhà ở đô thị.

Đặc điểm của loại cỏ này là xâm lấn lan rộng vào mùa mưa và khô héo khi hạn hán. Vào thời điểm mùa Hè, chúng rất dễ cháy. Sau khi lửa quét qua, nhiều loài đã thích nghi để phục hồi nhanh chóng, trở thành những loài đầu tiên sinh sôi trở lại trên vùng đất bị thiêu đốt, lấn át thực vật bản địa. Chu kỳ “cỏ - cháy” này khiến loại cỏ xâm lấn phát triển dồi dào hơn sau hỏa hoạn, làm cho các vùng đất sau đó càng dễ cháy hơn.

Đây chỉ là hai trong nhiều trường hợp các loài ngoại lai xâm lấn và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hệ sinh thái trên thế giới.

Các loài xâm lấn được định nghĩa là bất kỳ sinh vật sống nào không có nguồn gốc trong khu vực nhưng gây tổn hại về kinh tế, môi trường hoặc gây tổn hại đến sức khoẻ của con người trong khu vực đó. Điểm chung của các loài xâm lấn là khả năng tồn tại trong nhiều điều kiện môi trường khác nhau.

Hầu hết các hoạt động xâm lấn gây ra bởi hoạt động của con người. Các hoạt động thương mại, du lịch gia tăng đồng nghĩa con người và hàng hóa di chuyển khắp thế giới, mang theo các loài xâm lấn dù vô tình hay cố ý.

Dù ngày nay, con người đã nhận thức được mối nguy hại của các loài xâm lấn nhưng chúng ta vẫn tiếp tục phát tán chúng trên toàn cầu thông qua hoạt động buôn bán và du lịch.

Theo thống kê của IPBES, nền tảng khoa học – chính sách Liên chính phủ về Đa dạng sinh học và Dịch vụ Hệ sinh thái, châu Âu và Bắc Mỹ có mật độ các loài xâm lấn cao nhất thế giới. Nguyên nhân vì những khu vực này có khối lượng giao dịch thương mại rất lớn.

Các loài xâm lấn có thể gây hại cho hệ sinh thái cũng như đe dọa con người sử dụng các tài nguyên này. Các loài xâm lấn có khả năng gây tuyệt chủng cho thực vật, động vật bản địa; làm giảm tính đa dạng sinh học; cạnh tranh với các sinh vật bản địa do nguồn tài nguyên hạn chế và làm thay đổi môi trường sống.

Điều này cũng dẫn đến những tác động kinh tế to lớn. Đơn cử, lục bình, loài cây có nguồn gốc từ Nam Mỹ đã trở thành loài xâm lấn ở nhiều nơi trên thế giới. Chúng sinh sản và lan rộng dưới nước.

Ở hồ Victoria, Uganda, một trong những hồ nước ngọt lớn nhất châu Phi, lục bình mọc dày đến mức tàu thuyền không thể đi qua, làm cản trở khả năng đánh bắt thuỷ hải sản và giao thông đường thuỷ. Kể từ đó, ngành đánh bắt cá ở hồ Victoria đã suy giảm.

Nhắc đến các loài xâm lấn, phòng bệnh là cách chữa trị tốt nhất. Hầu hết các quốc gia đều có quy định nghiêm ngặt về những thứ được phép hay không được phép mang qua biên giới. Bên cạnh đó, cần giáo dục cho con người về ý thức phòng chống các loài xâm lấn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...