Mối nguy tiềm ẩn từ những thành phố “ma”

GD&TĐ - Những thành phố bị bỏ hoang trên thế giới đôi khi lại là điểm đến thu hút những người ưa khám phá, tuy nhiên, nhiều nơi trong số đó lại có thể là mối đe dọa đối với các du khách tò mò. 

Khung cảnh hoang vắng hiện nay của thành phố Picher
Khung cảnh hoang vắng hiện nay của thành phố Picher

Thực tế tại đa số những thành phố bị bỏ hoang có môi trường bị hủy hoại nghiêm trọng. Phần lớn các chất độc hại và hậu quả của nó vẫn tồn tại trong nhiều năm, khiến chúng trở thành những “thành phố ma” theo đúng nghĩa…

Thành phố “ma” Picher

Tuy giờ là một thành phố hoang vắng, nhưng Picher từng là thủ phủ của Ottawa County, bang Oklahoma (Mỹ). Thành phố này nổi lên sau sự phát hiện các mỏ chì và kẽm năm 1914.

Dân số nơi đây nhanh chóng tăng lên khi nhu cầu về cả hai loại kim loại này tăng vào Đại chiến Thế giới I. Các mỏ kim loại ở Picher góp phần đáp ứng các nhu cầu này: Hơn nửa lượng chì và kẽm sử dụng trong chiến tranh được khai thác từ đây. Dần dần, thành phố trở thành một trong những nơi xuất khẩu chì và kẽm lớn nhất thế giới.

Điều đáng nói là, việc khai thác mỏ để lại đằng sau một thứ sản phẩm phụ độc hại màu trắng, giống như phấn. Sau khi khu mỏ nơi này được ngừng khai thác vào những năm 1970, có tới khoảng 178 triệu tấn sản phẩm phụ này, cùng cát xẻ và bùn cặn ứ lại quanh thành phố.

Người dân nơi đây không hề hay biết thứ sản phẩm phụ được gọi là “chát” này cực kỳ độc hại. Họ hồn nhiên sử dụng thứ này để rải đường và rải vào các hộp chứa cát cho trẻ em chơi trong các công viên, nhà riêng. Các gia đình đi dã ngoại nghỉ ngơi trên các đồi “chát”, trẻ em đạp xe trên đó, các kỳ cắm trại, tập huấn của HS cũng diễn ra tại nơi này.

Phải đến những năm 1990, một nhân viên tư vấn tại trường học mới đọc được thông tin về mối liên hệ giữa chì và chứng khó khăn trong học tập. Trẻ em ở nơi đây được kiểm tra và 46% học sinh có lượng chì ở mức không an toàn trong máu. Chính phủ Mỹ đã nỗ lực làm sạch thành phố, nhưng đành từ bỏ khi các hố sụt bắt đầu xuất hiện.

Hầu hết các tòa nhà trong thành phố đều có nguy cơ sụp đổ. Nhà chức trách buộc phải di dời dân cư khỏi Picher sang một khu định cư mới. Trừ một số ít ở lại, gần như mọi người đều chuyển đi hết, để lại một thành phố hoang vắng.

Đến nay, Picher vẫn còn nhiễm độc. Mặc dù, chất lượng không khí đã đạt mức tối thiểu theo các quy định của Mỹ, nhưng trong những ngày gió, một lượng chì lớn vẫn bị thổi qua thành phố này. Ngay cả động thực vật nơi này cũng không thoát khỏi mối đe dọa. Năm 2015, hơn 1.000 chú chim di cư đã chết do nhiễm độc khi bay qua Picher.

(Còn tiếp)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ