Đó là trăn trở của đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) khi trao đổi tại hội trường sáng nay (16/11) khi thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Mở đầu thảo luận, đại biểu Phạm Trọng Nhân đặt “câu hỏi”: Nếu như các chỉ số kinh tế Việt Nam được cải thiện nhích lên từng bậc là kết quả nỗ lực không ngừng nghỉ của cả hệ thống chính trị, thì chỉ số tiêu thụ rượu bia không rõ những nỗ lực đến từ đâu lại luôn đẩy xếp hạng của Việt Nam từ cao đến rất cao so với khu vực và trên thế giới.
Theo đại biểu này, từ năm 2014-2016, khi mức tiêu thụ rượu, bia toàn cầu tăng không đáng kể thì ở Việt Nam lại tăng cao gấp đôi.
Theo Ủy ban An toàn giao thông, tai nạn liên quan tới rượu bia mỗi ngày gây tổn thất khoảng 250 tỷ đồng, chưa kể những hậu quả nặng nề về cho xã hội mà không thể đo đếm được.
Dù bia, rượu là nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh tật nhưng, đại biểu Nhân cho biết, các quảng cáo bia rượu làm cho người nghe lầm tưởng sự hấp dẫn đến từ rượu, bia như: Hào khí ngàn năm, chất men thành công, chung một đam mê…
Những lời đó đã cố tình quên đi những vụ thảm án hay những vụ tai nạn giao thông, các vụ bạo hành… cũng từ rượu mà ra.
Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) |
Đại biểu này đặt câu hỏi: Nếu đòi hỏi một văn hóa uống từ người tiêu dùng thì đây có phải là văn hóa sản xuất của ngành rượu bia? Từ đó ,thể hiện đồng ý cao với sự ban hành Luật, đặc biệt là chế định chặt chẽ nhằm hạn chế tối đa việc quảng cáo bia, rượu.
Phải cấm quảng cao bia rượu trên các loại hình báo chí
Từ những lí do trên, đại biểu cho rằng, việc quảng cáo bia, rượu phải được cấm trên tất cả các loại hình báo chí từ báo nói, báo hình, báo giấy, báo điện tử, mạng xã hội, chứ không chỉ riêng các chương trình thể thao, văn hóa, sân khấu, điện ảnh dành cho thiếu nhi đang được quy định tại dự luật.
“Thật khó mà tự hào với vị trí dẫn đầu Đông Nam Á và thứ 3 Châu Á về tiêu thụ. Phải chăng một phần nguyên nhân “thành tích” từ tính sẵn có trong đời sống xã hội hay nỗ lực từ ngành bia rượu? Các địa điểm bán rượu, bia không phải tốn công đi tìm vì bán mọi lúc mọi nơi từ tiệm tạp hóa, quán ăn vỉa hè đến các nhà hàng sang trọng, thậm chí các đô thị có sẵn những con đường ăn nhậu phục vụ ban đêm” – đại biểu Phạm Trọng Nhân nói.
Để hạn chế những vấn đề trên, điều 20 dự luật quy định về các địa điểm, phương thức. Nhưng theo đại biểu, quy định vậy phải chăng là những địa điểm khác đương nhiên được bán.
Thực tế rượu bia không được bày bán nhiều ở các địa điểm như quy định, liệu chế định này có phát huy được phát huy được tác dụng không phải tính đến.
Một nghiên cứu đã chỉ ra, 50% trẻ em sẽ phát triển các rối loạn về tâm lý, tinh thần khi chứng kiến cha mẹ say xỉn, điều này cũng xảy ra khi cha mẹ chỉ uống rượu 1,2 chén vào buổi tối.
Còn kết quả điều tra xã hội học chỉ ra, hơn 70% người cho rằng nhận thức của người dân phòng, chống tác hại của rượu, bia chưa tốt.
Một khi người dân đã thẳng thắn thừa nhận hạn chế về nhận thức trong vấn đề trên và cần có thời gian thay đổi do thói quan, tập tục thì ai cũng hiểu tại sao nhà sản xuất kinh doanh và không ít cá nhân lại chưa chịu thay đổi tư duy cho phù hợp xu thế xã hội.
“Chúng ta có lẽ khó quên hình ảnh người đứng đầu Chính phủ thân chinh các đơn vị chỉ đạo và giao kế hoạch để GDP năm 2017 cán mốc 6,7%.
Điều đó cho thấy để nhích lên từng chút một trong tăng trưởng thì cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân cộng đồng doanh nghiệp phải nỗ lực thì ở chiều ngược lại mỗi năm bia rượu tổn thất ít nhất 1-3% GDP quý giá của chúng ta.
Như vậy, dù đã được cố gắng biện minh cho phát triển kinh tế, giải quyết việc làm thì cũng khó chấp nhận, chưa kể những hậu quả nặng nề cho xã hội mà không gì bù đắp được” – đại biểu Nhân nêu ý kiến.
Ngành rượu, bia như thể vô can?
Không ít ý kiến đổ tác hại của rượu, bia do chính người dùng lạm dụng, còn ngành rượu, bia như thể vô can.
Chia sẻ điều này, đại biểu Phạm Trọng Nhân thẳng thắn: Việc cung cấp cho thị trường thức uống gây nhiều bệnh tật, lắm tác hại lại được dùng nhiều lí lẽ và mỹ từ đẻ bảo vệ thì đó là trách nhiệm hay vô can? Có vô can không khi bia, rượu là vòng tròn luẩn quẩn của đói nghèo, bệnh tật, bạo lực, bạo hành…?
Phản biện tranh luận là cần thiết, nhưng phản biện đến mức cho rằng thông qua luật này là khai tử ngành rượu bia thì xin một lần đặt mình vào hoàn cảnh gia đình có người thân nghiện rượu, nợ nần chồng chất, bạo lực, bạo hành…
“Chúng ta chọn bảo vệ sức khỏe cho nhân dân hay chọn khoản thu 50000 tỷ đồng mỗi năm; nhưng đừng quên rằng tổn thất do nó gây ra lên tới 65000 tỷ đồng. Như thế có khác gì kéo lùi sự phát triển của đất nước. Vậy mà không ít người cổ súy là văn hóa uống” – đại biểu Phạm Trọng Nhân trăn trở.