Các vấn đề về thể chất và cảm xúc
Cô Nguyễn Hương Trà, Trường Tiểu học Đại Yên (Hà Nội), chia sẻ, có nhiều trẻ bất an khi xuất hiện những triệu chứng của dậy thì sớm, nhất là học sinh nữ. Ngay ở lứa tuổi tiểu học, trẻ đã cảm nhận được khác biệt cơ thể so với bạn bè khiến các em hoang mang.
Chính vì vậy, cha mẹ, giáo viên phải quan tâm, giúp đỡ trẻ hiểu được những gì mình cần phải làm và trải qua. Điều này sẽ khiến trẻ tự tin, tự lập và chăm sóc tốt cho bản thân, đồng thời không ảnh hưởng đến việc học tập.
Theo cô Trà, rất nhiều trẻ không được cung cấp kiến thức về dậy thì sớm và những thay đổi của cơ thể. Nhiều em tỏ ra sợ hãi dẫn đến cảm xúc bị ảnh hưởng.
“Rất nhiều trường hợp học sinh nữ tỏ ra tự ti về cơ thể. Nhiều em trời nắng nóng nhưng vẫn mặc áo khoác để che đi ngoại hình của mình. Một số em do dậy thì sớm nên chiều cao trội hơn so với các bạn khác nên thường đi gù lưng... Các em cần được người lớn hướng dẫn và giải thích để tự tin hơn và hiểu rằng sự thay đổi là “chuyện bình thường””, cô Trà nói.
Theo chuyên gia, dậy thì sớm là khi cơ thể trẻ bắt đầu thay đổi thành người trưởng thành quá sớm. Tuổi dậy thì bao gồm sự phát triển nhanh chóng của xương và cơ bắp, thay đổi hình dạng và kích thước cơ thể cũng như phát triển khả năng sinh sản.
Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Hằng, Bệnh viện Nhi Trung ương, chia sẻ, đối với trẻ em, dậy thì sớm có thể gây ra các vấn đề về thể chất và cảm xúc. Trẻ thường có chiều cao thấp trong khi những đứa trẻ bị dậy thì sớm thường cao so với tuổi của chúng, thì một số người lại trở nên thấp bé khi trưởng thành.
Thế nhưng, khi tuổi dậy thì kết thúc, sự tăng trưởng dừng lại. Vì tuổi dậy thì sớm kết thúc sớm hơn so với tuổi dậy thì bình thường, những đứa trẻ này ngừng phát triển ở độ tuổi sớm hơn. Kết quả có thể là chiều cao ngắn hơn so với những gì chúng có.
Trẻ em gái bị dậy thì sớm cũng có thể bị stress. Ngay cả khi điều đó xảy ra với những đứa trẻ có độ tuổi trung bình là 12 tuổi thì dậy thì sớm vẫn rất khó hiểu đối với chúng. Cha mẹ có thể giúp đỡ bằng cách giáo dục con cái về những thay đổi mà chúng nên mong đợi.
Tuy nhiên, phần lớn dậy thì sớm ở bé gái đơn thuần chỉ là sự phát triển trước thời hạn. Đôi khi chúng lại là biểu hiện của một số bệnh lý tiềm ẩn trong cơ thể. Vì vậy, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám nội tiết để phát hiện dậy thì sớm và có biện pháp ngăn ngừa phù hợp với từng trẻ.
Ảnh hưởng về tâm lý
Những thay đổi trên cơ thể của bé gái dậy thì sớm có thể làm trẻ thấy ngại ngùng, xấu hổ vì cảm thấy khác biệt so với bạn bè, bị bạn bè trêu chọc. Điều này có thể khiến bé tự ti, trầm cảm và thậm chí để lại di chứng tâm lý cho đến khi trưởng thành.
Để giúp con vượt qua giai đoạn khó khăn này, bố mẹ cần trò chuyện, giải thích cho bé hoặc thậm chí có thể cho bé gặp chuyên gia tư vấn tâm lý.
Theo cô Nguyễn Hương Trà, một số trường có giáo viên kiêm nhiệm về tư vấn tâm lý học đường đã nhận được nhiều câu hỏi của học sinh liên quan đến dậy thì sớm. Các em đôi khi khó chia sẻ với bạn bè mà thường tìm đến người lớn - những người có kinh nghiệm để hỏi han về vấn đề này, nhất là việc chăm sóc các bộ phận trên cơ thể.
“Ngoài ra, những biến đổi tâm sinh lý trong thời gian dậy thì dễ khiến trẻ lơ là, bỏ bê việc học. Bố mẹ nên khuyên nhủ, động viên và thường xuyên liên lạc với giáo viên để theo sát quá trình học tập của con”, cô Trà nhấn mạnh.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Minh Hằng, đối với bé gái, sự phát triển tâm sinh lý quá sớm sẽ dẫn đến những ham muốn tình dục. Bé gái còn quá nhỏ, suy nghĩ chưa chín chắn nên dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng.
Điều này gây hậu quả là mắc phải các bệnh lây truyền qua đường tình dục hay mang thai khi tuổi đời còn quá nhỏ để lại những sang chấn cả về thể chất lẫn tinh thần.
Bé gái cũng có nguy cơ mắc hội chứng buồng trứng đa nang nếu dậy thì sớm. Bởi chu kỳ kinh nguyệt sớm trước khi 8 tuổi ở bé gái có nguy cơ phát triển thành chứng rối loạn nội tiết tố khi trưởng thành.
“Cha mẹ cần chú ý đến tâm sinh lý của bé gái khi con có dấu hiệu dậy thì sớm. Khi đó, trẻ thường có hai trạng thái tâm lý là hoảng sợ, bất an trước những biến đổi của cơ thể mà chúng không thể kiểm soát hoặc che giấu được.
Trong khi đó có trẻ lại quá vô tư và chưa ý thức được về sự thay đổi của cơ thể cũng như cách chăm sóc cơ thể khi dậy thì. Vì vậy, cha mẹ cần giúp con vượt qua khủng hoảng tâm lý”, bác sĩ Hằng nhấn mạnh.