Mới chỉ là 'mẻ nhánh'!

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -Theo số liệu thống kê, từ ngày 20/6 đến nay, cảnh sát giao thông cả nước đã xử phạt gần 2.700 trường hợp cơi nới thùng xe, chở quá tải trọng.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Số tiền xử phạt gần 12 tỷ đồng, trong đó, có 530 xe phải hạ tải, 290 xe bị cưỡng chế cắt thùng và 45 xe bị thông báo cho cơ quan đăng kiểm đề nghị kiểm định lại.

Xe cơi nới thùng, chở quá tải trọng cho phép không phải là chuyện mới mà đã tồn tại từ lâu và tình trạng này chỉ giảm khi cơ quan chức năng thực hiện các đợt cao điểm xử lý.

Sau đó, mọi chuyện lại “nguyễn y vân”. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, theo nguyên Phó Vụ trưởng An toàn giao thông, Tổng cục Đường bộ Việt Nam Đặng Văn Chung là có sự bảo kê, bao che. Một số doanh nghiệp vận tải được người có chức quyền tại địa phương “nâng đỡ”, thậm chí là “sân sau”.

Nguyên nhân nữa là việc xử phạt lái xe và chủ xe quá tải căn cứ theo Nghị định 123/2021. Theo đó, xe chở quá tải từ 10 - 20%, 20 - 50% và trên 50% sẽ chịu các mức phạt từ 4 - 6 triệu, 13 - 15 triệu, 40 - 50 triệu đồng; chủ phương tiện bị phạt 18 - 75 triệu đồng đối với cá nhân và 36 - 150 triệu đồng đối với tổ chức.

Nếu xe chở quá tải mức cao nhất thì lái xe và chủ xe là cá nhân bị phạt đến 125 triệu đồng. Mức phạt này, dù đã tăng so với Nghị định 100/2019 nhưng chưa đủ sức răn đe...

Ngoài những nguyên nhân trên, còn do lực lượng mỏng, thiếu thiết bị. Ví dụ, tỉnh Hòa Bình chỉ có hai đội thanh tra giao thông, một đội phụ trách trung tâm thành phố, một đội quản lý 9 huyện với nhiều mỏ đất, đá - điểm nóng về xe quá tải nhưng chỉ có 9 người.

Cho nên việc xử lý chỉ như “muối bỏ biển” vì xe quá tải thường chọn lúc giao ca, trời mưa, khi nửa đêm, rạng sáng, đi vào các đường tắt, đường nhánh, thậm chí có cả người “canh” các lực lượng chức năng.

Không phủ nhận việc xử lý xe cới nới thùng xe, chở quá tải là khó, nhưng thực tế, những giải pháp cơ quan chức năng đã và đang thực hiện mới chỉ là phần ngọn, mới chỉ là “mẻ nhánh” vấn đề.

Để xử lý triệt để, nhiều ý kiến cho rằng, thay vì tăng cường tuần tra trên đường, nên siết chặt khâu đăng kiểm, tăng mức phạt và cấp trang thiết bị cho lực lượng tuần tra. Bên cạnh đó, cần lắp camera giám sát và trạm cân tự động tại các địa bàn có nhiều xe chở quá tải lưu thông sau đó phạt nguội với xe vi phạm.

Đặc biệt, cần xử lý nghiêm khắc tình trạng bảo kê, bao che, đồng thời có biện pháp giám sát và chế tài xử lý với lực lượng thực thi nhiệm vụ. Phải quy trách nhiệm cho người đứng đầu khi có cấp dưới vi phạm vì chỉ có quy trách nhiệm cụ thể cho các lực lượng chức năng như cảnh sát, thanh tra giao thông, cơ quan đăng kiểm... thì mới xử lý được xe quá tải.

Phần ngọn như lực lượng mỏng, thiếu thiết bị, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng cơi nới thùng xe, chở quá tải trọng “phổ biến” thời gian qua tại nhiều địa phương.

Cái gốc để ngăn chặn tình trạng này chính là sự cương quyết của các cơ quan chức năng, chứ không chỉ “mẻ nhánh” như hiện nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ