“Mộc tồn” ký sự

GD&TĐ - Dân Việt ta có lẽ nghiền thịt chó hàng đầu thế giới. Không chỉ nam giới, đàn bà con gái cũng mê.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Tôi đã lang thang hầu hết các quán thịt chó nức tiếng Hà Thành từ Hàng Lược, Nhà Hỏa, ngõ Lê Văn Hưu, ngõ Hàng Hương, dốc Hàng Than, Trạm Bơm cho đến “Liên hiệp thịt chó” Nhật Tân một thời..., ở đâu cũng thấy tỷ lệ chị em bù khú không hề kém anh em.

Thịt chó Hà Thành có nhiều trường phái, chủ yếu do chủ quán ở các vùng quê khác kéo về mở “cõi”. Cách ăn cũng khác, chó hấp thái miếng mỏng thì ăn với mắm tôm chanh sủi bọt; chó chặt miếng to lại phải chấm muối mộc (không phải gia vị chanh) trộn với ớt bột không vắt chanh mới ngon và hợp.

Chó miếng uống rượu, chó chặt uống bia. Hồi còn chợ Âm Phủ, chó chặt ở đây ngon nức tiếng. Thòm thèm xách xe ào ra làm một bọc gói giấy báo là đủ say cả lũ. 

Thịt chó mỗi vùng có những phong cách riêng. Hôm mấy anh em đi công tác Văn Chấn trên đường về, trùng với bữa trưa, gã lái xe nhanh nhảu mách vào quán thịt chó mang tên Kỳ Đồng ngay trung tâm thị xã Yên Bái.

Quán đông khủng khiếp. Rình mãi cũng chen vào được. Ấn tượng nhất là các món được bày vào mẹt có lót lá chuối như thịt lợn mán. Ngon dễ sợ.

Nhưng thú vị nhất là món chân chó. Chả hiểu giống chó gì mà chân dài thon như chân... người đẹp. Mấy ông ngà ngà ví thế mới hãi. Mỗi ông một dóng chân vừa gặm gạp vừa hít hà tấm tắc... Ông chủ quán này còn khuyên thực khách không uống trà đá khi ăn thịt chó, sẽ bị đầy bụng. Theo đó, quán phục vụ nước vối cho khách để “hạ hỏa”. 

Nhiều năm sau theo đoàn nhà báo lên Yên Bái viết về phong trào... xây hố xí tự hoại, mấy ngày ròng rã cũng phải rình ít nhất một buổi mò đến quán. Lần này có quan chức địa phương đưa đi nên được ngồi view đẹp nhìn ra sông. Cả đoàn già trẻ gái trai đủ cả ngồi chẵn bốn mâm trên một gian riêng.

Lần đó một nhà thơ sau khi vừa viết một bài thơ về hố xí tự hoại khá mùi... mẫn, kịp thốt lên một câu nức lòng chủ quán sau khi gặm xong chiếc chân thon thả: Chưa bao giờ ăn thịt chó ở đâu “ngoonggggg” như ở đây. Nghe nói sau này nhà thơ đi trấn thủ lưu đồn tận Đà Nẵng, xa nhà, nhớ vợ thương con thèm thịt chó, bèn lập hội mê thịt cày, cứ ngày cuối tháng tổ chức sinh hoạt chè chén với hình thức bổ đầu đóng góp.

Nhưng vẫn vọng về xứ Bắc thương nhớ thịt chó Kỳ Đồng bởi hương vị đã găm sâu vào tì vị. Sau này quán đóng cửa trên Yên Bái, hành quân về định thôn tính Hà Thành nhưng có vẻ bất thành. Nó chẳng còn ngon và cũng có vẻ không hợp với địa bàn mới. 

Còn mình, dạo cũng xa nhà đi sứ miền Tây, thèm thịt chó phải mò lên tận Quân khu 9, cách trung tâm Cần Thơ đến chục cây để ăn nhưng không thấy ngon dù nấu theo kiểu Bắc. Còn những quán hoàn toàn theo gu Nam, thịt cầy nấu với nước dừa thì chịu không làm sao quen được cái mùi vị ngang ngang đó.

Chỉ đến khi biết được quán thịt chó mang tên “Vĩnh Phúc” mới thấy đời lại lên hương. Quán mở tận dụng gian nhà kho, trông tuềnh toàng đúng kiểu dân Bắc bán hàng, không bày biện khang trang như quán người Nam.

Khách Bắc, khách Nam trộn lẫn. Bọn cơ quan cũng vậy, người Bắc có, người miền Tây có, còn có cả đội gốc Bắc nhưng vô cũng đã lâu, mùi miền Tây đã thấm sâu vào người. Cuối tháng nào cũng hồ hởi kéo nhau ra ăn, thằng Văn, thằng Ánh, thằng Huy... 

Nhà này có món chả ngầy ngậy nướng vừa tay không bị quá cháy, miếng chả lại được pha khéo có đủ phần nạc, mỡ và bì. Mắm tôm cũng thơm đậm đà, ai ăn mặn thì hợp khẩu vị, chỉ có điều ăn xong khát nước kinh khủng. Cơ quan có thằng Hùng, người An Giang có “tật” hễ ăn ngon là mắt trợn ngược, quai hàm bạnh ra nghiến mạnh.

Nhìn nó ăn mồ hôi ròng ròng cứ ngỡ nó đang đánh vật nhưng thực ra là rất ngon. Bữa thịt chó nào có thằng Hùng là y rằng đều say túy lúy. Vài năm quay lại mướn xe tạt ra quán định bụng ăn mảnh mà than ôi quán đâu mất tiêu để lại nỗi ngẩn ngơ trong ngày về chốn cũ. Ở đời vị là thứ dễ nghiện, nghiện rồi rất khó bỏ...

Đó là chuyện cũng lâu lâu rồi chứ giờ tự dưng chả hiểu sao, cai hẳn món mộc tồn quốc hồn quốc túy! Nhưng cái không khí xuýt xoa, hể hả mỗi khi nhập cuộc “mộc tồn” thì không thể quên được!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.