Mộc bản phật giáo chùa Vĩnh Nghiêm

Mộc bản phật giáo chùa Vĩnh Nghiêm

(GD&TĐ) - Bộ sưu tập mộc bản kinh sách Phật duy nhất về Thiền phái Trúc Lâm, Thiền phái tiêu biểu của Phật giáo Việt Nam, hiện đang được bảo quản tại chùa Vĩnh Nghiêm, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Căn cứ vào chất liệu gỗ, có thể ước đoán bộ cổ nhất xuất hiện từ thế kỷ 14, 15, bộ gần đây nhất cũng vào đầu thế kỷ 20. Hơn 3.000 mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm đã qua vòng thẩm định của Tổ chức Văn hóa - Khoa học - Giáo dục của  Liên Hiệp Quốc (UNESCO). Đây là di sản, báu vật không riêng của Phật giáo mà của cả quốc gia. 

Di sản trong vườn chùa

Hơn 700 năm qua, chùa Vĩnh Nghiêm là nơi tàng bản, in ấn kinh điển cho Phật giáo Việt Nam. Đại đức Thích Thanh Vịnh, phó trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm, cho biết, qua nhiều lần nhà chùa cùng với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang kiểm kê, bộ ván in này là tập hợp của 34 đầu sách, bao gồm kinh, luật giới, trước tác nhà Phật, sách thuốc… được san khắc nhiều đợt.

Cầm trên tay tấm mộc bản bằng gỗ thị, ông Trần Văn Lạng, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Giang, một trong những người tham gia vào việc hoàn thiện hồ sơ đưa mộc bản Phật giáo chùa Vĩnh Nghiêm gửi UNESCO, cho hay: Ở một số nơi khác cũng có mộc bản như ở chùa Bổ Đà, Bắc Giang, là chốn tổ của Thiền phái Lâm Tế, còn 2000 tấm, chùa Phúc Chỉnh-Ninh Bình hiện còn hơn 100 tấm… nhưng nội dung là những bài kinh Phật hay sách thuốc. Cho nên có thể xem kho mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là kho mộc bản lớn nhất và còn được lưu giữ tương đối đầy đủ.

 Điều ông Lạng tâm đắc nhất là bộ mộc bản này còn lưu giữ vẹn toàn tư tưởng về Thiền phái Trúc Lâm. Ông Lạng lý giải: “Tư tưởng của vị minh quân, anh hùng dân tộc Trần Nhân Tông là ‘rèn lòng làm Bụt’. Rèn lòng để tu thân. Quan điểm của ngài là không cần phải tìm Phật ở đâu xa mà hãy tìm ở chính lòng mình. Muốn Phật tính hiện ra thì mình phải rèn lòng mình trước”.Cũng theo ông Lạng, qua kho bảo vật này, các nhà nghiên cứu có thể khai thác lượng thông tin đa dạng như: lịch sử Phật giáo, tư tưởng văn hoá hành đạo, nhập thế của dòng thiền Trúc Lâm, lịch sử nghề khắc in mộc bản, thân thế sự nghiệp của một số vị cao tăng có nhiều cống hiến cho sự phát triển nền văn hoá truyền thống của dân tộc. Ngoài ra, các bài phú, kệ, nhật ký trong kho bảo vật này còn là trước tác của vị minh quân, anh hùng dân tộc Trần Nhân Tông và các danh nhân lịch sử văn hoá của đất nước mà người dân nước Việt đời đời tôn vinh….

Giới thiệu mộc bản với khách trong và ngoài nước
Giới thiệu mộc bản với khách trong và ngoài nước

Các bản ván in được làm từ gỗ thị hầu hết được khai thác tại vườn chùa. Gỗ thị rất phù hợp với việc chạm khắc, như mềm, mịn, dai, dễ khắc, ít cong, vênh, khó nứt vỡ. Hiện trong khuôn viên, phía sau ngôi chùa Vĩnh Nghiêm vẫn còn nhiều cây thị đang ngày ngày toả bóng mát. Sau mấy trăm năm, những tấm ván in bằng gỗ thị vẫn còn nguyên vẹn, từng chữ vẫn rõ ràng, sắc nét. Rất nhiều bản có khắc kèm cả những bức tranh minh họa, bố cục hài hòa, nét khắc tài hoa tinh tế, chữ khắc ngược đúng kiểu âm bản, chân phương sắc nét, trăm chữ như một, đẹp đẽ, vuông vức. Tận mắt nhìn những tấm ván in có tuổi đời vài trăm năm, mới thấy khâm phục sự tài hoa, kiên nhẫn, cái tâm của những người thợ. Ông Nguyễn Văn Phong, nhà nghiên cứu Hán - Nôm, Phó giám đốc bảo tàng tỉnh Bắc Giang, chỉ cho chúng tôi cách bố trí của từng bản in: thường mỗi một tấm ván được in 2 mặt. Mỗi mặt ván là hai trang sách, khắc chạm đúng chuẩn mực theo kiểu đóng sách của người xưa. Từ khi ra đời đến nay, kho mộc bản kinh Phật đã được nhà chùa in ấn rồi đóng thành sách phát cho Phật tử. Chính vì vậy các bản ván đều được phủ một lớp mực in khá dày, màu đen bóng.

Việc in kinh khắc ván khố mộc thư là cả một hành trình dài suốt gần một trăm năm, tuy có lúc gián đoạn nhưng đã được các cao tăng nối tiếp và kế thừa qua 59 đời trụ trì. Bởi để khắc được 1 ván, một người thợ có tay nghề cao, giỏi chữ thời ấy cũng phải mất hơn 2 tháng để hoàn thành. Để khắc xong một bộ Kinh Hoa Nghiêm (hoàn thành năm Tự Đức, 1884) với 200 ván phải mất hơn 70 năm. Ở Việt Nam thời đó rất ít phường thợ làm nghề khắc mộc bản. Phường thợ nổi tiếng nhất là ở Hải Dương. Theo nhà nghiên cứu Hán – Nôm, Nguyễn Văn Phong, nhìn vào chữ khắc là biết tay nghề của người thợ. Ở đây phải nói đến là người giỏi nghề. Người thợ thời đó đi làm phải có cái tâm và giỏi chữ nghĩa và họ làm hết sức có trách nhiệm cho nên một phường thợ làm nhưng bản sách nào cũng chuẩn mực. Một ván nếu chỉ có 2 đến 3 chữ bị lỗi hay sứt là coi như bỏ đi, phải làm lại ván khác cho nên một trăm chữ đều như một. Có những ô khoảng 1cm2 người thợ khắc 4 đến 5 chữ mà có chữ hơn 20 nét. Quả là sự kỳ diệu và tài hoa.

Lời giải cho bài toán bảo tồn

Trải qua hàng mấy trăm năm, các mộc bản này vẫn được bảo quản tại chùa Vĩnh Nghiêm nhưng chưa có một phương án bảo tồn thực sự khoa học. Theo Đại đức Thích Thanh Vịnh, hơn 3000 mộc bản được đặt trên 7 cái kệ bằng gỗ lim, chân giá có chậu bằng đá chứa dầu lạc. Hiện, nhiều mộc bản cũng đã có dấu hiệu mục, sứt và nhiễm nấm mốc. Về lâu, về dài thì việc bảo quản như cũ không ổn. Nhà chùa đang xin làm Nhà Đại tạng kinh, cất giữ mộc bản. Nhưng hiện giờ mới trình lên, kết quả như thế nào hiện vẫn đang phải chờ. Hiện tỉnh Bắc Giang đang tìm kiếm, khai thác những kỹ thuật bảo quản hiện đại nhằm áp dụng được cho việc bảo quản bộ mộc bản này. Để tránh nứt vỡ những mảnh ván khắc, trước mắt khắc phục bằng cách đóng, chốt gáy bằng đồng lá để tăng độ chắc chắn và giá trị thẩm mỹ. Đồng thời tiến hành phục chế một số mộc kinh bằng chất liệu phù hợp, hình thức tương đồng bản gốc để phục vụ nhu cầu tham quan tìm hiểu của du khách và các nhà nghiên cứu.

Bản khắc vẫn còn sắc nét
Bản khắc vẫn còn sắc nét

Bà Hoàng Thị Hoa, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang cho biết tỉnh Bắc Giang, ngành văn hóa tỉnh và các cơ quan chức năng thuộc Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cùng các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ mộc kinh trình UNESCO công nhận là Di sản tư liệu trong chương trình Ký ức thế giới từ đầu năm 2010. Nay, hồ sơ mộc bản đã qua vòng thẩm định Di sản tư liệu thế giới, đang chờ tin từ UNESCO. Đây là một tin vui đặc biệt đối với những người làm công tác văn hóa và di sản của Bắc Giang. Bởi những giá trị đích thực của “kho báu” mộc bản này đã phần nào được thế giới biết đến và công nhận. Khi đã được công nhận, có nhiều sự quan tâm của cộng đồng, của bạn bè quốc tế, chắc chắn các phương án bảo tồn tối ưu sẽ được áp dụng cho kho mộc kinh góp phần gìn giữ kho báu vật này cho muôn đời sau.

Bà Hoa cũng cho biết, đầu tháng 11 tới, tỉnh Bắc Giang sẽ phối hợp với UNESCO Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung ương Hội Phật giáo Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học về các giá trị văn hóa- lịch sử của tư tưởng thiền phái Trúc Lâm tam tổ và mộc bản Kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm trong quá trình phát triển của Phật giáo Việt Nam. 

Hà An – Lan Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ