Phấn đấu ít nhất 8% học sinh dân tộc thiểu số được học tại trường Phổ thông dân tộc nội trú
Hiện nay, toàn tỉnh Thái Nguyên có 16 trường Phổ thông dân tộc nội trú, bán trú và 51 trường thuộc vùng đặc biệt khó khăn với gần 14 nghìn học sinh. Để nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh ở vùng dân tộc thiểu số, tỉnh đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất trường lớp học.
Giai đoạn 2016 - 2022, đã đầu tư hơn 200 tỷ đồng mở rộng, tăng quy mô tuyển sinh các trường nội trú, bên cạnh đó tỉnh còn quan tâm đầu tư mua sắm, sửa chữa, cải tạo nâng cấp các trường phổ thông dân tộc bán trú với tổng kinh phí thực hiện 5 năm qua là trên 26 tỷ đồng. Triển khai, thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ học sinh dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn, bao gồm: học bổng, miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, tiền ăn, cấp phát gạo… cho học sinh người DTTS.
Ông Nguyễn Đức Thịnh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên cho biết: Giai đoạn 2021-2025, Thái Nguyên đề ra mục tiêu tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi ở các cấp học. Trong đó phấn đấu ít nhất 8% học sinh dân tộc thiểu số được học tại các trường Phổ thông dân tộc nội trú; tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo 5 tuổi đi học đạt 100%; tỷ lệ trẻ trong độ tuổi (6-10 tuổi) đi học đạt 99% trở lên.
Bên cạnh đó, để thúc đẩy phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi trong thời gian tới, các cấp, các ngành, địa phương đang tiếp tục tăng nguồn lực đầu tư cho công tác phát triển giáo dục, từ đó góp phần thúc đẩy nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số.
Đồng thời, sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục làm tốt công tác tham mưu cho UBND tỉnh triển khai, thực hiện đầy đủ các chính sách do Trung ương quy định đối với học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn. Đồng thời, phối hợp với các ngành tham mưu cho tỉnh để xây dựng những chính sách riêng của tỉnh dành cho đối tượng học sinh dân tộc thiểu số."
Học sinh được hưởng đầy đủ các chính sách
Cô giáo Chu Thị Lan, Hiệu trưởng trường DTNT THCS Đại Từ, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên cho biết: Năm học 2022 – 2023 trường có tổng số 366 học sinh, năm học 2023 – 2024 dự kiến có 360 học sinh chủ yếu là học sinh người dân tộc Tày, Nùng, Dao, Sán Chay, Ngải. Hiện trường có tổng số 43 giáo viên, trong đó có 28 biên chế và 15 giáo viên hợp đồng. Là đơn vị giáo dục mang tính đặc thù do đa phần học sinh là con em đồng bào dân tộc, được học nội trú nên công tác quản lý, giáo dục… đòi hỏi nhiều công sức của đội ngũ cán bộ, giáo viên.
Theo học tại trường, các em được hưởng đầy đủ chế độ, chính sách như: Miễn học phí và được hưởng học bổng chính sách, được cấp đồ dùng cá nhân, bảo hiểm y tế. Được cấp tiền tàu xe về quê hoặc tổ chức cho ở lại ăn Tết, được hỗ trợ sách báo, mượn sách giáo khoa, cung cấp vở viết và đồ dùng học tập…
Theo cô Lan, mặc dù “xuất phát điểm” không cao, nhưng thông qua việc chăm sóc, giáo dục và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước thông các chế độ chính sách nhiều năm liền trường có 100% học sinh tốt nghiệp THCS, học sinh tiếp tục theo học tại các trường THPT.
Cô giáo Đinh Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2 Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ cho biết: Năm học 2023-2024 cùng với việc tập trung đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất, chăm lo hỗ trợ cho học sinh và điểm trường, huyện Đồng Hỷ cũng đang tập trung đầu tư cơ sở vật chất để nhà trường chuyển đổi sang mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú.
Từ nguồn vốn đầu tư của chương trình mục tiêu quốc gia dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, một nhà lớp học 2 tầng với 6 phòng học, nhà ở với 16 phòng và bếp ăn 1 chiều đang gấp rút được hoàn thiện, sẽ đáp ứng nhu cầu ở bán trú của gần 120 học sinh. Việc chuyển đổi mô hình sẽ giúp các em học sinh tiếp cận với chương trình giáo dục 2018 đặc biệt là với học sinh lớp 4, các em được học tin học và ngoại ngữ.
Em Hoàng Thị Mai, học sinh trường Tiểu học số 2 Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ cho biết: "Năm học tới, cháu sẽ được về trường chính học bán trú, ở đây cháu được các thầy cô giáo quan tâm, tạo điều kiện được tiếp cận chương trình mới, với các thiết bị học tập hiện đại, bên cạnh đó, cháu được học tập trong môi trường tập thể, có nhiều thời gian để trao đổi thảo luận cùng bạn bè nên cháu cảm thấy rất vui.