Mở rộng hợp tác GD-ĐT với tất cả các quốc gia, vùng lãnh thổ

Mở rộng hợp tác GD-ĐT với tất cả các quốc gia, vùng lãnh thổ

Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã cảm ơn Bộ Ngoại giao, các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã quan tâm đến mặt hoạt động quan trọng của Ngành GD - đó là đẩy mạnh hội nhập và hợp tác quốc tế. Đồng thời Bộ trưởng đề nghị các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cùng Bộ GD&ĐT xây dựng cơ chế trao đổi thông tin để cùng thực hiện tốt nhiệm vụ của hai bên.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ tại buổi làm việc các chủ trương, chính sách, nội dung Bộ GD&ĐT đang quan tâm, triển khai ở lĩnh vực hợp tác quốc tế. Trong đó, hợp tác quốc tế về trao đổi chương trình học thuật là một nội dung đang được triển khai từ bậc mầm non đến đại học.

"Quan điểm của Bộ GD&ĐT là mở rộng hợp tác GD- ĐT với tất cả các quốc gia, vùng lãnh thổ. Đẩy mạnh hợp tác về GD- ĐT cũng là một kênh ngoại giao. Nắm bắt nhu cầu trong nước, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục tìm hiểu nhu cầu của các địa phương, các cơ sở GD-ĐT có mong muốn tìm kiếm, mở rộng hợp tác nước ngoài, để chia sẻ với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cùng hỗ trợ" - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, hợp tác quốc tế trong GD- ĐT của Việt Nam đang hướng vào một số thị trường GD-ĐT có tiềm lực trọng điểm như: Mỹ, Úc, Đức, Anh, Pháp, Nhật, Singapore… Đó là những thị trường truyền thống thời gian qua tập trung phần lớn số lượng lưu học sinh Việt Nam (trong tổng số gần 200.000 lưu học sinh Việt Nam theo học ở nước ngoài). Thời gian tới, GD-ĐT Việt Nam sẽ mở rộng thêm ra các khu vực chưa có hoặc ít hợp tác, đặc biệt là các khu vực như Tây Á, Nam Á (các khu vực giao lưu về học thuật và có số lưu học sinh rất ít).

Mở rộng hợp tác GD-ĐT với tất cả các quốc gia, vùng lãnh thổ ảnh 1
Các đại biểu dự buổi làm việc.

Bộ GD&ĐT hiện cũng rất quan tâm công tác bảo hộ công dân ở các nước. Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, thời gian qua ngành Ngoại giao và các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài đã làm rất tốt nhiệm vụ bảo hộ công dân. Tuy nhiên, trong tình hình dịch Covid-19 hiện nay, Bộ GD&ĐT rất mong muốn các trưởng đại diện ngoại giao Việt Nam ở những địa bàn có nhiều lưu HS đang học tập, sinh sống tiếp tục quan tâm, hỗ trợ bảo hộ công dân cho lưu học sinh, nhưng đồng thời cũng cùng Bộ GD&ĐT giới thiệu tới lưu học sinh những phương thức đào tạo mới phù hợp với mong muốn của du học sinh và khả năng đào tạo trong nước.

Gần đây, Bộ GD&ĐT cũng đã xúc tiến các chương trình đào tạo quốc tế theo các phương thức kết hợp các bên, kết nối giữa các trường ĐH của Việt Nam có uy tín, có điều kiện với các trường ĐH nước ngoài, để cùng đào tạo các chương trình liên kết đào tạo.

Bộ trưởng cũng mong muốn thông qua các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài, ngành GD&ĐT Việt Nam, các trường ĐH trong nước có điều kiện tìm kiếm các đối tác nước ngoài, nhằm tăng cường hợp tác đào tạo hỗn hợp. "Trước kia trong đào tạo nghiên cứu sinh có thể đã quan tâm nhiều đến đào tạo toàn phần ở nước ngoài, thì nay tăng cường những cơ sở đào tạo có uy tín ở Việt Nam phối hợp cùng các đối tác nước ngoài triển khai các khoá đào tạo tiến sĩ"- Bộ trưởng nhấn mạnh.

Một lĩnh vực GD- ĐT Việt Nam đang quan tâm đó là trao đổi chuyên gia, Việt Nam có thế mạnh về khoa học cơ bản và dạy tiếng Việt (hiện châu Phi và một số nước Nam Á đang cần trao đổi trong lĩnh vực này).

Thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực GD- ĐT cũng là lĩnh vực đang được quan tâm. Tới đây, Ngành GD tiếp tục khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào GD- ĐT, tăng cường liên kết với nước ngoài.

Mở rộng hợp tác GD-ĐT với tất cả các quốc gia, vùng lãnh thổ ảnh 2
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại buổi làm việc

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ phát biểu tại buổi làm việc: "Với truyền thống gắn bó giữa Bộ GD&ĐT và Bộ Ngoại giao, mặc dù là hai lĩnh vực khác nhau, nhưng chúng tôi nhận thấy có một sự tương đồng trong hai lĩnh vực ngoại giao và GD, vì đều liên quan đến con người: Tiếp xúc con người, phát triển con người, gắn bó giữa con người với con người.

Trong hội nhập quốc tế hiện nay, về hợp tác song phương ở lĩnh vực GD- ĐT đang có sự thay đổi về chất. Về hợp tác đa phương trên tất cả các kênh ASEAN, APEC, ASEM (đều là những lĩnh vực hợp tác hết sức quan trọng) lĩnh vực GD luôn được Bộ Ngoại giao đặt ở vị trí quan trọng trong 30 quan hệ hợp tác chiến lược và toàn diện, đặc biệt chú ý trong các chương trình hành động với các đối tác này. 

Trong GD- ĐT, chúng tôi nhận thấy rằng hợp tác quốc tế thời gian vừa qua đã có những bước phát triển đáng chú ý, bao gồm cả các bước phát triển trong khuôn khổ về pháp lý, chính sách. Hợp tác quốc tế trong GD- ĐT là một nhánh rất quan trọng trong hoạt động ngoại giao, quan hệ ngoại giao".

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ nêu ấn tượng với hoạt động giảng dạy trực tuyến của ngành GD: "Có thể nói ngành GD là một trong những ngành đi đầu về hoạt động trực tuyến, đây là một lĩnh vực nhiều quốc gia trên thế giới phát triển mạnh. Mong rằng, qua sự hỗ trợ của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Ngành GD Việt Nam có thể tìm kiếm được những hợp tác về phát triển ở lĩnh vực này, cũng như tìm kiếm sự hợp tác phát triển ứng dụng số trong GD- ĐT".

Mở rộng hợp tác GD-ĐT với tất cả các quốc gia, vùng lãnh thổ ảnh 3
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ phát biểu 

Về vấn đề quản lý lưu học sinh, bảo hộ công dân, theo Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ có hai điểm mới. Trong đó, việc đăng ký các lưu học sinh ở nước ngoài với các cơ quan đại diện ngoại giao, đây là một vấn đề còn khó khăn. Làm thế nào để các lưu học sinh đi theo diện du học tự túc đăng ký thông tin đầy đủ với cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài cũng là một thách thức. Phía Bộ Ngoại giao mong Bộ GD&ĐT có những giải đáp, hỗ trợ để phía cơ quan ngoại giao có thể thực hiện tốt vấn đề này.

Về bảo hộ công dân, thời gian qua các cơ quan ngoại giao đã nỗ lực trong việc đưa du học sinh về nước, tuy nhiên do tình hình diễn biến của dịch Covid-19, nên số lượng du học sinh được đưa về nước cũng chưa đáp ứng được hết nhu cầu.

Tại buổi làm việc, các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhiệm kỳ 2020- 2023 cũng đã có những ý kiến đóng góp về phát triển hiệu quả hơn nữa hợp tác giữa cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài và Ngành GD, nhằm thúc đẩy phát triển hợp tác quốc tế trong GD- ĐT, bảo hộ công dân, hỗ trợ du học sinh, tận dụng nguồn "tài nguyên" con người- 200.000 lưu học sinh học tập ở nước ngoài- trong phát triển GD- ĐT, văn hoá, du lịch, ngoại giao cho đất nước…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ