Tham dự Hội thảo có PGS.TS Lương Minh Cừ - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long; TS Đặng Thị Ngọc Lan - Phó Hiệu trưởng; Ban cố vấn Ban Giám hiệu; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc; các nhà khoa học trong và ngoài nước.
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Lương Minh Cừ - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long cho biết: Trong thời đại kỹ thuật số ngày nay, việc áp dụng công nghệ vào giáo dục đã trở thành xu thế tất yếu. Mô phỏng là một trong những công cụ độc đáo, hỗ trợ việc giảng dạy và học tập các khái niệm khoa học phức tạp thông qua trải nghiệm thực hành ảo.
Mô phỏng đã trở thành công cụ quan trọng giúp giảng dạy các khái niệm khoa học một cách sinh động và trực quan…
Thông qua Hội thảo, đề nghị đại biểu, các nhà khoa học cần tập trung thảo luận, cho ý kiến về khái niệm, nội dung, bản chất, đặc điểm của phương pháp mô phỏng. Vai trò của mô phỏng trong nghiên cứu khoa học, kỹ thuật trong xã hội. Vai trò, giá trị, tác động của phương pháp mô phỏng trong giáo dục đào tạo, phương pháp mô phỏng trong trường đại học…
Hội thảo đã nhận được 22 bài viết tham luận của các tác giả là các nhà khoa học. Theo TS Nguyễn Xuân Chung, Trường Đại học Nam - Florida (Hoa Kỳ): Mô phỏng là một công cụ quan trọng trong việc cải thiện chất lượng bài giảng. Tác dụng của mô phỏng trong việc giảng dạy được thể hiện ở các khía cạnh: Mô phỏng giúp cho bài giảng trở nên trực quan, sinh động hơn. Mô phỏng giúp cho người học tiếp nhận kiến thức nhanh và nhớ lâu hơn. Mô phỏng được sử dụng tạo các bộ thí nghiệm ảo cho sinh viên.
Hội thảo còn nhận được 8 ý kiến đóng góp của các nhà khoa học về mô phỏng - Phương pháp hiện đại, trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học thông qua việc áp dụng các mô hình về mô phỏng.