Một lớp học theo mô hình VNEN |
(GD&TĐ) - Năm học 2012 - 2013 vừa qua, Trường Tiểu học Cẩm Quang (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) là 1 trong 1.447 trường tiểu học của cả nước thí điểm Mô hình trường học mới VNEN. Đến nay, sau 1 năm triển khai, mô hình VNEN đã phát huy hiệu quả tích cực, nâng cao kết quả học tập của học sinh; tạo sự tự tin trong giao tiếp, đặc biệt là thay đổi cách dạy, cách học truyền thống cho cả giáo viên và học sinh phù hợp với xu thế phát triển của giáo dục hiện đại.
Nói về quá trình triển khai mô hình trường học mới, thầy Trần Hoàng Lan - Hiệu trưởng - phấn khởi cho biết: “Trong năm học 2012 - 2013, trường đã tổ chức cho 8 lớp dạy học theo mô hình VNEN trong đó có 4 lớp khối 2 gồm 97 học sinh, 4 lớp khối 3 gồm 120 học sinh.
Những ngày đầu, để thay đổi được cách học, cách dạy truyền thống, chúng tôi gặp không ít khó khăn do giáo viên chưa có kinh nghiệm, học sinh chưa quen với phương pháp học mới, cơ sở vật chất lại không phù hợp. Nhưng bỏ qua những khó khăn đó, khi bắt tay vào làm việc, tôi mới cảm thấy được hết cái hay, cái đẹp, tính ưu việt của VNEN mà chính tôi trước đó còn rất hoang mang”.
Theo quan sát thực tế của chúng tôi tại một số giờ học của học sinh, do đã quen với cách học mới nên trong suốt quá trình học không khí lớp học khá sôi nổi. Học sinh được rèn luyện kĩ năng làm việc theo nhóm, kĩ năng giao tiếp, hợp tác và kĩ năng điều hành.
Đây là những kĩ năng cần thiết để hình thành kĩ năng tự học, kĩ năng làm việc cho học sinh. Ngoài ra, học sinh được tiếp thu với nhiều ý kiến trong nhóm, được tranh luận, giải đáp, bày tỏ những suy nghĩ của bản thân với các thành viên.
Học trong nhóm, học sinh được phát huy tối đa sự hiểu biết, năng lực của bản thân; số lần học sinh được bày tỏ ý kiến nhiều hơn; những học sinh yếu được giáo viên quan tâm nhiều hơn và được các bạn trong nhóm giúp đỡ để hoàn thành nhiệm vụ.
Khi gặp khó khăn nhóm không giải quyết được, học sinh sẽ yêu cầu sự trợ giúp từ giáo viên bằng cách sử dụng thẻ có hình “Mặt buồn”. Điểm khác biệt lớn nhất là trước kia để đánh giá được mức độ hiểu bài của học sinh sau mỗi tiết học giáo viên cũng chỉ có thể kiểm tra một vài học sinh; nhưng ở mô hình này, tất cả các học sinh đều được các bạn khác trong nhóm kiểm tra nên không xảy ra tình trạng “bị bỏ rơi”.
Chính vì vậy mà chất lượng giáo dục học sinh thực hiện theo chương trình VNEN được nâng lên rõ rệt. Học sinh được phát triển các kĩ năng, tự tin trong giao tiếp, mạnh dạn đề xuất ý kiến và làm chủ được các hoạt động ngoại khóa của lớp, của nhóm.
Điều đặc biệt của Mô hình trường học mới là trong nội dung bài học có Hoạt động ứng dụng yêu cầu sự giúp đỡ của bố mẹ, người thân. Điều này đã tạo điều kiện cho phụ huynh kiểm tra việc học tập của con, em mình, đồng thời cũng tạo sự tin tưởng cho phụ huynh học sinh.
Bên cạnh đó việc tổ chức lớp học cũng là một điểm mới của chương trình VNEN. Với cách tổ chức lớp học theo mô hình VNEN không chỉlàm cho không gian phòng học trở nên đẹp hơn, thân thiện hơn đối với học sinh, mà còn hỗ trợ đắc lực cho các nhu cầu học tập và hoạt động mang tính xã hội của mỗi học sinh.
Nhận thức rõ hiệu quả và tính giáo dục của việc tổ chức lớp học mang lại nên ngoài các lớp 2, 3 đang triển khai mô hình VNEN theo quy định, nhà trường còn nhân rộng một số nội dung về tổ chức lớp học như Hộp thư vui, nội quy lớp học, Hòm thư điều em muốn nói, thư viện lớp học, sơ đồ đường em tới trường ở các lớp khác.
Những hiệu quả trên đã khẳng định sự thành công của mô hình trường học mới. Đây là mô hình trường học tiên tiến, việc triển khai nhân rộng sẽ phù hợp với sự phát triển chung của nền giáo dục hiện đại.
Phan Duy Nghĩa
(Phòng GD Tiểu học, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh)