Mô hình giáo dục di sản nhà khoa học

GD&TĐ - Các nhà khoa học có đóng góp quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Di sản tư liệu và những câu chuyện về cuộc đời làm khoa học của họ có giá trị giáo dục đối với thế hệ trẻ.   

Các ấn phẩm góp phần lan tỏa giá trị di sản nhà khoa học
Các ấn phẩm góp phần lan tỏa giá trị di sản nhà khoa học

Nhận thức được điều đó, Trung tâm và Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam (MEDDOM) luôn coi trọng hoạt động giáo dục di sản nhà khoa học song song hoạt động nghiên cứu - sưu tầm, có như vậy di sản ấy mới bền vững cùng năm tháng.

Tiếp động lực học tập cho giới trẻ

Thực hiện mục tiêu phát huy giá trị di sản nhà khoa học, Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam (huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình) đồng thời được thành lập cùng Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

Trong tương lai gần, tổ hợp bảo tàng - thư viện - trung tâm lưu trữ di sản các nhà khoa học sẽ là điểm nhấn độc đáo của Công viên rộng hơn 30ha này. Từ tháng 11/2017 đến tháng 11/2018, Công viên thu hút 55.000 lượt khách tham quan thuộc mọi thành phần và  lứa tuổi, trong đó học sinh chiếm tỷ lệ khoảng 30%.

Những tài liệu hiện vật cùng câu chuyện ẩn chứa phía sau được giới thiệu tại triển lãm “Thẳm sâu trong từng kỷ vật” nhắc nhở thế hệ trẻ trân trọng quá khứ để hướng tới tương lai, thấm nhuần tinh thần say mê học tập, lao động và cống hiến của các nhà khoa học.

Nhiều bạn tò mò khi nhìn thấy đôi dép lệch, chiếc bên trái cao 16cm, chiếc bên phải chỉ cao 2cm của PGS.TS Lý Hòa, thậm chí có em nhỏ còn ngỡ tưởng đây là dép của người mẫu. Nhưng sau khi nghe được tìm hiểu về hành trình ông vượt lên số phận với chân trái bị dị tật vì bom đạn chiến tranh, các em xúc động và ngưỡng mộ. Thương binh Lý Hòa đã vươn lên trở thành một nhà giáo, một nhà khoa học, rồi làm Hiệu trưởng trường ĐH Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh 13 năm liền.

Học sinh trải nghiệm “tập làm bác nông dân”
Học sinh trải nghiệm “tập làm bác nông dân” 

Một lần đến tham quan triển lãm “Thẳm sâu trong từng kỷ vật”, bạn Đoàn Thị Thu Hằng (sinh viên năm thứ ba trường ĐH Quốc tế E.R.C, TP Hồ Chí Minh) bày tỏ: Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam là nơi cất giữ một kho tàng quý giá về trí tuệ, tình cảm và sự cống hiến của những nhà khoa học. Thật trầm lắng, sâu sắc, ấm áp và xúc động! Nơi ký ức được bảo vệ, nâng niu, tiếp thêm động lực cho thế hệ trẻ tiếp bước truyền thống tốt đẹp của cha anh.

Đứng trước chiếc kính hiển vi phân cực của GS.TSKH Phan Trường Thị, bạn Trần Minh Nhật (lớp 5C, trường Tiểu học Yết Kiêu, Hà Nội) hào hứng: Em rất thích tìm hiểu những thứ trên trái đất được tạo ra từ cái gì. Em thích hình dung xem kính hiển vi có thể nhìn thấy gì và tưởng tượng ra nhiều thứ qua chiếc kính đó... Em mơ ước sau này sẽ được học một trường đại học, được nghiên cứu khoa học và có gì đó được lưu giữ với tư cách một nhà khoa học.

Các đại biểu tham dự hội thảo ngày 5/12/2018 đã đưa ra nhiều ý kiến thúc đẩy việc xây dựng mô hình giáo dục di sản nhà khoa học.
Các đại biểu tham dự hội thảo ngày 5/12/2018 đã đưa ra nhiều ý kiến thúc đẩy việc xây dựng mô hình giáo dục di sản nhà khoa học.

Hiện thực hóa mô hình giáo dục di sản nhà khoa học

Sự hưởng ứng của các em học sinh là tín hiệu đáng mừng, càng thôi thúc MEDDOM cố gắng đưa Công viên trở thành trung tâm tổ chức các hoạt động giáo dục di sản nhà khoa học cho học sinh, sinh viên ở tỉnh Hòa Bình nói riêng và cả nước nói chung. Giờ đây, sau một thập kỷ nỗ lực nghiên cứu sưu tầm di sản nhà khoa học, MEDDOM có những thuận lợi cơ bản để hiện thực hóa mô hình giáo dục di sản nhà khoa học.

Thứ nhất, UBND tỉnh Hòa Bình, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình rất tin tưởng và sẵn sàng tư vấn về mặt pháp lý. Thứ hai, ban giám hiệu, giáo viên, phụ huynh học sinh ở các trường phổ thông ngày càng nhận thức rõ hơn lợi ích của việc giáo dục di sản nhà khoa học. Thứ ba, Học viện Quản lý Giáo dục và các đơn vị chuyên môn sẵn sàng phối hợp với MEDDOM trong quá trình xây dựng chương trình, biên soạn tài liệu, đào tạo cán bộ...

Kết quả ban đầu của các hoạt động giáo dục di sản nhà khoa học là cơ sở để Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam tổ chức hội thảo “Phát huy di sản các nhà khoa học Việt Nam trong việc giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống và hoạt động trải nghiệm cho học sinh” đầu tháng 12/2018.

Tại hội thảo, các đại biểu đã đưa ra nhiều góp ý hữu ích, đồng thời bày tỏ mong muốn Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình thí điểm mô hình học tập trải nghiệm ở Công viên cho học sinh nhằm góp phần truyền cảm hứng sáng tạo và nghị lực phấn đấu, khắc phục một số vấn đề tâm lý cho các em theo từng lứa tuổi...

GS.TS Nguyễn Thị Hoàng Yến - nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục: Công viên có những câu chuyện thật, những hiện vật thật kể về cuộc đời các nhà khoa học với những đóng góp thật. Sự thật luôn có sức mạnh tối thượng, tác động vào niềm tin và cảm xúc của học sinh nói riêng và chúng ta nói chung.

GS.TS.AHLĐ Nguyễn Anh Trí - Chủ tịch Hội đồng cố vấn MEDLATEC Group - Đơn vị đầu tư toàn diện cho MEDDOMMEDDOM tự hào về sự “giàu có” di sản nhà khoa học. MEDDOM quyết tâm thực hiện mục tiêu đưa Công viên trở thành địa điểm tổ chức các hoạt động trải nghiệm, phát huy hiệu quả tiềm năng di sản các nhà khoa học Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: ITN

Cách cảm thụ một câu thơ hay

GD&TĐ - Nhà thơ sáng tạo nên câu thơ hay bằng cách nào? Người đọc cảm thụ câu thơ hay cần chú ý những phương diện sáng tạo nghệ thuật nào của nhà thơ?
Nhiều nhà tuyển dụng e ngại làm việc với “gen Z” vì sự khác biệt thế hệ.

'Gen Z' và 'mác' lười biếng

GD&TĐ - Trên một số diễn đàn, hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm làm việc, nhiều nhà tuyển dụng, quản lý cho biết cảm thấy khá e ngại khi làm việc với thế hệ trẻ...