Đây cũng là dịp để Trường Đại học Nguyễn Tất Thành chia sẻ, trao đổi về công tác kiểm định chất lượng AUN và chất lượng giáo dục quốc tế với các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực.
Tại buổi hội thảo, ông Jonhson Ong Chee Bin giới thiệu khái quát về nền công nghiệp trải qua các thời kỳ phát triển, từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất dần dần tiến tới một một cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ ở một số nước trên thế giới.
Nền công nghiệp 4.0 liên quan đến Internet của vạn vật (loT), nơi con người, sự vật và máy móc được kết nối khắp nơi để sản xuất hàng hoá và dịch vụ mang tính cá thể hóa. Có thể nói, nền công nghiệp 4.0 có sức ảnh hưởng trực tiếp đến từng cá thể, gia đình, doanh nghiệp và đặc biệt chịu ảnh hưởng lớn nhất chính là môi trường giáo dục - nơi trực tiếp đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho công nghiệp 4.0.
Ông Jonhson Ong Chee Bin cho biết thêm, giáo dục 4.0 là một mô hình giáo dục thông minh, liên kết chủ yếu giữa các yếu tố nhà trường – nhà quản lý – nhà doanh nghiệp tạo điều kiện cho việc đổi mới, sáng tạo và năng suất lao động trong xã hội tri thức. Đồng thời thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của giảng viên, sinh viên; Tạo điều kiện cho hợp tác giữa đại học và công nghiệp; Gắn kết cùng các nỗ lực phát triển kinh tế khu vực và địa phương…
Tiếp cận thông tin về đại học 4.0, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng – Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã giao nhiệm vụ cho các đơn vị tích cực tìm hiểu, đề xuất các giải pháp phù hợp để phát triển chương trình giảng dạy, những kỹ năng mới và chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo đảm bảo cho thế hệ mới khả năng làm chủ thông tin, làm chủ công nghệ và quản lý sự thay đổi; thúc đẩy được tinh thần sáng tạo và khởi nghiệp.
Hiệu trưởng nhà trường cũng nhấn mạnh: “Trong xu thế của nền công nghiệp 4.0, đòi hỏi một nguồn nhân lực 4.0, trường Đại học Nguyễn Tất Thành cần đẩy mạnh phát triển theo chuẩn mô hình giáo dục 4.0 để đào tạo ra một thế hệ 4.0.”