Mở đường STEM lên miền núi

GD&TĐ - Ở nhiều thành phố lớn, khái niệm "giáo dục STEM" dường như mới chỉ xuất hiện trong từ điển của những người cấp tiến. Tuy nhiên, câu chuyện thành thị đó lại sắp trở thành "chuyện thường ngày ở huyện" tại Hà Giang - nơi địa đầu Tổ quốc.

Một buổi học STEM cho các em nhỏ vùng dân tộc thiểu số
Một buổi học STEM cho các em nhỏ vùng dân tộc thiểu số

3 thách thức trong việc áp dụng STEM ở vùng khó

Tại một số hội thảo khoa học về giáo dục STEM trong Chương trình giáo dục phổ thông mới và bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhiều chuyên gia chỉ ra ba thách thức lớn trong việc áp dụng giáo dục STEM ở nông thôn và miền núi, đó là: Cơ sở vật chất (thiếu tài liệu, thiết bị, phòng thí nghiệm...), nguồn lực con người (giáo viên kiêm nhiệm nhiều bộ môn và không được đào tạo chuyên sâu về STEM, ít giáo viên giỏi) và mức sống của các gia đình nói chung.

Nguồn lực từ Nhà nước rất hạn chế khiến cho việc thực hiện giáo dục STEM trên phạm vi rộng gặp nhiều khó khăn. Trong khi phần lớn học sinh ở các trường tại Hà Nội và TPHCM còn chưa được mục sở thị những thiết bị hiện đại như máy in 3D và robot STEM thì với trẻ em nông thôn và miền núi, câu chuyện đó lại càng xa vời.

Địa phương đầu tiên đưa STEM đến vùng khó

Tuy nhiên, mùa hè năm nay, giáo dục STEM chính thức được triển khai tại Hà Giang thông qua dự án “STEM on the Move: Supporting Rural and Minority Children Advancing Through Meaningful Educational Programs”.

Đây là dự án thí điểm nhằm hỗ trợ trẻ em nông thôn và vùng dân tộc thiểu số thông qua các hoạt động giáo dục giàu ý nghĩa do Đại sứ quán Mỹ tài trợ và được triển khai với đối tác là Trung tâm Giáo dục Cộng đồng TP Hà Giang.

Đại diện nhóm dự án, ông Nguyễn Thành Hải (Viện Nghiên cứu giáo dục STEM - ReSTEM Institute, Đại học Missouri, Mỹ), cho rằng thực trạng giáo dục STEM ở Việt Nam hiện nay cho thấy sự tập trung ở các thành phố lớn, với hình thức chủ yếu là các sự kiện và ngày hội để phổ biến về STEM. Câu chuyện giáo dục STEM mới chỉ bắt đầu, và những người làm giáo dục vẫn đang tìm kiếm câu trả lời cho một chương trình bài bản và linh hoạt để có thể triển khai trên diện rộng. Với dự án “STEM on the move”, Hà Giang là địa phương đầu tiên đưa một chương trình giáo dục STEM hoàn thiện đến với vùng miền có hoàn cảnh khó khăn tại Việt Nam.

Theo bà Hoàng Diệu Thuý - Giám đốc Trung tâm Giáo dục Cộng đồng TP Hà Giang, sự chênh lệch lớn về cơ hội giữa các vùng miền cho thấy nhu cầu phát triển giáo dục STEM ở miền núi càng trở nên bức thiết. Địa phương nào cũng đề cao phát triển nguồn lực con người bởi đó là yếu tố tiên quyết để phát triển kinh tế - xã hội. Về khía cạnh gia đình, bậc phụ huynh nào, dù ở đồng bằng hay vùng cao, cũng đều mong muốn con cái mình có cơ hội học tập tốt nhất.

Tuy nhiên, giáo viên và học sinh vùng cao luôn phải nỗ lực nhiều hơn để có thể duy trì chương trình giảng dạy và học tập dưới điều kiện tự nhiên khắc nghiệt và cơ sở vật chất nghèo nàn. Những định kiến về mục đích của học tập (học để thi đỗ và lên lớp) cũng khó thay đổi hơn trong môi trường văn hoá - xã hội ở miền núi. Sự phân hoá trong xã hội càng có cơ hội phát triển mạnh mẽ nếu địa phương không sớm mạnh dạn thử nghiệm mô hình giáo dục mới.

Lời giải cho bài toán STEM ở miền núi

Lời giải cho bài toán STEM ở miền núi phụ thuộc rất nhiều vào cách tư duy đúng đắn về mô hình giáo dục này. Mặc dù liên quan nhiều đến kiến thức thuộc bốn lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học nhưng mục đích chính của giáo dục STEM không phải để biến học sinh thành nhà khoa học, mà chính là truyền cảm hứng sáng tạo và vận dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề của cuộc sống. Các chủ đề của giáo dục STEM rất đa dạng và gắn với môi trường sống xung quanh chứ không chỉ tập trung vào lập trình và lắp ráp robot như một số quan niệm hiện nay.

“Đắt đỏ” nhất khi triển khai giáo dục STEM là yếu tố con người. “STEM on the move” tập trung trước tiên vào công tác đào tạo và bồi dưỡng giáo viên tại địa phương, bởi họ chính là những người đóng vai trò quan trọng nhất trong việc tổ chức, hướng dẫn học sinh khám phá khoa học, đặt câu hỏi gợi mở, liên hệ thực tế cuộc sống và truyền cảm hứng qua các trò chơi sáng tạo. Đối với cơ sở vật chất, khi tìm được các nguồn lực hỗ trợ trong tương lai, địa phương có thể từng bước bổ sung các thiết bị hiện đại như máy in 3D, hệ thống pin năng lượng mặt trời, hệ thống turbine sử dụng sức gió, phòng thí nghiệm sinh - hóa học, thiết bị bay điều khiển từ xa...

Theo cách hiểu này, miền núi và nông thôn có những thuận lợi đặc thù mà không thành thị nào có được, đó là môi trường tự nhiên gần gũi và cơ hội tiếp cận STEM gắn với thực tế cuộc sống. Tại Hà Giang, các vấn đề nông nghiệp, vệ sinh sức khỏe cộng đồng hay du lịch vùng cao là những bối cảnh rất đặc trưng để truyền đạt kiến thức về STEM như cây trồng, vật nuôi, vi sinh vật, hệ thống tưới tiêu, hệ thống năng lượng, hệ thống thông tin du lịch, mô hình triển lãm đồ thủ công mỹ nghệ...

Phần lớn chương trình giáo dục STEM có thể tận dụng cơ sở vật chất có sẵn ở các trường bình thường tại Hà Giang. Nhiều nội dung dạy học tốn rất ít hoặc gần như không tốn chi phí nào (ví dụ: Đi thăm trang trại để rèn kỹ năng quan sát, phân tích và đánh giá, hoặc tận dụng hộp giấy, vỏ chai để thiết kế hệ thống trồng cây thủy canh tại nhà...).

Nhiều chuyên gia giáo dục tỏ ra lạc quan về việc triển khai giáo dục STEM, mà minh chứng là thành công bước đầu ở những ngôi trường làng tại huyện Thanh Chương (Nghệ An) và Thái Thuỵ (Thái Bình). Tuy nhiên, ông Nguyễn Thành Hải cũng bổ sung rằng giáo dục STEM hướng đến phát triển chiều sâu của con người, không chỉ dừng lại ở “thực làm” (hands-on) mà là chú trọng đến “thực trí” (minds-on). Không có công thức chung duy nhất để dạy cho tất cả học sinh, mà thay vào đó là cách tiếp cận linh hoạt tuỳ vào từng điều kiện môi trường và con người cụ thể. “STEM on the move” được triển khai thí điểm thành công ở Hà Giang sẽ mở ra cơ hội lớn trong việc áp dụng tại các vùng miền có các điều kiện và hoàn cảnh tương tự.

Giáo dục STEM trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng cần thiết ở các lĩnh vực khoa học (Science), công nghệ (Technology), kỹ thuật (Engineering) và toán học (Math). Sự tích hợp và bổ trợ liên ngành giúp người học thấu hiểu cả lý thuyết lẫn thực hành để hướng đến mục đích cao nhất là phát triển con người phù hợp với nhu cầu nhân lực của thời đại mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ