Thầy giáo Nguyễn Đức Quang, nhà sáng lập và điều hành Trường Spring Hill (huyện Quốc Oai, Hà Nội): Để trẻ đến trường được vui – khỏe – an toàn
Hai năm qua, dịch bệnh bùng phát, học sinh trên toàn quốc phải học ở nhà qua hình thức trực tuyến. Khi trường mở cửa lại, các em chỉ có một thời gian ngắn ở trường rồi tiếp tục nghỉ hè. Do vậy, việc mở cửa trường học để trẻ có sân chơi, gặp mặt bè bạn trong những ngày hè rất phù hợp với nhu cầu của nhiều phụ huynh hiện nay.
Nhiều người cho rằng, mở cửa trường học là bắt học sinh học hè nhưng chúng ta cần hiểu mở cửa trường học dịp hè là mở rộng sân chơi cho học sinh, giúp các em có chỗ chơi an toàn, lành mạnh và có nhiều hoạt động tập thể bổ ích để rèn luyện kỹ năng.
Để làm được điều này, nếu trường có đông học sinh, nhà trường cần bố trí khung thời gian, cấu trúc các trò chơi để có sự xen kẽ giữa các hoạt động. Không biến kỳ nghỉ hè thành lớp học.
Bên cạnh đó, vấn đề kinh phí duy tu cơ sở vật chất, đào tạo kỹ năng tổ chức hoạt động hè, hoạt động vui chơi cho giáo viên, nhân viên nhà trường cũng cần được tính toán. Hàng năm, khi học sinh nghỉ hè cũng là lúc giáo viên được nghỉ ngơi bên gia đình hoặc làm thêm các công việc khác để tăng thu nhập. Do đó, việc huy động giáo viên trong dịp hè nên dựa trên tinh thần tự nguyện, chủ động và phân bổ nguồn kinh phí hỗ trợ phù hợp.
Tại Trường Spring Hill, chúng tôi thường tổ chức cho học sinh các trò chơi mang tinh thần đồng đội trên nền tảng các trò chơi vận động, dân gian, đa giác quan. Thí nghiệm khoa học, thí nghiệm STEM, tô màu, làm đồ thủ công, đồ tái chế hoặc các trò chơi vận động, trò chơi phát triển trí tuệ cảm xúc – xã hội cũng là những hoạt động được trẻ em yêu thích.
Chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh. Ảnh: NVCC |
Chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh, Công ty tham vấn tâm lý Mạnh Linh School Psychology: “Ngắm” trường học trong góc nhìn mới
Từng làm chuyên viên tâm lý trong nhà trường, tôi thấy rằng, việc mở cửa trường học vào dịp hè sẽ mang lại nhiều tác động tích cực đối với sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của học sinh. Các em sẽ giữ được thói quen đến trường, các ý niệm về trường lớp, bạn bè và thầy cô được duy trì củng cố. Vì vậy, khi vào năm học, các em không phải “lấy đà” để bứt ra khỏi hoạt động “nghỉ hè”.
Đặc biệt, học sinh sẽ được trải nghiệm một khía cạnh mới của khái niệm trường lớp, thầy cô, học tập, vui chơi... Từ đó, giúp các em có góc nhìn đa chiều và tinh thần thoải mái.
Tuy nhiên, tâm lý của đa số học sinh là muốn được “xả hơi” sau thời gian dài học tập và thích khám phá những điều mới mẻ. Vì vậy, để kích hoạt sự tò mò, ham thích của trẻ bằng hoạt động trong trường sẽ gặp nhiều khó khăn.
Cha mẹ nên hiểu rõ nhu cầu của con và làm tốt khâu sàng lọc trước khi đăng ký cho con đến trường dịp hè. Gia đình hãy thảo luận cùng con, dẫn giải để con hiểu đúng về hoạt động này và tránh để con có suy nghĩ “bị ép buộc”.
Về phía nhà trường, giáo viên cần nắm bắt về tâm lý lứa tuổi của học sinh. Dù là hoạt động vui chơi, thầy cô cũng nên xây dựng chương trình rõ ràng, khoa học theo bài, theo buổi, theo tuần... hoặc xây dựng bộ kĩ năng sống cho nhà trường để giáo viên cùng thực hiện.
Mở cửa trường học dịp hè nên là là hoạt động tự nguyện chứ không nên bắt buộc. Đây là chương trình dài hơi và cần có sự đồng bộ trong công tác tổ chức và cố vấn là chuyên gia tâm lý trường học.
Cô Trần Thị Thúy Hà – Trưởng phòng GD&ĐT quận Hải Châu, TP Đà Nẵng: Phối hợp cùng “xây” mùa hè cho trẻ
Mở cửa trường học ngày hè trước hết cần chủ trương từ các cấp lãnh đạo. Theo sau là sự chủ động, linh hoạt sáng tạo của cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục trong việc xây dựng kế hoạch, lựa chọn mô hình phù hợp và là lợi thế của nhà trường.
Khi xây dựng kế hoạch, thầy cô nên xét trên nhân lực, cơ sở vật chất, công tác phối hợp với địa phương, đặc điểm của từng vùng miền... Đóng vai trò quan trọng, khâu tổ chức hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của học sinh, phụ huynh sẽ thu hút đông đảo học sinh tham gia.
Bên cạnh đó, công tác truyền thông cũng góp phần lớn để tạo nên kết quả của các hoạt động mở cửa trường học ngày hè. Nhà trường cử giáo viên Tổng phụ trách Đội tham gia phối hợp cùng Đoàn Thanh niên địa phương xây dựng chương trình sinh hoạt hè, sử dụng sân bãi có sẵn.
Trước thời gian nghỉ hè, các trường chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện trên cơ sở cân đối nhân lực và nguồn kinh phí xã hội hóa. Trong đó, giáo viên đăng ký tham gia trên tinh thần tự nguyện.
Về phía Phòng GD&ĐT quận Hải Châu, từ ngày 24 – 26/6, chúng tôi tổ chức hội trại tại biển Tiên Sa với quy mô 500 học sinh tiểu học và THCS. Giáo viên, Tổng phụ trách Đội và phụ huynh sẽ cùng tham dự vừa trải nghiệm cùng con cái, vừa theo dõi sát sao, đảm bảo an toàn cho các con khi tham gia hoạt động ngoài trời.
Ngoài ra, Đoàn Thanh niên của 13 phường trên địa bàn quận phối hợp với Tổng phụ trách Đội, Đoàn trường tổ chức các hoạt động sinh hoạt hè cho học sinh. Đoàn Thanh niên là đơn vị tổ chức hoạt động, hướng dẫn học sinh còn giáo viên nhà trường tham gia hỗ trợ, quản lý và đảm bảo an toàn cho các con. Sự phối hợp nâng cao hiệu quả, chất lượng của sinh hoạt câu lạc bộ và tăng nguồn nhân lực, vật lực tổ chức hè vui khỏe cho học sinh.
“Hoạt động vui chơi, sinh hoạt câu lạc bộ trong dịp nghỉ hè cần được tổ chức đa dạng, đáp ứng sở thích và nhu cầu khám phá của học sinh. Tại quận Hải Châu, trường học sẽ mở cửa thư viện trong tuần để học sinh đến đọc sách. Riêng các trường tiểu học tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ như đàn, nhảy, tin học, robotic, bóng bàn, bóng rổ và câu lạc bộ Toán, Tiếng Việt... Học sinh đăng ký tham gia theo sở thích nhằm rèn luyện sức khỏe” – cô Trần Thị Thúy Hà chia sẻ.