Các nhà khoa học phát hiện khu vực mộ Chúa Jesus bên trong nhà Mộ Thánh ở Jerusalem có nguy cơ sụp đổ cao, International Business Times hôm qua đưa tin.
"Khi đổ xuống, sự phá hủy sẽ không diễn ra từ từ mà là một thảm họa", Antonia Moropoulou ở Đại học Công nghệ Quốc gia Athens, trưởng giám sát các cuộc khai quật, cho biết.
Khu vực được đưa vào tôn tạo từ năm 2016 và ngôi mộ được mở lần đầu tiên vào tháng 10 năm ngoái. Nhóm chuyên gia cho biết cần tiếp tục tôn tạo để ngăn công trình sụp đổ.
Nguyên nhân mộ Chúa Jesus dễ bị sụp đổ là do ngôi mộ và phòng thờ bao quanh được xây dựng trên nền móng không vững chắc tạo thành từ đống đổ nát của những đền thờ và công trình khác bị phá hủy qua nhiều thế kỷ ở khu vực. Mỗi cột trụ chống đỡ cho phòng thờ nặng khoảng 22 tấn.
Cách đây khoảng 2.000 năm, khu vực này là một mỏ đá vôi cũ. Một đền thờ La Mã được xây dựng vào thế kỷ 2 và sau đó bị phá hủy theo lệnh của hoàng đế Constantine. Công trình mới do Constantine dựng lên cũng bị phá hủy một phần và sau đó tôn tạo lại vào thế kỷ 16 và 19.
Kết quả là ngôi mộ hiện nay nằm trên lớp đất dễ lung lay chồng chất từ tàn dư của vài công trình bị phá hủy. Các phân tích bằng radar xuyên đất và camera gắn trên robot chỉ ra tính kém bền vững của tầng đá vụn bên dưới ngôi mộ. Mỏ đá vôi cổ cũng có thành dốc và thoải, tạo thành một phần móng của công trình ngày nay.
Những đường ống cống bên dưới phòng thờ khiến móng công trình bị ẩm ướt, dẫn đến hiện tượng rạn vỡ. Một mạng lưới đường hầm không rõ nguồn gốc cũng chạy thẳng qua dưới chân mộ.
Các nhà khoa học phục dựng phòng thờ Edicule, công trình che phủ bảo vệ ngôi mộ, cho biết khu vực bên dưới mộ có thể sẽ được mở ra để di dời và thay thế lớp đá vụn. Quá trình này sẽ kéo dài 10 tháng với chi phí khoảng 6,5 triệu USD.