Mở chiến dịch xử lý vi phạm nồng độ cồn khi lái xe

Mở chiến dịch xử lý vi phạm nồng độ cồn khi lái xe

Ngày 1/10, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia phát động chiến dịch tuyên truyền và tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm quy định nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ. Hai khẩu hiệu của chiến dịch là “Đã uống rượu, bia - Không lái xe”, “Uống rượu, bia và lái xe - Giá đắt phải trả”.

 

Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết: Chiến dịch sẽ được thực hiện từ hôm nay (1-10) đến hết năm, theo đó, các lực lượng chức năng sẽ kết hợp tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, cưỡng chế và truyền thông làm thay đổi nhận thức của người tham gia giao thông.

Đây là 1 trong 12 nội dung quan trọng của Chính phủ nhằm kiềm chế và giảm thiểu TNGT đường bộ và chiến dịch sẽ thực hiện thống nhất từ trung ương, các bộ ngành, tổ chức chính trị - xã hội đến địa phương, tạo đồng thuận mạnh mẽ trong xã hội.

Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Trọng Thái cho biết: Mục đích của chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức của người tham gia giao thông về quy định nồng độ cồn đối với lái xe, nâng cao năng lực và khả năng phối hợp của các cấp, các ngành, tạo thành thói quen, ý thức tự giác chấp hành quy định của pháp luật về nồng độ cồn...

Ủy ban sẽ phối hợp các cơ quan chức năng và địa phương tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật; các biện pháp phòng chống vi phạm nồng độ cồn tại các doanh nghiệp (DN) vận tải. Đồng thời, mở các đợt tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với lái xe; thí điểm tuần tra, kiểm soát nồng độ cồn, áp dụng kinh nghiệm quốc tế tại Quảng Ninh.

Ủy ban ATGT Quốc gia cũng sẽ tập huấn, tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý vận tải về vấn đề này, tổ chức các hội thảo bàn về trách nhiệm của DN, nhà sản xuất đồ uống có cồn trong việc sản xuất, kinh doanh, buôn bán...

Theo một nghiên cứu, mức tiêu thụ bia bình quân đầu người ở nước ta gần 30 l/năm, lượng tiêu thụ (từ năm 2011 đến 2016) sẽ tăng bình quân mỗi năm 10%, đứng đầu Đông - Nam Á và đứng thứ tư ở châu Á, sau Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Khảo sát, đánh giá tại một số bệnh viện lớn, có hơn 30% các ca tử vong giao thông đường bộ và 60% bệnh nhân chấn thương nhập viện có nồng độ còn trong máu vượt quá giới hạn cho phép. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định, uống rượu, bia là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn tới thương tích đường bộ tại Việt Nam.

Theo Nhân dân

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ