Cuộc Đổi mới căn bản và toàn diện nền GD theo Nghị quyết T.Ư 8 khóa XI đang được triển khai. Việc cập nhật ý tưởng của thời đại là rất cần thiết cho việc phát triển sự nghiệp GD nói chung và khoa học GD nói riêng của đất nước trong động thái đi vào sự hội nhập.
Song dù có tiếp cận lý thuyết bằng những ngôn từ hiện đại đến đâu thì trước hết phải quán triệt được lời dạy, minh triết GD của Bác.
“Dục tốc bất đạt” và “Tăng tốc tất đạt”
Thường có lời khuyên đặc biệt cho người quản lý: “Dục tốc bất đạt”. Câu này có hàm ý: Muốn nhanh thì khó thành công. Cũng dễ hỏng việc nếu đó là sự nhanh nhảu đoảng.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa khi làm việc lại có tác phong lề mề, chậm chạp hoặc đắn đo cân nhắc một cách thái quá. Người quản lý cần có tí chút “mạo hiểm” trước các quyết định. Trong bối cảnh quản lý hiện đại có lời bàn “liều một tí”, “liều trong sự tỉnh táo”!
Song song lời bàn trên còn có lời bàn “Tăng tốc tất đạt”. Câu này có hàm ý: Khi tình thế công việc gần tới điểm “tới hạn”, lúc này chỉ cần dấn lên một tí thì công việc thành công.
Thí dụ đun nước tới 98oC, nếu để lửa “lom rom” thì khó dùng để pha trà, lúc này chỉ cần dấn lên với vài mồi lửa mạnh, nước sẽ chuyển thành 99o, 100oC và có thể yên tâm pha trà.
Nói chung sự “tăng tốc tất đạt" bao giờ cũng là kết quả của sự biết kết hợp, nỗ lực chủ quan và nắm bắt đúng xu thế khách quan của động thái sự vật.
16 điều nền tảng cho “Tăng tốc tất đạt”
Trong một số giáo trình quản lý giáo dục thường nêu ra 16 điều là nền tảng cho logic tư duy hành động đối với người điều hành.
Chẳng hạn như:
Phân tích tình hình: Nhận biết được tình hình chủ quan và hoàn cảnh khách quan đối với đơn vị mình. Đó là việc tìm ra điểm mạnh, điểm yếu, thuận lợi, khó khăn của sự phát triển.
Xác định nhu cầu: Cần xác định được nhu cầu trước mắt, nhu cầu lâu dài, nhu cầu tất yếu, nhu cầu nguyện vọng.
Hoạch định chính sách phát triển: Đó là việc tìm ra hệ mục tiêu và giải pháp cho sự phát triển đơn vị trên cơ sở các kiến giải đúng đắn do kết quả sự phân tích SWOT. Cụ thể hóa thành nhiệm vụ.
Kế hoạch hóa: Gắn nhiệm vụ đặt ra vào trục thời gian.
Chọn lựa các chiến lược hành động: Về đại thể có 4 chiến lược. Nếu chủ quan yếu, khách quan khó khăn thì “Chiến lược hành động là: Ổn định”; Nếu chủ quan mạnh, khách quan khó khăn thì “Chiến lược hành động là: Ổn định - Thành công”; Nếu chủ quan yếu, khách quan thuận lợi thì “Chiến lược hành động: Ổn định - Tăng trưởng”; Nếu chủ quan mạnh, khách quan thuận lợi thì “Chiến lược hành động tăng tốc phát triển”.
Cùng đó, cần nhận biết các chuẩn, mức mà đơn vị phải tuân thủ; phát hiện nguồn lực đơn vị có thể khai thác; Huy động nguồn lực để phát hiện; Xây dựng các tổ chức mềm theo nguồn lực huy động được; Phân phối nguồn lực cho các tổ chức để kiến tạo; Triển khai nhiệm vụ vào thực tiễn; Chỉ đạo, chỉ huy công việc; Giám sát kiểm tra tiến độ thực hiện; Đánh giá (lượng giá) kết quả cuối cùng; Phản hồi tới người thừa hành, đối tác, cấp trên.
“Minh triết vận trù” đảm bảo vàng cho “tăng tốc tất đạt”
Trong tác phẩm Ngục trung nhật ký (Nhật ký trong tù) viết năm 1944, Bác có bài thơ Học dịch kỳ (Học đánh cờ). Bài thơ ngắn chỉ có 12 câu song có thể coi là một “Đại giáo khoa” có tính hiện đại cho người cán bộ quản lý.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua chuyện đánh cờ để nói về công việc của người quản lý với yêu cầu phải biết “Vận trù” trong tư duy hành động. Đây là nét đặc sắc của bài thơ, cũng có thể coi là Minh triết của công việc quản lý.
Người quản lý phải biết kết hợp hài hòa sự trù liệu và sự vận động trong công việc. Trù liệu tốt mà không năng động thì khó thành công. Tuy nhiên, năng động mà không biết trù liệu và phán đoán thì hoạt động cũng ít kết quả.
Chúng tôi xin được nói về câu dịch: “Tấn công phòng thủ không sơ hở”. Câu dịch này đã làm mất cụm từ “vận trù” trong nguyên tác của tác giả: “Công thủ vận trù vô lậu toán”. Đáng lẽ phải dịch “Công thủ vận trù không sơ hở”.
“Vận trù” còn được Bác nói đến một lần nữa vào những ngày cuối đời. Ngày 30/7/1969, tiếp nhà Toán học Hoàng Tụy đến báo cáo “Dự án vận trù học” phân phối hàng hóa để góp phần giải quyết chen chúc trước các cửa hàng, Người khuyên nên tìm cách diễn đạt “Vận trù học” cho dễ hiểu ở Việt Nam.
Người cho biết, Trương Lương (chiến lược gia của Lưu Bang Hán Cao Tổ) đã nói câu: “Vận trù ư duy ác chi trung/ Quyết thắng ư thiên lý chi ngoại” - (Ngồi trong màn trướng biết vận trù để chiến thắng ngoài ngàn dặm).
Người nói thêm: “Vận trù cũng là tham mưu. Bộ đội ta có nhiều người không học tính toán được nhiều mà làm vận trù cũng khá là nhờ cái này. Rồi Người chỉ vào trái tim mình” (Tư liệu Biên niên tiểu sử, tập 10, trang 385).
Điều mà Bác Hồ nói với nhà Toán học Hoàng Tụy là vấn đề thông minh cảm xúc (EQ). Đây là sự thông minh rất cần thiết của cán bộ quản lý. Cán bộ quản lý giáo dục không phải chỉ có thông minh trí tuệ (IQ) mà còn cần có thông minh cảm xúc (EQ) trong điều hành chỉ đạo hoạt động nhà trường.
Vận dụng minh triết của Bác trong đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT
Cuộc Đổi mới căn bản và toàn diện nền GD theo đường lối của Đại hội Đảng lần thứ 11 đang được triển khai. Có những tiếp cận mới, quan điểm mới đang được tiếp nhận vào việc thực hiện chiến lược GD 2011 - 2020. Thí dụ đưa việc dạy học chuyển từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực.
Việc cập nhật ý tưởng của thời đại là rất cần thiết cho việc phát triển sự nghiệp GD nói chung và khoa học GD nói riêng của đất nước trong động thái đi vào sự hội nhập.
Song dù có tiếp cận lý thuyết bằng những ngôn từ hiện đại đến đâu thì trước hết phải quán triệt được lời dạy, minh triết GD của Bác.
Bác từng tha thiết mong mỏi phát triển “một nền GD nó sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền GD làm phát triển hoàn toàn năng lực sẵn có của các em” (Toàn tập, tập 4, trang 32).
Người luôn luôn nhắc nhở các nhà trường: “Thầy siêng dạy, trò siêng học”/“ Thầy dạy tốt, trò học tốt”/“Thầy quí trò, trò kính thầy”.
Và điều chủ yếu người yêu cầu: “Dạy cái gì, dạy thế nào để học trò hiểu chóng, nhớ lâu, tiến bộ nhanh. Dạy và học cần phải theo nhu cầu của dân tộc, của nhà nước. Đó là nhiệm vụ vẻ vang của các thầy giáo, cô giáo” (Toàn tập, tập 8, trang 138).
Xây dựng phát triển nền GD thân dân: GD của dân, vì dân, do dân... Sửa đổi chế độ GD cho thích hợp với hoàn cảnh mới của đất nước; Tổ chức được nhà trường lao động vừa dẫn dắt trí tuệ nhân dân cộng đồng, vừa hòa hợp được trái tim của nhân dân cộng đồng đó là minh triết GD Bác Hồ đã nêu ra mà mỗi cán bộ GD trong cuộc đổi mới hôm nay phải gắng sức hiện thực vào cuộc sống.
Những điều Bác Hồ nêu ra dù đã lùi xa 65 năm vẫn còn giữ nguyên tính thời sự trong cuộc sống hôm nay. Những thách thức của đất nước về địa chính trị, địa khí hậu đang yêu cầu phải kiến tạo được một nền giáo dục phổ thông đào tạo được những con người có nhân cách “Nhân - Nghĩa - Trí - Dũng - Liêm”, phải tổ chức được nhà trường mà ở đó quá trình giáo dục: “ Học đi với lao động - Lý luận đi với thực tiễn - Cần cù đi với tiết kiệm”.
Chương trình - Sách giáo khoa trong cuộc đổi mới lần này phải thúc đẩy để các nhà trường là vầng trán của cộng đồng, dẫn dắt trí tuệ của nhân dân nhưng đồng thời còn hòa hợp được trái tim của toàn xã hội, tạo nên sự đồng thuận của mọi người vào mục tiêu xây dựng xã hội dân chủ, công bằng và văn minh, đẩy lùi “lười biếng, tham nhũng, phù hoa, xa xỉ” - như điều Bác Hồ từng mong mỏi.