Điều này cho thấy tính minh bạch, dân chủ và đòi hỏi phát huy vai trò, trách nhiệm của từng thành phần trong việc chọn ra một bộ SGK phù hợp nhất cho HS.
Cha mẹ sẽ biết con học gì?
Bà Nguyễn Thanh Hà – Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp 8A7 Trường THCS Đống Đa - Hà Nội cho rằng: Việc đại diện Ban đại diện cha mẹ HS của cơ sở GD phổ thông được tham gia vào thành phần lựa chọn SGK của lớp vô cùng quan trọng và thể hiện tính công bằng, minh bạch. Mặt khác, người tham gia nhất định phải có sự tìm hiểu, hiểu biết, phát huy trách nhiệm cao bởi điều đó không chỉ ảnh hưởng đến quá trình dạy học của GV mà quyết định con em mình nhận được kiến thức, kĩ năng gì trong học tập.
Trước khi tham gia, người đại diện cần dành thời gian để tìm hiểu những thông tin về SGK mới, cùng trao đổi lắng nghe và tham khảo ý kiến của những phụ huynh khác. Quá trình tham gia lựa chọn, không những cần lắng nghe cảm nhận mà còn dám đưa ra ý kiến phản biện riêng. Không nên chỉ xuất hiện cho đủ thành phần hoặc quyết định theo sự nể nang, chỉ đạo ngầm… Phát huy được vai trò trách nhiệm của đại diện Ban đại diện CMHS là việc cần thiết để lựa chọn ra bộ sách tốt nhất cho HS.
Cũng tán thành với việc tham gia của đại diện Ban đại diện cha mẹ HS trong hội đồng lựa chọn SGK, anh Nguyễn Xuân Thanh có con học lớp 1 và lớp 6 Trường Tiểu học Quỳnh Mai và THCS Quỳnh Mai – Hai Bà Trưng (Hà Nội) bày tỏ: Trước nay, con bước vào năm học mới chỉ biết đi mua SGK mà ít khi để ý con sẽ học kiến thức gì, đạt được những kĩ năng nào qua SGK. Chính vì vậy, đôi khi việc theo dõi những kết quả học tập của con còn rất hạn chế và thậm chí “dựa” vào các thầy cô giáo tại trường.
Phát huy được vai trò trách nhiệm của đại diện Ban đại diện CMHS là việc cần thiết để lựa chọn ra bộ sách tốt nhất cho HS. Ảnh minh họa/ INT |
Khi việc chọn SGK đòi hỏi có trách nhiệm nghĩa vụ của phụ huynh HS trong đó, chắc chắn dù ít thời gian cũng sẽ quan tâm SGK đó của NXB nào? Có ưu điểm gì so với các SKG khác? Từ việc phân tích tìm hiểu nhất định cũng biết được SGK nào phù hợp với năng lực, mong muốn học tập của con em mình.
Thể hiện tính dân chủ, minh bạch
Nói về vai trò của Ban đại diện cha mẹ HS trong thành phần lựa chọn SGK mới từ năm học 2020 - 2021, TS Thái Văn Tài – Vụ trưởng Vụ GD Tiểu học (Bộ GD&ĐT) khẳng định: SGK mới trong Chương trình GD phổ thông 2018 mang xu hướng chương trình mở, SGK mở. Thể hiện ở chỗ các nội dung được thiết kế trong SGK sử dụng các nguồn học liệu mở. Vì vậy SGK viết ra vừa cho GV, HS và các lực lượng xã hội trong đó có phụ huynh HS cùng đồng hành với các con trong học tập.
Mặt khác, xét về vấn đề chuyên môn, cha mẹ cần phải có một phần quyền lợi và trách nhiệm để biết rằng con em mình học gì, các thầy cô đang dạy con em mình học cái gì?
Đặc biệt, sự xuất hiện của Ban đại diện cha mẹ HS trong thành phần lựa chọn SGK thể hiện sự minh bạch và công bằng dân chủ khi SGK là sản phẩm được lựa chọn bởi hội đồng nhà trường, lưu hành với tư cách hàng hóa mà người mua là cha mẹ HS được quyền lựa chọn chính mặt hàng mong muốn. Ban đại diện CMHS trong thành phần lựa chọn SGK thể hiện tính dân chủ, minh bạch cao trong quá trình thực hiện chọn lựa SGK mới.