Minh bạch trách nhiệm giải trình trong tự chủ đại học

GD&TĐ - Trong dòng chảy quản trị hoá (managerialism) các trường đại học như hiện nay, tăng quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình (xin viết tắt TNGT) cho các trường ĐH là một xu thế tất yếu. Trên thế giới nói chung cũng như khu vực châu Á nói riêng, những chính sách về TNGT đã cho thấy hiệu quả trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu cũng như quản trị.

Công khai đội ngũ, nguồn lực của nhà trường đóng vai trò quan trọng trong tự chủ đại học
Công khai đội ngũ, nguồn lực của nhà trường đóng vai trò quan trọng trong tự chủ đại học

Làm rõ những nội dung giải trình

Các nhà khoa học giáo dục đã xác định rõ ba nhóm đối tượng chính mà các cơ sở giáo dục đại học cần có TNGT, đó là: Nhóm sinh viên tương lai và phụ huynh, nhóm cán bộ giảng dạy và nhân viên trong trường, và nhóm quản lý cấp cao hơn như các nhà hoạch định chính sách hoặc các cơ quan tài trợ.

Các cơ sở giáo dục đại học có nghĩa vụ phải trả lời các câu hỏi của Chính phủ cũng như xã hội về các vấn đề như: Nguồn ngân sách Nhà nước cấp cho trường có được sử dụng hiệu quả hay không? Nó có đáp ứng được nhu cầu của học sinh, sinh viên một cách tốt nhất không? Hay những công trình nghiên cứu của nhà trường có đóng góp đáng kể cho xã hội hay không?

Nội dung giải trình thường tập trung vào ba vấn đề chính: Kết quả học tập, chất lượng giảng dạy và nghiên cứu, hoạt động tài chính.

Những thông tin về kết quả học tập bao gồm tỉ lệ tốt nghiệp, thời gian hoàn thành chương trình học, tỉ lệ việc làm và thu nhập sau tốt nghiệp. Đây chính là thông tin mà các sinh viên triển vọng và phụ huynh quan tâm nhất khi quyết định chọn trường đại học, bên cạnh các thông tin về học phí, cơ sở vật chất và môi trường học tập. Các cơ sở giáo dục đại học có trách nhiệm công bố ra công chúng những thông tin này một cách rõ ràng và cụ thể nhất.

Giải trình về chất lượng giảng dạy và nghiên cứu đóng vai trò tối quan trọng trong việc xác định vị thế của trường trong hệ thống giáo dục trong nước và quốc tế. Giải trình về phần này được thực hiện dựa trên những đánh giá về chất lượng học và dạy, về chương trình giảng dạy, về chất lượng của đội ngũ giảng dạy và về chất lượng nghiên cứu.

Các trường đại học công lập được nhận kinh phí hoạt động từ ngân sách Nhà nước, được xây dựng từ tiền thuế của nhân dân hoặc từ các nguồn tài trợ. Do đó, trường đại học công lập có nghĩa vụ giải trình trước các cơ quan quản lý cấp cao hơn... đồng thời trước cả công chúng, những người đã đóng thuế để cấp cho các hoạt động của nhà trường về việc sử dụng những nguồn ngân sách này.

TNGT về tài chính nhằm đảm bảo rằng nhà trường duy trì các nguyên tắc hoạt động của mình đúng với những gì đã hứa hẹn, nguồn ngân sách công được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả và xứng đáng cho sự phát triển của xã hội và nâng cao đời sống của người dân.

Ngoài ra cần đảm bảo rằng quỹ được phân phối một cách công bằng, tiếp cận người sử dụng hoặc người thụ hưởng dự kiến và được sử dụng đúng theo ngân sách. Việc thiếu TNGT về tài chính dẫn đến rò rỉ, quản lý tài nguyên và sử dụng không hiệu quả dẫn tới ảnh hưởng đến chất lượng học tập.

Đảm bảo tính minh bạch

Trong bối cảnh bắt đầu tiến hành phân quyền tự chủ tại các trường đại học ở Việt Nam như hiện nay, cần nhanh chóng xây dựng những bộ chỉ số đánh giá cụ thể, chi tiết nhưng đơn giản, dễ sử dụng nhằm đạt được những kết quả đo đạc hoạt động chính xác và hiệu quả nhất. Các chỉ số hoạt động này có số lượng lớn và thường bao gồm nhiều khía cạnh và liên quan đến nhiều cấp độ khác nhau.

Bên cạnh đó, nên có những bộ chỉ số đánh giá hoạt động khác nhau cho những nhóm trường khác nhau. Các trường đại học cũng cần tiến hành thiết lập bộ chỉ số đánh giá hoạt động riêng của trường mình nhằm xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra của nhà trường, đồng thời đo đạc một cách chính xác hiệu suất hoạt động trong quá trình thực hiện những mục tiêu đó.

Ngoài ra, cơ chế phân bổ ngân sách dựa trên dữ liệu đầu vào (input) như hiện nay của Bộ GD&ĐT cũng nên được thay đổi dựa trên dữ liệu đầu ra (output) được thể hiện qua những báo cáo giải trình của các trường. Có như vậy, mới tăng cường hiệu suất cũng như trách nhiệm nâng cao chất lượng của các đơn vị.

Yếu tố cốt lõi trong việc thực hiện TNGT là đảm bảo tính minh bạch, trong việc đánh giá hoạt động thông qua các phương tiện đánh giá hiệu quả và rõ ràng, trong các hoạt động về tài chính trong sạch và liêm chính... Khi hoạt động của các tổ chức không minh bạch, nó có thể làm tăng chi phí giao dịch, giảm hiệu quả của các dịch vụ công, làm biến dạng quá trình ra quyết định và làm giảm giá trị xã hội.

Một hệ thống minh bạch thúc đẩy sự toàn vẹn và hành vi đạo đức của cán bộ, sẽ cải thiện hoạt động của hệ thống giáo dục. Do đó, thay vì chạy đua thành tích, chú trọng tới số lượng hơn chất lượng, một lần nữa, xin nhấn mạnh vai trò thiết yếu của các dụng cụ đo đạc, kiểm tra và đánh giá các hoạt động dạy và học, hoạt động cơ cấu, tổ chức và tài chính tại các trường đại học.

Chủ trương “ba công khai” của Bộ GD&ĐT chính là một nỗ lực nhằm hướng tới tính minh bạch của TNGT. Nhà trường có trách nhiệm công khai về đội ngũ, về nguồn lực, về mức học phí, báo cáo thường niên và kết quả kiểm định trên trang web của các trường, công lập cũng như tư thục. Tuy nhiên, cần hiểu rõ rằng, mục đích cuối cùng của TNGT không phải là để chứng minh mà là để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

Hoạt động, tính minh bạch và “văn hoá bằng chứng” được xem như là ba thành phần chính làm nên giá trị của TNGT (Leveille, 2005). Để hòa nhập vào dòng chảy của nền kinh tế tri thức hiện nay, muốn nâng cao chất lượng giáo dục và vị thế trên bảng xếp hạng khu vực và quốc tế, bắt buộc chúng ta phải tuân thủ theo những quy tắc quốc tế trong “trò chơi” toàn cầu đầy thách thức này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ