Minh bạch thông tin tiêm cho trẻ nhỏ

GD&TĐ - Việc tiêm chủng cho trẻ nhỏ là cuộc tranh luận lớn ở nhiều nước. Tiêm hay không tiêm là bài toán đau đầu của nhiều bậc phụ huynh.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Tuần này, Chính phủ Nhật Bản bắt đầu vận chuyển vắc-xin Covid-19 cho trẻ em 5 - 11 tuổi tới các thành phố và cơ sở y tế để tiêm cho trẻ nhỏ và đã công khai thông tin để phụ huynh tự đánh giá lợi ích cũng như hạn chế của việc tiêm trong lúc nhiều người còn lưỡng lự.

Nhật Bản mới phê duyệt vắc-xin Pfizer-BioNTech cho trẻ nhỏ hồi tháng Giêng vừa qua, trên cơ sở nghiên cứu lâm sàng mới nhất cho thấy vắc-xin này có hiệu quả 90,7% ngăn ngừa Covid-19. Tuy nhiên, việc nhập vắc-xin này cho trẻ nhỏ đã bị trì hoãn.

Trẻ lứa tuổi này chỉ tiêm 1/3 liều so với trẻ từ 12 tuổi, và sẽ tiêm 2 mũi trong vòng 3 tuần. Tác dụng phụ phổ biến của vắc-xin này là đau người, sốt, mệt mỏi, đau đầu, đau cơ. Ở Mỹ, khoảng 10% trẻ tạm thời không thể đi học do tác dụng phụ và chỉ 1% cần chăm sóc  y tế.

Điều quan trọng là, không như lứa tuổi lớn hơn, trẻ từ 5 - 11 tuổi không bắt buộc phải tiêm bởi Bộ Y tế Nhật Bản nói rằng, chưa có đủ dữ liệu để xác định hiệu quả của vắc-xin Covid-19 với chủng virus Omicron. NHK cho biết, Bộ Y tế Nhật Bản đang kêu gọi các bậc phụ huynh trò chuyện cẩn thận với con mình và tham vấn bác sĩ gia đình trước khi ra quyết định tiêm cho con hay không.

Dù không bắt buộc, song cũng giống như Mỹ và Canada, Bộ Y tế Nhật Bản khuyến cáo trẻ có vấn đề về hô hấp và các bệnh lý tiềm ẩn nên được tiêm, bởi các em có nguy cơ phát triển các triệu chứng Covid-19 nặng hơn.

Vắc-xin được đặc biệt khuyến cáo cho trẻ có bệnh tim bẩm sinh, hô hấp kinh niên hoặc các bệnh lý có thể làm tăng nguy cơ ốm nặng – bởi số ca lây nhiễm trong nước gia tăng đang dẫn tới các triệu chứng Covid-19 nặng cũng gia tăng.

Bộ Y tế Nhật Bản cũng không khuyến cáo tiêm chủng hàng loạt tại trường học, mà sẽ được thực hiện tại các điểm tiêm chủng trong thành phố, hoặc tại bệnh viện theo yêu cầu của từng cá nhân.

Theo khảo sát của Bộ Y tế Nhật Bản, trong tháng 1, có hơn 98 nghìn ca nhiễm trong trường học, từ vườn trẻ tới học sinh trung học, so với chỉ 503 ca trong tháng 12/2021. Con số này vượt qua cả mức đỉnh hơn 37 nghìn ca hồi tháng 8/2021. Virus lây nhiễm trong các gia đình được xem là nguyên nhân hàng đầu.

Hiệp hội Nhi khoa Nhật Bản cho biết, tiêm chủng cho trẻ em 5 - 11 tuổi cũng quan trọng như với trẻ từ 12 tuổi trở lên. Song theo khảo sát của Trung tâm quốc gia về sức khỏe và sự phát triển của trẻ nhỏ hồi tháng 9/2021, cho thấy hơn 70% người giám hộ của học sinh tiểu học và trẻ nhỏ hơn muốn hoặc nghiêng về hướng muốn tiêm cho trẻ, trong khi có khoảng 20% không thấy thuyết phục.

Bộ Y tế Nhật Bản sẽ tăng cường chiến dịch truyền thông để giải thích việc tiêm chủng cho trẻ em. Bác sĩ nhi khoa Kazue Kawakami, Giám đốc Hội Y khoa Tokyo, nói rằng, việc tiêm chủng cho trẻ nhỏ sẽ giúp các trường học tiếp tục mở cửa. Còn với trẻ sống với ông bà, người thân lớn tuổi thì vắc-xin sẽ giúp họ yên tâm và giúp miễn dịch cho chính ông bà.

Việc tiêm chủng cho trẻ nhỏ là cuộc tranh luận lớn ở nhiều nước. Tiêm hay không tiêm là bài toán đau đầu của nhiều bậc phụ huynh.

Sống trong một thế giới có nhiều luồng thông tin trái ngược, nhiều thuyết âm mưu, mỗi chính phủ sẽ có chính sách tiêm chủng mà họ thấy phù hợp và đồng bộ với các hoạt động khác trong nước, mỗi phụ huynh sẽ phải đánh giá dựa trên toàn bộ thông tin và niềm tin họ có.

Tuy nhiên, chính phủ cần có kế hoạch truyền thông xuyên suốt và thích đáng để các bậc phụ huynh hiểu được chính sách của chính phủ và chỉ có như vậy mới không gây xáo trộn không đáng có.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nếu mô hình BT được nghiên cứu kỹ lưỡng, đổi mới, khắc phục những bất cập của giai đoạn trước vẫn có thể phát huy hiệu quả.

Chuyên gia mong 'hồi sinh' hợp đồng BT

GD&TĐ - Nhiều ý kiến gia cho rằng, nếu quy định được đổi mới toàn diện và khắc phục bất cập, thì hợp đồng BT sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả.