“Quỹ đen” để làm gì? Đi nhậu, bao bạn bè hay còn có “cơ sở ngầm” nào khác? Chị Mai (TPHCM) cằn nhằn và lớn tiếng khi vô tình thấy dưới ngăn tủ áo quần của chồng có một khoản tiền gần 15 triệu đồng.
Vợ chồng chị Mai là công nhân từ Hà Tĩnh vào TPHCM lập nghiệp đã gần 5 năm nay. Có với nhau một mặt con, tuy lương công nhân ít ỏi nhưng do chị biết thu vén nên cuộc sống gia đình cũng ổn.
Không biết lương chồng cụ thể là bao nhiêu nhưng chị vẫn nghĩ, làm công nhân thì đa phần lương ai cũng giống nhau, kể cả tăng ca nhiều nhất cũng chỉ hơn 6 triệu đồng/tháng.
Đều đặn nhiều năm qua, mỗi tháng anh đều đưa chị từ 5 - 5,5 triệu đồng/tháng. Chị giữ tiền, anh cũng không thắc mắc chị dùng tiền làm gì…
Chị luôn nghĩ, vợ chồng chị tin tưởng nhau, vậy mà giờ “lòi” ra một cục tiền. Có tiền thì mừng, đằng này chị lại bực dọc vì lâu nay anh giấu chị, lập “quỹ đen, quỹ đỏ”.
“15 triệu đồng này hay còn nhiều nữa, đã cho những ai rồi? Lương hai vợ chồng ngót chục triệu đồng chứ có phải nhiều nhặn gì đâu mà anh cũng lập quỹ?” - Chị nặng lời ngay trong bữa cơm.
Trái ngược với thái độ bực mình của chị, anh im lặng một lúc rồi bảo: “Những lúc đưa con đi học, khi con đói bất chợt, anh phải có tiền để mua quà bánh cho con.
Những lúc nghe mẹ ốm, anh không muốn em phải đau đầu tính toán, anh gửi về biếu mẹ ăn quà. Anh không phải thuộc dạng nhậu nhẹt, chơi bời, nhưng là đàn ông, ai cũng có những mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp.
Uống với nhau cốc bia, anh không thể về nhà hỏi tiền em… Mà tiền đó là tiền anh tăng ca thêm, đôi khi là tiền thưởng của anh. Anh để dành đó, phòng khi có chuyện gì mình không xoay sở kịp”. Nói rồi anh im lặng, chị cũng im lặng.
Theo chia sẻ của chuyên gia tâm lý Nguyễn Tuyết Ánh, kế hoạch chi tiêu tài chính của các gia đình thường bỏ qua một khoản dành cho người vợ, người chồng, mà người ta gọi là “chi phí cá nhân”.
Đây là khoản chi phí cần thiết, hai vợ chồng cần minh bạch và tôn trọng chi phí này. Nghĩa là cả hai vợ chồng đều biết về cái quỹ này của nhau bởi người chồng cần đi uống bia với bạn bè, gửi tiền thăm hỏi bố mẹ, người vợ cũng cần mua sắm mỹ phẩm, chăm sóc sắc đẹp… Và điều tối kỵ là không được hỏi về khoản “chi phí cá nhân” này.
Chi phí cá nhân là khoản tiền riêng của mỗi người sau khi đã đóng góp vào các khoản ăn uống, nhà cửa, tiết kiệm nuôi con, tiền dưỡng già sau này, tiền quỹ ốm đau...
“Quỹ đen” của người này thì người kia cũng biết, nhưng ai chi gì thì không cần báo mà người kia cũng không nên hỏi đến, đó là cách tôn trọng nhau.
Nếu một trong các bên không tiêu hết và dư nhiều thì có thể tự nguyện đóng góp vào những khoản dự định tương lai như đi du lịch, tiết kiệm mua nhà…
Trở lại câu chuyện của chị Mai, sau khi nghe chồng nói về cái “quỹ đen” của mình, chị tần ngần. Thực ra, là người nắm tiền trong gia đình, chị vẫn tự thưởng cho mình đôi khi là một thỏi son hay lọ kem dưỡng da, bố mẹ ruột ốm chị chủ động gửi tiền về.
Những tâm sự của chồng về cái “quỹ đen”, chị thấy hoàn toàn có lý, chồng cũng cần có đồng “dằn túi”, không thể cái gì cũng ngửa tay hỏi vợ…
Chồng chị cũng chẳng ăn chơi đàn đúm. 15 triệu đồng kia, nếu chị không phát hiện được thì anh cũng sẽ để dành khi nhà có chuyện. Chị chợt nhớ, có bận chị ốm mấy ngày, anh mua thuốc, cơm nước mà không lấy tiền chung.
Lúc đó, chị có thắc mắc nhưng rồi lại quên, giờ chị mới hiểu, đó là “quỹ đen” của chồng. Chị thống nhất, từ nay, sẽ để cho chồng tự trích một khoản “chi phí cá nhân” để chồng thấy thoải mái.