Minh bạch đường đi của thuốc vào bệnh viện ​

GD&TĐ -Thuốc là một trong những yếu tố quan trọng, quyết định sự thành bại trong việc điều trị cho người bệnh. Tại hầu hết các bệnh viện, thuốc chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu chi cho khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, lâu nay vẫn tồn tại tình trạng cùng loại thuốc nhưng mỗi nơi một giá khiến người bệnh khó phân biệt thật giả…

Cần minh bạch trong việc đấu thầu thuốc tại các bệnh viện
Cần minh bạch trong việc đấu thầu thuốc tại các bệnh viện

Thuốc điều trị: Hết thời mỗi nơi một kiểu

Chất lượng thuốc và giá thuốc tại cơ sở y tế luôn là câu hỏi không lời đáp với người dân và cả người bệnh. Những băn khoăn, thắc mắc trên hoàn toàn có cơ sở bởi cùng một loại thuốc, cùng hoạt chất, thậm chí cùng tên thương mại và công ty sản xuất - nhập khẩu nhưng mỗi nơi được bán với giá khác nhau. Và thông thường, giá thuốc được bán ở quầy thuốc trong bệnh viện bao giờ cũng đắt hơn bên ngoài.

Nguyên nhân được xác minh do việc đấu thầu thuốc bấy lâu thực hiện riêng lẻ. Có thời mạnh bệnh viện nào bệnh viện ấy làm rồi quy về một mối là các tỉnh, thành dẫn đến việc giá trúng thầu khác nhau, tên thuốc cũng khác. Để khắc phục tình trạng trên, liên Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội đã thống nhất cách đấu thầu thuốc trong toàn quốc.

Theo thống kê của Bộ Y tế, nhờ thực hiện đấu thầu thuốc thống nhất trong cả nước, các nhóm thuốc được phân chia theo nhóm kèm tiêu chí kỹ thuật để minh bạch về chất lượng, đơn vị sản xuất, nhập khẩu. Các thông tin phục vụ đấu thầu cũng được quy định rõ và công bố công khai để các đơn vị đấu thầu và sử dụng thuốc có thể tra cứu, đánh giá trong quá trình lựa chọn nhà thầu.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, kể từ khi thực hiện đấu thầu tập trung (năm 2012), chi phí thuốc trúng thầu giảm 35,5%. Tỷ trọng thuốc trong nước sử dụng tại các cơ sở y tế đã tăng lên đáng kể. Nếu như năm 2013 tỷ lệ thuốc trong nước chiếm 15,61% đến 2018 đã tăng lên 33,89%. Nhiều loại thuốc thuộc hàng “quý, hiếm” trước chỉ bệnh viện tuyến cuối mới có nay được bác sĩ kê đơn cho bệnh nhân tại tuyến tỉnh. Và có lẽ, mừng hơn cả là thuốc trong nước bắt đầu len chân vào bệnh viện chứ không còn chịu cảnh thua trên sân nhà như trước.

Gỡ nút thắt

Đấu thầu thuốc tập trung bước đầu đem lại hiệu quả, trước hết là với người bệnh, tiếp đến là cơ sở y tế. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, công tác đấu thầu thuốc xuất hiện những vướng mắc cần tháo gỡ. Đó là quy định về phân nhóm thuốc theo tiêu chí kỹ thuật; Thiếu quy định để ưu tiên cho thuốc trong nước có chất lượng và việc công khai, minh bạch quá trình đấu thầu, trách nhiệm của chủ thầu và đơn vị cung cấp thuốc…

Để tháo gỡ vướng mắc trên, Bộ Y tế đã xây dựng bổ sung dự thảo quy định việc đấu thầu thuốc tại cơ sở y tế công lập. Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) Nguyễn Tất Đạt, điểm mới của Thông tư lần này là việc xác định các tiêu chí kỹ thuật, phân chia gói thầu, nhóm thuốc, bao gồm gói thầu thuốc generic, gói thầu thuốc biệt dược gốc và tương đương điều trị; gói thầu thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, gói thầu dược liệu, gói thầu vị thuốc cổ truyền.

Mỗi gói thầu thuốc đều có tiêu chí cụ thể đối với các nhóm thuốc. Cũng theo ông Đạt, các tiêu chí đưa ra một mặt đảm bảo chất lượng thuốc cao nhất, một mặt nhằm hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp dược trong nước tham gia vào đáp ứng các tiêu chí đối với nhóm thuốc generic chất lượng tốt nhất theo đúng chủ trương do Chính phủ đề ra trong việc thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp dược liệu quốc gia.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, với quan điểm, thuốc đã được đấu thầu đưa vào bệnh viện thì phải là thuốc tốt. Do vậy, các cơ sở y tế cần đặt ưu tiên trong mọi trường hợp phải sử dụng nhóm thuốc cao nhất (nhóm thuốc generic) và chỉ khi nào nhóm thuốc generic không có thì mới sử dụng nhóm thuốc thấp hơn. Điều này vừa đảm bảo nguồn cung ứng chất lượng thuốc tốt nhất trong điều trị khám chữa bệnh và nâng cao sức khỏe cho người dân.

Góp ý cho dự thảo này, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dược Việt Nam Trần Đức Chính cho rằng ban soạn thảo cần xác định chi tiết, rõ ràng quy định ghi dạng bào chế đối với gói thầu generic vì mỗi 1 dạng bào chế là một kỹ thuật khác nhau...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ