Miệng lưỡi xã hội độc địa hơn tờ giấy ly hôn

GD&TĐ - Nhiều cha mẹ đơn thân phải chịu sự phân biệt đối xử tại nơi làm việc, trong khi con cái của họ bị kỳ thị ở trường học vì có gia đình không theo “chuẩn chung”, là “gia đình khiếm khuyết”.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nỗi sợ làm mẹ đơn thân

Nhiều năm chung sống với người chồng vừa vũ phu vừa trăng hoa trai gái, chị Hoàng Nga (quận Bình Thạnh, TPHCM) vẫn cắn răng chịu đựng với lý do: “Sợ làm mẹ đơn thân”.

Chị cho biết: “Tôi không còn tình cảm gì với chồng, nhưng nếu tôi ly dị, con tôi sẽ mang tiếng là không có bố, cha mẹ tôi ngoài quê sẽ không chịu được điều tiếng với bà con làng xóm. Tôi không sợ sự cô độc, thất nghiệp hay tài chính, mà tôi sợ nhất là ánh nhìn của người đời và sự kỳ thị từ xã hội”.

Kể lại câu chuyện của chính gia đình mình, chị Hoài Thương (quận Thủ Đức, TPHCM) chia sẻ: “Ba mẹ tôi sống không hạnh phúc. Từ nhỏ, anh em tôi đã lớn lên trong những trận cãi vã không dừng của ba mẹ. Ba say xỉn triền miên, mẹ cằn nhằn không dứt, kéo theo đó là những màn rượt đuổi ba đánh mẹ, quăng nồi niêu chén bát.

Trong nhà tôi không có cái chén nào nguyên vẹn, không có cái nồi nào nguyên hình dạng mà đều sứt mẻ, móp méo.

Lớn lên anh em tôi lên Sài Gòn làm việc, mẹ lấy cớ chăm cháu để đi theo, chủ yếu để tránh không phải sống với ba. Tôi nhiều lần bảo mẹ: Mẹ khổ thế sao không ly dị với ba đi, chúng con cũng đỡ khổ.

Mẹ nói: Ba mẹ ly dị thì các con sống sao với làng xóm? Người ta nói tụi bay là nhà không nóc đó. Mẹ chịu được từng đó năm rồi, giờ chịu thêm nữa cũng không sao”.

Có một thực tế là nhiều người rất thích đả kích những thứ được coi là khuyết thiếu để hả hê, vui đùa. Cũng là một bà mẹ đơn thân, TS Vũ Thu Hương (giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) đã chia sẻ câu chuyện của mình và con gái bị “bắt nạt” sau khi ly hôn. Mặc dù việc chia tay của chị diễn ra trong vui vẻ nhưng chị phải chịu mọi sự kỳ thị, coi thường của mọi người.

Cô con gái của chị luôn nằm trong “tầm ngắm” của các bạn học cùng lớp. Cháu học giỏi cũng bị xỏ xiên, mặc áo quần gì cũng bị chê cười, đặc biệt, cháu tham dự bất kỳ cuộc thi gì của nhà trường cũng bị một đội luôn đi theo phá phách.

“Cuộc chiến” chống lại sự kỳ thị của mẹ con chị kéo dài nhiều năm và ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của hai mẹ con.

Viết trên trang Telegraph, nữ nhà văn Alice Talbot (Anh), mẹ đơn thân đang nuôi hai con nhỏ cho biết, trong nhiều năm một mình nuôi con, cô đã quá quen với những lời gièm pha, sự kỳ thị: “Tôi bị xem là kẻ ngang ngược không đáng tin.

Tôi không thích nhưng phải chấp nhận nó. Có vẻ như tôi nên xin lỗi vì đã kết hôn, sinh con nhưng hoàn cảnh đưa đẩy cuối cùng lại nuôi con một mình. Xin lỗi nhưng tôi chẳng thấy mình có lỗi”.

Không chỉ trích nhưng cũng không ủng hộ

Theo một khảo sát của chương trình chuyển động 24h (Kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam) với hơn 600 người tham gia cho kết quả: Có tới 10% những người tham gia khảo sát đã là bà mẹ đơn thân, 15% còn lại cho rằng sẽ chịu đựng gia đình chồng trong vòng 1 - 3 năm để con khôn lớn rồi cũng sẽ lựa chọn cuộc sống đơn thân và đặc biệt 50% người tham gia khảo sát cho rằng họ đã hơn 1 lần nghĩ đến việc làm mẹ đơn thân.

Thông tin này khiến nhiều người không khỏi giật mình. Dường như làm mẹ đơn thân đang là một “trào lưu”, “xu hướng” được rất nhiều phụ nữ trẻ lựa chọn.

Thực tế, khoảng 70% số phụ nữ quyết định làm mẹ đơn thân đều từng bị phản bội, hoặc hôn nhân tan vỡ. Số còn lại, lựa chọn điều này vì nhìn thấy những tấm gương phản chiếu không hề tích cực trong cuộc sống hôn nhân.

Thêm vào đó, xã hội hiện đại khiến những người mẹ đơn thân phần nào nhận được nhiều sự đồng cảm và sẻ chia hơn từ những người xung quanh, nhất là những người đổ vỡ sau hôn nhân.

Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hà, nguyên Phó chủ nhiệm Khoa Xã hội học - Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn cho rằng, gia đình là nền tảng của xã hội, nền móng có tốt thì tương lai mới tươi sáng.

Không chỉ trong hoàn cảnh đơn chiếc mà ngay cả điều kiện bình thường, hai người giáo dục con cũng sẽ hoàn hảo hơn một người.

Người mẹ dù có mạnh mẽ cũng khó có thể thay thế được vai trò của người cha. Và đổi lại, người cha đơn thân cũng vậy. Đó là thiệt thòi của trẻ con không gì bù đắp nổi. Vì thế, bà không cổ súy cho việc phát triển gia đình đơn thân, nhưng bà tôn trọng quyết định cá nhân của mỗi người nếu như đã có sự tính toán và chuẩn bị kỹ càng.

Chính những người cha, người mẹ đơn thân cũng đã nói lên tiếng nói của người trong cuộc. Anh Hải Đăng đang nuôi con trai một mình cho biết, không có người mẹ trong nhà, con trai anh trở nên ít nói, ít cười, lủi thủi hơn.

Mặc dù anh cố gắng bù đắp cho con trong khả năng có thể nhưng anh biết, anh không thể làm được những việc như người vợ cũ của anh đã từng làm cho con. Tuy nhiên, anh cũng hy vọng lớn lên con sẽ hiểu và mạnh mẽ hơn.

Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc cho rằng, các nghiên cứu cho thấy trẻ trong gia đình đơn thân vẫn thường có những khiếm khuyết khó tránh, bộc lộ dần theo lứa tuổi. Một số trở nên ích kỷ, đòi hỏi, lạnh lùng, hay đổ lỗi, thù đời, ganh tỵ… số khác bỏ học, nghiện rượu, nghiện ma túy, rối loạn tâm lý… nhiều gấp đôi trẻ có đủ cha mẹ.

Tuy nhiên, nếu được người mẹ (hay người cha) đơn thân hiểu biết để nuôi dạy con một cách tốt nhất phù hợp với hoàn cảnh thì cũng giúp con hạnh phúc, trưởng thành như bất cứ một đứa trẻ nào khác, thậm chí trẻ sớm có trách nhiệm, có ý thức và nghị lực hơn những trẻ khác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ