Ngôi nhà chung của những cô gái lầm lỡ

Mái ám của những cô gái tuổi đôi mươi phải sớm làm mẹ vẫn cương quyết giữ lấy giọt máu đang mang trong mình, dù phải chịu cảnh bị người yêu quay lưng, gia đình ruồng bỏ, người đời bàn tán.

“Nhà của bố” luôn tràn ngập tiếng cười của trẻ nhỏ.
“Nhà của bố” luôn tràn ngập tiếng cười của trẻ nhỏ.

Với tên gọi khá đặc biệt “Nhà của bố” (Father’s House) tại 122 Lương Nhữ Hộc (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), nhưng nơi đây chỉ toàn phụ nữ và trẻ nhỏ.

Nơi “chữa” vết thương lòng!

“Nhà của bố” nằm nép mình trong một khu phố yên bình giữa TP. Đà Nẵng. Từ lâu, địa chỉ này được ví như nơi “chữa” vết thương lòng cho những cô gái trẻ trót dại.

Nguyễn Thị Ph. (SN 1990) cô gái đến từ đất mũi Cà Mau với dáng người nhỏ thó, nằm trong số đó. Mẹ mất sớm, ba bỏ ra Bình Thuận lấy vợ bé, 4 anh em Ph. sớm phải phiêu dạt khắp nơi để mưu sinh.

Mới xuống Sài Gòn vài tháng, Ph. bập vào yêu và nhanh chóng trao thân do thiếu sự bảo ban của người thân. Thế nhưng, khi biết Ph. có thai, người này “quất ngựa truy phong”.

Năm đó, cô chưa tròn 18 tuổi. “Biết được cái thai đang lớn dần, không dưới hai lần em tự cắt tay tìm đến cái chết. nhưng may mắn được người dân phát hiện cứu kịp thời.

Trong lúc chán nản, tình cờ có người quen giới thiệu em đến mái ấm Nhà của bố. Từ đó, em khăn gói theo ra Đà Nẵng sinh sống và được nhận lại sự chăm sóc” - Ph. nhớ lại.

Trần Thị Ng. (Sinh năm 1989, quê Quảng Bình), được xem như chị cả tại mái ấm. Dù sóng gió đã qua đi, giọt máu mà chị suýt từ bỏ năm xưa, nay cũng được 6 tuổi, ngoan hiền, xinh xắn, nhưng cô vẫn không giấu được u buồn khi nhìn vào người đối diện và kể chuyện đời đã qua.

Đang học năm thứ hai một trường cao đẳng tại Đà Nẵng, thì cô phát hiện mình mang thai với bạn trai. Biết chuyện, gia đình Ng. giận dữ trách mắng con, còn người yêu lại khuyên Ng. nên bỏ đứa bé vì “học hành chưa đến chốn”.

Một mình Ng. đứng giữa trăm mối tơ vò. Khi được giới thiệu đến Nhà của bố, Ng. như tìm được điểm tựa, giúp bản năng người mẹ được trỗi dậy tự nhiên.

Năm tháng sau, Ng. sinh con mà không có người thân và cả bố đứa bé. Hiện tại, Ng. chấp nhận cuộc sống đơn thân, song sâu trong đáy lòng cô gái, vẫn mong có ngày bạn trai thực hiện lời hứa “sẽ quay lại để đón hai mẹ con”.

Khác với vẻ rắn rỏi cam chịu của 2 người chị, Trịnh Thị H.(SN 1996, quê ở Phan Thiết) hiện đang mang thai gần ngày sinh, cứ thút thít khi nghĩ đến câu chuyện tình đời mình. H. cho biết, cha của bé vì phạm tội trộm cắp, đang thụ án tù ở TPHCM.

“Em từ quê vào TP.HCM vào công nhân rồi gặp và yêu anh. Trước, anh ấy làm bảo vệ cho một khách sạn. Thế nhưng, không biết do túng thiếu hay bị bạn bè xúi, anh bỏ việc đi theo nghề hai ngón.

Điều này, mãi đến lúc công an ập đến còng tay, em mới hay. Khi đó, cái thai trong bụng em đã hơn 2 tháng. Ê chề vì chưa cưới đã chửa, nay cũng không biết phải giới thiệu như thế nào với người thân về ba đứa bé, em đành trốn ra Đà Nẵng. May mắn, ở đây em nghe nói đến “Nhà của bố” và xin vào nương náu…” - H. tức tưởi

Sống trong mái ấm này suốt 12 năm, bảo mẫu Nguyễn Thị Mai (SN 1968) buông giọng thở dài: “không chỉ H., mà đứa nào vào đây, bước lên phòng sinh cũng nước mắt lưng tròng.

Người ta đi sinh đẻ có cả gia đình theo, đằng này các em còn nhỏ nhưng chỉ mỗi một mình đón máu mủ. Đau cũng ráng chịu, không biết kêu ai”.

Cũng vì lẽ đó, 47 cô gái đến từ các tỉnh Quảng Nam, Quảng Trị, Quảng Bình, Nghệ An, Đồng Nai, Cà Mau… và 47 đứa trẻ chào đời luôn được những cô bảo mẫu tâm huyết chăm sóc, yêu thương hết mình để bù đắp sự thiếu vắng của bàn tay bố. “Cái tên “Nhà của Bố” ra đời cũng xuất phát từ ý nghĩa này” - Chị Mai nói.

Viết tiếp ước mơ cho những cô gái trót lầm lỡ!

Ngoi nha chung cua nhung co gai lam lo - Anh 2

Vợ chồng ông Robert Kalatschan và bà Dorothea bế một đứa trẻ được chào đời trong nhà của bố.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Anh, quản lý chương trình “Nhà của bố” chia sẻ, tâm lý của các bà mẹ trẻ trước khi về sinh sống tại mái ấm rất giống nhau: sợ hãi, bấn loạn và tủi hờn vì cùng một lúc bị người yêu thương quay lưng, gia đình xua đuổi, bạn bè bàn tán xôn xao.

Bản thân các em, ai cũng có bản năng làm mẹ nhưng khi chịu nhiều áp lực như vậy, thật khó để có một quyết định đúng đắn. Với mục đích hạn chế tình trạng nạo phá thai trong giới trẻ, “Nhà của bố” được ông Robert Kalatschan cùng vợ, bà Dorothea cho ra đời vào năm 2002 và sẵn sàng mở cửa đón nhận những cô gái tuổi từ 13 đến 22 trong tình trạng lỡ có thai nhưng không được công nhận. Mái ấm này cũng nằm trong chuỗi hoạt động của tổ chức Trả lại tuổi thơ, đặt tại địa chỉ 122 Lương Nhữ Hộc.

Chị Ánh cho biết thêm, ông Robert Kalatschan sống tại Huntington Beach (bang Califonia, Mỹ) làm kinh doanh nhà hàng. Năm 2000, vợ chồng ông tìm về các trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi tại Việt Nam để tìm một trẻ nhận làm con nuôi.
Sau chuyến đi trên, ông nhận thấy thực tế, không phải đứa trẻ nào cũng may mắn như người con nuôi của ông. Từ đó vợ chồng ông muốn đem lại tình yêu thương và thay đổi cuộc sống cho những đứa trẻ kém may mắn.
Nguồn kinh phí hoạt động của tổ chức nhân đạo phi chính phủ này đều được lấy từ nguồn thu nhập trong lĩnh vực kinh doanh của vợ chồng ông Robert Kalatschan và vận động tài trợ từ các cá nhân, tổ chức quốc tế.

Đối với những cô gái trong mái ấm “Nhà của bố”, theo chị Ánh, khoảng thời gian sinh sống tại đây sẽ có thời gian để bình tâm, suy nghĩ tích cực về cuộc sống.

Các em được học tập và chăm sóc dinh dưỡng, y tế và đặc biệt về sức khỏe tinh thần. Quan trọng hơn, khi bước qua cánh cửa này, các bà mẹ đều có một cái nghề để có thể tự lo cho hai mẹ con như buồng phòng, nấu ăn, may… thậm chí, đối với một số sinh viên còn được tạo điều kiện để quay lại giảng đường, để viết tiếp giấc mơ dang dở.

Đơn cử như Lê Thị N. (SN 1989, quê Thanh Hóa), sau quãng thời gian đứt đoạn việc học do sinh nở, N.được mái ấm động viên, hỗ trợ đến trường trở lại. Giờ đây N. đang theo học năm cuối trường đại học sư phạm Đà Nẵng.

“Người ta đã đi tìm hạnh phúc mới, em cũng không còn oán trách gì. Giờ chỉ mong mình tốt nghiệp ra trường, sớm có công việc làm, có thể tự lập để nuôi con và không phụ lòng của những người trong mái ấm” - N. bộc bạch.

Hay như nhắc đến cô gái tên Trương Thị Th. (SN 1986, ngụ Quảng Ngãi), chị Ánh lại nở nụ cười đôn hậu. Năm 2009, Th. được đưa vào sống tại “Nhà của bố” sau khi tìm mọi cách để phá bỏ đứa con trong bụng vì bị cha của bé chối từ.

Sau khi được chuyên gia tư vấn ở một trung tâm phụ sản khuyên bảo, Th. quyết định giữ lại con. Mặc cảm về thân phận, dù sau này được đào tạo nghề quản lý buồng phòng, có công ăn việc làm bài bản nhưng không dám nhận lời quen bất cứ chàng trai nào.

Bất ngờ, đầu năm 2013, Th. lên xe hoa với một người đàn ông đeo đuổi cô từ lâu. Người này chấp nhận quá khứ của Th. và bằng lòng sinh sống cùng với con riêng vợ.

Hiện tại, Th. đang có một cuộc sống hạnh phúc bên người chồng bao dung. Đều đặn hàng tháng, người đàn ông này còn đưa vợ và con riêng của vợ về thăm mái ấm như một nghĩa cử tri ân nơi đã từng cứu vớt Th.

Theo Phụ Nữ News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên lồng ghép các trò chơi trong giờ học tiếng Anh tăng cường nhằm tăng hứng thú cho học sinh.

Còn nhiều khó khăn và thách thức

GD&TĐ - Để triển khai tốt chương trình tiếng Anh tăng cường cần phải đẩy mạnh xã hội hóa, trong đó sự đồng thuận của phụ huynh đóng vai trò quan trọng.

9 dấu hiệu cảnh báo sớm ung thư vú

9 dấu hiệu cảnh báo sớm ung thư vú

GD&TĐ - Ung thư vú phủ bóng đen lên cuộc sống của vô số người trên toàn cầu, ảnh hưởng đến những người mắc bệnh và gia đình của họ.