Nếu khoang miệng không được làm sạch, nó sẽ không chỉ gây sâu răng mà còn làm miệng khó chịu và hôi thối. Bác sĩ Hong Jiejie, Bệnh viện Đại học quốc gia Cheng Kung, Đài Bắc, Đài Loan đã chia sẻ về một bênh nhân mắc bệnh răng miệng nghiêm trọng nhất mà anh từng gặp. Nam bệnh nhân 30 tuổi là một người nghiện game nặng.
Mỗi ngày anh dành hàng giờ ngồi trước máy tính, ngay cả ăn uống cũng ở trước màn hình, đôi khi còn không có thời gian để ăn nên ngay cả việc đánh răng hay vệ sinh cá nhân cũng khó.
Một lần vì bị cảm lạnh mãi không khỏi nên người đàn ông mới tới bệnh viện khám. Dù anh ta đã đeo khẩu trang nhưng khi bước vào phòng khám, bác sĩ ngay lập tức ngửi thấy mùi hôi miệng nồng nặc. Bệnh nhân nhận thấy hơi thở của mình nặng mùi nên cũng ngại ngùng.
Sau đó bác sĩ Hong Jiejie yêu cầu bệnh nhân mở miệng và ngay khi nhìn vào, bác sĩ vô cùng choáng váng.
“Tất cả khoang miệng chứa đầy những mảng nấm mốc trắng, đó là nhiễm trùng nấm candida”, bác sĩ Hong Jiejie nói. Vì người đàn ông không đánh răng trong thời gian dài mà chỉ dùng nước súc miệng nên nấm mốc đã lấp đầy trong miệng, hơi thở bốc mùi, nấm mốc thậm chí nhiễm vào màng nhầy, làm cho cổ họng của anh bị tổn thương nên ngay cả khi uống nước cũng khó chịu.
Không chỉ miệng đầy nấm mốc trắng, bác sĩ Hong Yujie sau đó cho người đàn ông đi soi dạ dày, phát hiện ra rằng toàn bộ thực quản nhiễm trùng Candida.
Nấm miệng là gì?
Nấm miệng hay còn gọi là nấm lưỡi hoặc tưa lưỡi, là tình trạng nhiễm khuẩn nấm ở miệng, không dễ lây và có thể trị khỏi bằng thuốc kháng nấm. Đây là tình trạng nhiễm nấm Candida albicans phát triển vượt mức kiểm soát ở niêm mạc miệng.
Candida vốn là một sinh vật thường trú trong miệng nhưng đôi khi chúng phát triển quá mức và gây ra các triệu chứng.
Những dấu hiệu và triệu chứng nấm miệng là gì?
Những triệu chứng thường thấy của nấm miệng là:
- Tổn thương màu trắng kem trên lưỡi, niêm mạc má, đôi khi trên vòm miệng, nướu răng và amidan;
- Tổn thương nổi lên trong miệng có hình dáng giống miếng pho mát;
- Đỏ hoặc đau nhức trong miệng, gây khó khăn khi ăn hoặc nuốt;
- Chảy máu nhẹ nếu nơi nhiễm bị cọ xát hoặc cào;
- Khóe miệng nứt và đỏ (đặc biệt là ở những người đeo răng giả);
- Cảm giác như có bông trong miệng;
- Mất vị giác.
Trong trường hợp nặng, các tổn thương có thể lan xuống thực quản – một ống cơ dài nối giữa họng và dạ dày (nấm thực quản). Nếu điều này xảy ra, bạn có thể gặp khó khăn trong việc nuốt hoặc cảm thấy thức ăn như đang bị mắc kẹt trong cổ họng.