Tôi thừa nhận mình là một bà cô bên chồng khó tính. Bởi tôi luôn cầu toàn trong mọi việc và khắt khe với mọi thứ. Không chỉ trong công việc mà còn trong tình cảm, tôi thường dùng lý trí nhiều hơn cảm tính trái tim. Vì thế, đồng nghiệp thường bảo tôi là sắt đá.
Nhà tôi chỉ có hai anh em. Anh tôi hiền lành, có phần nhu nhược. Khi anh ấy giới thiệu chị dâu tương lai, tôi là người phản đối đầu tiên. Bởi chị dâu học hành làng nhàng, gia đình rắc rối (chị ấy không có bố, chị gái chết trẻ). Nhưng anh tôi mắng tôi, bảo tôi bớt sống ích kỉ đi, nên bao dung và vị tha hơn, nhìn đời nhìn người cho nhân đạo hơn.
Giận anh, đám cưới của hai người, tôi lấy cớ đi công tác, không thèm tham gia. Bố mẹ tôi cũng giận tôi nhưng không nói được tôi vì tính tôi rất cứng rắn.
Cưới về rồi, đúng là tôi không tìm được điểm nào để chê bai chị dâu. Chị ấy hiền lành, lễ phép, đối đãi với bố mẹ tôi hết mực nhu thuận, hiếu thảo. Bố mẹ tôi đã thương càng thương hơn. Đi đâu hai người cũng khoe dâu ngoan dâu thảo.
Ghét vì chị không chịu sinh con, tôi tìm đủ mọi cách hạch sách chị. (Ảnh minh họa).
Chỉ có điều, chị nhất định không chịu sinh con. Mà lạ là không chỉ anh tôi, ngay bố mẹ tôi cũng không ép chị. Họ nói tùy anh chị, nếu không sinh con thì xin con nuôi cũng tốt. Tôi thật tình không hiểu nổi chị dâu lẫn gia đình mình. Rõ ràng anh tôi là trai duy nhất, phải nối dõi gia đình.
Ghét vì chị không chịu sinh con, tôi tìm đủ mọi cách hạch sách chị. Chỉ cần bát canh hơi mặn, tôi cũng mắng chị. Nhà hơi bẩn, chị chưa kịp lau, tôi cũng mắng. Mỗi ngày, tôi hay lượn xuống bếp, dùng tay lau thử trên thành bếp có vết dầu mỡ không? Nếu có, chị sẽ bị tôi xóc xỉa một trận.
Thấy tôi cay nghiệt, bố mẹ và anh tôi nhiều lần đứng ra bênh vực chị. Ngược lại, chị còn bảo họ kệ tôi, tôi nói rồi lại thôi chứ tính tình không xấu. Đi ra ngoài, chị cũng không kể xấu hay bêu riếu tôi.
Mỗi tháng, tôi thấy chị hay mua bánh kẹo, quần áo đem đến chùa cho mấy bé mồ côi. Có lần chị còn ở lại chùa cả tuần để phụ chăm một bé mới bị bỏ rơi. Tôi còn cười mỉa mai chị là "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng", không chịu sinh con nối dõi mà cứ làm mấy cái việc không đâu.
Nghe anh kể, nhớ lại nụ cười tươi của chị và tiếng gọi "mẹ" của lũ nhỏ ở chùa, tim tôi quặn lại. (Ảnh minh họa).
Hôm qua, chị lại dẫn một đứa bé về chơi. Thằng bé mới biết nói nhưng lại gọi chị là mẹ, gọi anh tôi là bố, gọi bố mẹ tôi là ông bà nội.
Bực bội quá, tôi lớn tiếng chửi chị vô liêm sỉ, tại sao không tự sinh con mà cứ đòi làm mẹ. Chị ôm mặt bật khóc nức nở. Anh tôi giận dữ đòi tát tôi. Tôi bỏ lên phòng trong sự căm phẫn, khó chịu vô cùng.
Tối, anh mới nói lý do chị không chịu sinh con. Mẹ chị khi sinh chị thì bị băng huyết, điều kiện vật chất thời xưa kém nên mẹ chị suýt chết. Sau đó mẹ chị sức khỏe yếu, ốm đau quanh năm. Chuyện của mẹ chị khiến chị ám ảnh, rồi lại tới chị ruột của chị bị tai nạn khi đang mang thai tháng thứ 8 khiến cả mẹ và con đều không qua khỏi. Từ đó chị sợ mang thai và sinh đẻ. Khi yêu, chị đã nói thẳng với anh, anh cũng đồng ý.
Anh tôi nói khi nào chị muốn sinh sẽ sinh, nếu chị không muốn, anh chị sẽ xin con nuôi. Anh và bố mẹ tôi không muốn khơi dậy nỗi đau mà chị âm thầm chịu đựng hơn hai mươi năm qua.
Nghe anh kể, nhớ lại nụ cười tươi của chị và tiếng gọi "mẹ" của lũ nhỏ ở chùa, tim tôi quặn lại. Bấy lâu nay, tôi đã hiểu nhầm chị.
Biết mọi chuyện, tôi vừa ân hận vừa thương chị. Tôi phải làm gì để chuộc lỗi với chị đây? Hơn nữa cũng phải thuyết phục chị sinh con vì nhà tôi không thể mất dòng mất họ như vậy được.