Mấy ngày sau, cháu lại kể hôm nay thi toán lần nữa rồi. Lần này cả trường chỉ còn có 3 bạn thi. Mấy hôm sau nữa, cháu cầm một tờ thông báo của nhà trường về việc được tham gia cuộc thi toán toàn quốc. Gia đình sẽ đưa cháu đi thi. Kèm theo là lời mời toàn gia đình tham dự lễ công bố kết quả và trao giải cuộc thi ngay vào buổi chiều cùng ngày cháu tham dự lần thi chung kết.
Cả nhà hỏi cháu cô giáo có dặn dò hay ra bài tập gì không, cháu đều lắc đầu. Cháu vẫn đi học bình thường vẫn lo học bài, làm bài đầy đủ các môn, tham gia các hoạt động ở lớp, ở trường mà chẳng thấy phải làm thêm một bài tập toán nào, cũng chẳng thấy cô giáo nhắc nhở phải chuẩn bị như thế nào.
Nếu ở Việt Nam thì đây là lúc các thầy cô giáo và nhà trường, bản thân cháu phải nỗ lực rất nhiều để tập trung bồi dưỡng ôn luyện thi. Nhà trường và sở GD&ĐT sẽ chọn các thầy cô giáo giỏi để bồi dưỡng, ôn luyện, tạo điều kiện tốt nhất để các cháu tập trung thi đạt kết quả. Các cô giáo ở lớp còn thông báo cẩn thận lịch ôn tập thi cử để gia đình học sinh cùng phối hợp chăm lo sức khỏe, động viên con cháu mình học tập…
Tôi nói với bố mẹ cháu nên dành thời gian để ôn luyện bồi dưỡng cho con, liền bị gạt đi: Bà lại bị bệnh thành tích rồi. Ở đây người ta coi chuyện đó là bình thường như một sân chơi thôi mà. Cũng để cho cháu thử sức thôi.
Chúng tôi tranh luận về việc thế nào là bệnh thành tích, thế nào là phát hiện, chăm lo bồi dưỡng năng khiếu cho con trẻ.
Bố mẹ thì bảo cứ để tự nhiên cho con thoải mái. Bà nghe cháu kể, ở lớp, vì bé nhất lớp nên hay bị bạn bắt nạt, nếu học giỏi các bạn sẽ không bắt nạt nữa. Nếu đạt giải, cháu sẽ tự tin hơn vào bản thân, không tự ti trước bạn bè.
Cuộc thi tổ chức vào thứ 7, ngày nghỉ nên các gia đình có điều kiện đưa các cháu đến trường thi. Nhiều em ở tỉnh khác phải đi hàng trăm cây số đến tham dự. Khá nhiều em phải vượt chặng đường xa xôi từ mờ sáng nhưng trên gương mặt các em vẫn đầy sự tự tin, phấn khởi.
Các bậc phụ huynh ai cũng vui vẻ động viên con em mình. Có nhiều gia đình năm sáu người đưa một cháu đi thi. Đặc biệt, sự hồ hởi của các gia đình cho thấy phụ huynh học sinh ở nước Đức rất quan tâm, hưởng ứng nhiệt tình với các hoạt động của con em và nhà trường.
Địa điểm thi chung kết học sinh giỏi toán của bang Bayyenr được đặt tại một trường ĐH Tổng hợp nổi tiếng của Đức tại thành phố Munich. Trong một giảng đường rộng lớn, tất cả học sinh tham dự từ lớp 3 đến lớp 10 được bố trí ngồi chung theo sự sắp xếp của giám thị. Các em sẽ được phát các đề thi riêng và làm bài dưới sự giám sát chặt chẽ.
Sau khi đã làm các thủ tục giấy tờ thi cử, ổn định chỗ ngồi của các thí sinh, ban tổ chức thông báo cho các gia đình vào phòng động viên các con khiến ai nấy bất ngờ.
Sau mười phút, vào tận chỗ ngồi chụp ảnh, chúc con thi tốt, khi có tiếng chuông báo vang lên, tất cả rời khỏi phòng trả lại sự nghiêm túc im lặng chốn thi cử, cánh cửa gỗ khép lại. Chẳng còn nhìn thấy gì, nhưng ai cũng hiểu các em phải tập trung, cố gắng làm bài.
Chưa hết giờ làm bài đã có khá nhiều em ra sớm. Nhìn các em hớn hở cười với cha mẹ đã cảm nhận ngay được kết quả làm bài. Và khi chuông báo hết giờ, cũng là lúc cánh cửa từ từ được mở rộng, các em từ tốn ra khỏi phòng, gương mặt bạn nào cũng thông minh ngời sáng, rất đáng yêu.
Lễ phát thưởng chẳng cờ hoa, hát hò mà tiếng vỗ tay, sự cổ vũ sôi động cả hội trường rộng lớn. |
Buổi chiều Ban tổ chức tuyên bố kết quả cuộc thi và trao giải thưởng vào lúc 16 giờ, tại đúng phòng thi ban sáng.
Tất cả các gia đình có con dự thi đã có mặt rất đông. Hầu như nhà nào cũng đi tất cả các thành viên để cổ vũ. Giảng đường chật ních người nhưng rất yên lặng.
Sau lời giới thiệu về mục đích ý nghĩa cuộc thi toán, số lượng học sinh đạt giải ở từng khối của Bang được chiếu lên màn hình. Tiếp theo là phần trao giải. Mỗi khi một em bước lên nhận phần thưởng là tiếng vỗ tay rào rào vang lên không dứt. Cả Hội trường như hòa chung niềm vui của mọi người.
Sự hồi hộp cùng với những niềm vui mỗi lúc một lớn hơn khi ban tổ chức công bố luôn học sinh đạt giải toàn quốc.
Tiếng vỗ tay, tiếng reo hò cổ vũ kéo dài không dứt. Sự chia sẻ niềm vui và hạnh phúc với các em và các gia đình khác ở nơi đây vô cùng xúc động. Không có sự phân biệt dân tộc, màu da, không có sự phân biệt con mình có được nhận giải hay không.
Thi học sinh giỏi nhẹ nhàng như một sân chơi dành cho hoc sinh. Lễ phát thưởng chẳng cờ hoa, hát hò, chẳng thấy các thầy cô giáo của trường học nào, chỉ có Ban tổ chức, đại diện ngành giáo dục và mấy chục em thí sinh vòng chung kết, còn lại chủ yếu là gia đình các em mà tiếng vỗ tay, sự cổ vũ sôi động cả hội trường rộng lớn.
Người Đức vốn không ưa ồn ào, nhưng sự chia sẻ, quan tâm của họ với nhà trường để giáo dục con em là điều khiến người ta hiểu vai trò giáo dục của gia đình quan trọng như thế nào!
Hòa trong niềm vui chung của các gia đình người Đức, tôi nhìn cháu mình nhỏ bé nhất trong số các bạn nhận huy chương vàng xoa đầu động viên: Từ nay cháu hãy tin người Việt không nhỏ bé đâu. Rất nhiều người Việt đã giành huy chương vàng trên đấu trường quốc tế. Hãy cố gắng học hành và rèn luyện thể lực để tầm vóc cao lớn hơn! Hay ăn chóng lớn để bằng bạn bằng bè cháu nhé! Cháu mỉm cười.