Mùng 6 Tết, đại gia đình chúng tôi tụ họp ở nhà cậu Út. Mọi người đều xúm vào phụ một tay để chuẩn bị bữa trưa. Ai đấy vừa bảo, kêu thằng Tin nhà dì Hoa ra quạt than chuẩn bị nướng cá đi nào. Đàn ông con trai bự xự như thế mà cứ nằm cắm cúi vào cái điện thoại hoài, coi sao được. Tin nghe thế, vừa chuẩn bị nhỏm dậy thì đã nghe dì Hoa bảo:
- Trời đất, sao lại sai thằng Tin! Nó là công tử đó, đi làm về nhà với mẹ là toàn ăn rồi chơi không hà. Nó không làm được đâu, biểu đứa khác quạt than đi.
Dì còn tiếp tục càm ràm phân bua thêm vài câu nữa, chủ đích là để Tin khỏi phải động tay chân vào. Tôi ngó qua thằng Tin, không khỏi buồn cười. Hai mươi mốt tuổi, Tin chắc nặng phải hơn 80 ký, tuy cao to nhưng vẫn mang dáng dấp của một cậu bé “em chả”.
Không quá ngạc nhiên vì dì tôi vốn cưng chiều con nổi tiếng trong nhà, mọi việc lớn nhỏ đều do dì bao cấp hết, chẳng để con trai phải mó tay vào chuyện gì.
Năm nay Tin mới vừa đi làm, dì tôi xót con lắm, gặp ai cũng than thở là “tội nghiệp thằng bé, nào giờ đâu có từng vất vả như vậy…”. Chúng tôi chỉ biết buồn cười, lắc đầu.
Cách yêu thương con quá mức cần thiết ấy có thể gọi là “hại” con. |
Phải như dì Hoa tôi dư giả giàu có thì còn dễ hiểu. Đằng này, một tay dì nuôi ba đứa con bằng nồi cháo sườn trước cửa trường mầm non buổi sáng, và gánh chè ở chợ lúc xế chiều. Nỗi vất vả khiến dì trông già trước tuổi, nhìn vô cùng tất bật lam lũ.
Cũng không phải thằng Tin lười biếng hoặc vô tâm, nhưng cái thói quen coi con là “thiếu gia” từ bé ấy khiến cậu con trai chẳng còn cơ hội phụ đỡ mẹ. Riết thành thói quen, Tin cứ thản nhiên đón nhận sự quan tâm chăm chút của mẹ. Chưa kể, lâu dần thằng Tin cũng có đôi chút tự tin rằng mình hình như là công tửcon nhà, được mẹ hậu thuẫn kia mà!
Dưng không lại nhớ tới chị osin thời vụ mà tôi vừa thuê vội vào những ngày giáp tết, từ một trung tâm giới thiệu việc làm. Chị quê miền tây, vì cuối năm nhà vỡ nợ nên không thể ăn tết cùng gia đình, mà lặn lội đi xa, vừa để tránh mặt thiên hạ, vừa có thể kiếm thêm ít đồng trang trải.
Chị siêng năng, nấu ăn ngon, lại có vẻ thân thiện thật thà, nên tuy mới tới mà cả nhà tôi đều quý mến. Chị kể, ăn tết xa gia đình thế này vừa buồn vừa nhớ con. Lại lo cho hai đứa nhỏ, chẳng biết có tự xoay xở được hay không nữa. Nhất là cô con gái với cái tên gọi nâng niu là “công chúa”, năm nay mười bốn tuổi của chị.
Từ bé tới giờ, chị không cho con mó tay vào bất cứ việc gì, chỉ cần con lo học cho giỏi là được. Hỏi tại sao, chị nói, do đời mình đã quá lam lũ khổ sở, nên không muốn con gái ngay từ thuở ấu thơ đã phải giống mẹ. Nhất định con gái phải được sung sướng hơn đời mẹ nó, chí ít là trong khoảng thời gian còn ở cùng gia đình.
Chị nói xong thì rơm rớm nước mắt, bảo ngay cả việc ăn cơm chị còn phải gỡ cá, xé nhỏ thịt ra cho “công chúa”, tắm gội đều phải đúng loại sữa tắm, kem bôi dưỡng da, thì nay không có mẹ bên cạnh, chắc hẳn con bé sẽ chật vật đáng thương lắm đây…
Cuộc sống bao nhiêu là bất trắc, đổi thay phía trước, mà mình khư khư “úm” con như vậy, thì lỡ Cha mẹ có bề gì, không thể tiếp tục bảo bọc, lũ trẻ sẽ ra sao? |
Tôi không quá bất ngờ trước lý lẽ của chị, bởi đấy cũng là suy nghĩ không hiếm hoi của nhiều bà mẹ “gắng để cho con đỡ khổ hơn mình”. Nhưng tôi không sao tán thành lối nuôi dạy con đầy sai lầm ấy được. Cuộc sống bao nhiêu là bất trắc, đổi thay phía trước, mà mình khư khư “úm” con như vậy, thì lỡ cha mẹ có bề gì, không thể tiếp tục bảo bọc, lũ trẻ sẽ ra sao?
Khi mà mọi kỹ năng căn bản đều không được trang bị, lại quen tính ỷ lại, dựa dẫm vào cha mẹ? Thêm nữa, chúng cũng không còn quá bé mọn gì, đều ở độ tuổi có thể phụ giúp gia đình nhiều thứ, chứ chẳng riêng gì việc tự lo cho bản thân mình.
Cách yêu thương con quá mức cần thiết ấy có thể gọi là “hại” con. Đặc biệt là với những người phụ nữ cuộc sống còn quá nhiều thứ phải bận tâm như dì Hoa tôi hay chị giúp việc, thì cách chăm lo cho con đầy cực đoan ấy rõ ràng càng không phù hợp.