Méo miệng vì dây thần kinh số 7

GD&TĐ - Dây thần kinh số VII hay dây thần kinh mặt là một dây thần kinh hỗn hợp của các sợi thần kinh cảm giác, vận động và tự chủ.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nhiều người, tối hôm trước vẫn nói cười bình thường qua một đêm ngủ, sáng hôm sau vẻ mặt và bộ dạng dường như đã hoàn toàn thay đổi: Miệng méo, giọng nói thều thào, uống nước lóng ngóng vì một bên nước chảy lòng ròng khỏi miệng. Nguyên cớ là do bị liệt dây thần kinh số VII.

Nhiều nguyên do

Trong cơ thể của mỗi người bình thường có 12 đôi dây thần kinh sọ não. Chúng chạy đối xứng hai bên cột sống. Mười hai đôi dây thần kinh được đánh số thứ tự theo chữ số La Mã từ I đến XII.

Dây thần kinh số VII hay dây thần kinh mặt (vì vị trí nó phân bố ở vùng mặt) là một dây thần kinh hỗn hợp của các sợi thần kinh cảm giác, vận động và tự chủ.

Xuất phát từ thân não đi qua rãnh hành não và cầu não, sau khi chạy một đoạn qua phần đá xương thái dương, nó thoát ra khỏi hộp sọ qua lỗ trâm chũm. Nhiệm vụ chính của dây thần kinh số VII là vận động các cơ ở mặt.

Trong chuyên khoa thần kinh, tổn thương dây thần kinh số VII được chia làm hai loại:

- Liệt mặt trung ương: Do tổn thương neuron vận động trên nhân.

- Liệt mặt ngoại biên: Do tổn thương từ nhân trở ra. Đây là dạng bệnh lý thường gặp nhất.

Các nguyên nhân gây tổn thương dây thần kinh số VII thường gặp là:

- Nhiễm lạnh đột ngột.

- Viêm đa dây thần kinh.

- Bệnh lý do viêm nhiễm vùng tai mũi họng.

- Chấn thương xương chũm và thái dương.

- Các bệnh lý ở nền sọ, viêm màng não, u não, tai biến mạch máu não.

- Các bệnh lý khác như zona, tiểu đường, tăng huyết áp...

Điều trị liệt dây thần kinh số 7 bằng phương pháp châm cứu. Ảnh: ITN

Điều trị liệt dây thần kinh số 7 bằng phương pháp châm cứu. Ảnh: ITN

Xảy ra ở bất cứ độ tuổi nào

Bệnh liệt dây thần kinh số VII có thể xảy ra ở bất cứ độ tuổi nào và ở bất cứ đối tượng nào. Nhưng những người có các đặc điểm sau đây được xác định là đối tượng có yếu tố nguy cơ cao: Người có các công việc phải đi sớm về khuya, phụ nữ mang thai, cơ thể suy nhược và nhất là hệ thống miễn dịch bị suy yếu, người hay uống rượu bia, người nhiều stress và dễ bị stress, người mắc bệnh tăng huyết áp và xơ vữa động mạch.

Dấu hiệu điển hình khi dây thần kinh số VII bị tổn thương, liệt: Mặt lệch về bên lành, nhân trung bị kéo về bên không liệt. Do đó nói khó và ăn uống bị rơi vãi. Biểu hiện sẽ rõ hơn khi bảo người bệnh cười hoặc huýt sáo. Người bị liệt mặt ngoại biên còn có thêm biểu hiện mắt nhắm không kín bên bị liệt.

Ngoài ra, ở người bị liệt dây thần kinh số VII, tùy theo mức độ thương tổn còn có thể có các biểu hiện sau đây:

- Nhai nuốt khó, thay đổi vị giác.

- Cảm giác tê bì một bên mặt và yếu cơ nên mặt bị xệ xuống.

- Đau quanh góc hàm, tai, xương chủm.

- Nhạy cảm hơn với âm thanh.

- Dị cảm khóe miệng và da vùng trán.

- Sụp mi, khô mắt do tuyến lệ hoạt động kém.

Các trường hợp bị liệt dây thần kinh số VII sau một đợt nhiễm khuẩn zoster hay herpes simplex (sau bệnh zona) thường có những cơn đau dữ dội, nổi mụn nước ở vòm miệng và ở lưỡi.

Ảnh minh họa: ITN

Ảnh minh họa: ITN

Hậu quả và hướng điều trị

Biểu hiện méo miệng gây mất tính thẩm mỹ của khuôn mặt là điều khiến cho người bệnh lo lắng. Họ hạn chế tối đa việc tiếp xúc và thậm chí lánh mặt mọi người, nhất các bệnh nhân trẻ tuổi.

Các biến chứng sau đây có thể xảy ra ở người mắc bệnh liệt dây thần kinh số VII, nếu như không được ttheo dõi và điều trị tốt:

- Biến chứng mắt: Viêm loét giác mạc, viêm kết mạc, lộn mi.

- Hội chứng co thắt nửa mặt: Các trường hợp dây thần kinh số VII bị tổn thương nặng, không hoặc điều trị kém hiệu quả thì sau đợt liệt mặt sẽ xảy ra hội chứng co thắt nửa mặt do hiện tượng phân bố lại một phần thần kinh liên quan.

- Hội chứng nước mắt cá sâu: Tự nhiên chảy nước mắt mà không có bất cứ một nguyên nhân gì khác.

- Hiện tượng đồng vận: Đây là hiện tượng co cơ không tự chủ xảy ra cùng lúc với hoạt động tự chủ. Điển hình là khi nhắm mắt, mép miệng sẽ bị kéo lệch.

Điều trị chủ yếu bằng nội khoa, người bệnh được chỉ định dùng các loại thuốc giảm đau, vitamine nhóm B, thuốc kháng viêm và giãn mạch. Phối hợp với điều trị Đông Y - Phục hồi chức năng như châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt, chiếu đèn hồng ngoại, sóng ngắn.

Nhìn chung, các trường hợp nhẹ và điều trị sớm khả năng phục hồi và lành bệnh sau 1 - 3 tháng điều trị khoảng 70 - 80%, ở người bệnh trẻ tuổi khả năng phục hồi tốt hơn người bệnh cao tuổi. Các trường hợp bệnh được xác định ở mức độ nặng hoặc điều trị muộn, di chứng méo miệng có thể chiếm đến 80 - 90%.

Điều trị bằng phương pháp phẫu thuật chỉ đặt ra khi liệt dây thần kinh số VII do các nguyên nhân cần phải loại trừ như viêm tai xương chũm, u não, có khối máu tụ chèn ép, áp xe não...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.