Mẹo giúp con đối phó với áp lực bạn bè tuổi teen

GD&TĐ - Bạn bè là quan trọng với bất cứ ai, đặc biệt là con tuổi teen. Bạn bè là một phần quý giá của cuộc sống, của việc học cách hòa nhập xã hội và thậm chí trưởng thành như một con người.

Tuy nhiên, có những áp lực từ bạn bè tiêu cực lại dẫn đến có hại.

Con tuổi teen đôi khi khó từ chối lời đề nghị của bạn bè, ví dụ bạn rủ đi chơi khuya, con không hẳn muốn nhưng ngại từ chối, áp lực bạn bè như vậy rất khó xử lý, đôi khi là không thể. Là cha mẹ, bạn cần tìm hiểu, nhận dạng và dạy con cách ứng xử phù hợp để con tránh được những áp lực tiêu cực từ bạn bè.

Khi phát hiện ra các dấu hiệu của áp lực từ bạn bè, cha mẹ can thiệp ra sao khi nhận ra rằng con đang đi vào con đường không lành mạnh. Sau đây là một số gợi ý để cha mẹ tham khảo.

Nhận dạng áp lực

Áp lực bạn bè có một số hình thức dễ dàng phát hiện hơn những hình thức khác. Có thể xác định các dấu hiệu cho thấy con bạn đang đối mặt với áp lực từ bạn bè có thể giúp bạn bắt đầu một cuộc trò chuyện hỗ trợ.

Một số dấu hiệu cho thấy con bạn có thể đang gặp áp lực từ bạn bè bao gồm: Thay đổi hành vi; Thể hiện cảm xúc không phù hợp; Tâm trạng tồi tệ; Khó ngủ; Thử kiểu tóc hoặc quần áo mới không phù hợp với thường ngày…

Nhiều dấu hiệu của áp lực bạn bè cũng có thể là dấu hiệu của những thứ khác như bắt nạt hoặc lo lắng về sức khỏe tâm thần. Bất kỳ thay đổi nào trong hành vi hoặc tâm trạng đều đáng được quan tâm và tìm hiểu.

Nói chuyện với con bạn về áp lực của bạn bè

Dạy con đối phó với áp lực bạn bè tuổi teen (hình minh họa).
    
Dạy con đối phó với áp lực bạn bè tuổi teen (hình minh họa).

Dạy con bạn cách từ chối, giúp con phát triển kỹ năng suy nghĩ độc lập và khuyến khích sự tự tin của bản thân. Nếu bạn nghi ngờ rằng con bạn hoặc một người khác mà bạn yêu quý đang bị ảnh hưởng tiêu cực bởi áp lực từ bạn bè, hãy cho chúng biết bạn là người mà chúng có thể tin tưởng và đề nghị lập kế hoạch thoát khỏi tình huống xấu.

Chuẩn bị tâm lý trước cho con

Yêu cầu con nghĩ về những điều có thể bị áp lực phải làm mà con không muốn. Lên kế hoạch trước cho những cách đối phó với áp lực. Yêu cầu con nghĩ xem có thể thoát khỏi một tình huống như thế nào nếu con cảm thấy không thoải mái. Xác định cha mẹ là người hỗ trợ mà con có thể gọi bất cứ lúc nào khi cần.

Đưa ra lời bào chữa

Yêu cầu con viện ra một cái cớ phù hợp cho lý do tại sao không thể tham gia vào việc gì đó mà bản thân không muốn làm.

Ví dụ, gia đình có một thỏa thuận trong đó nếu con đi chơi xa khi bạn bè rủ thì phải báo trước cho cha mẹ, chứ không thể cứ vậy mà đi. Cha mẹ sẽ gọi điện để nói với người bạn kia rằng có điều gì đó đã xảy ra và con cần phải về nhà.

Xây dựng tình bạn với những người phù hợp

“Chọn bạn mà chơi” rất đúng với con tuổi teen khi chưa hoàn thiện những tình huống cuộc sống. Những người bạn tốt, bạn lâu năm sẽ ít có khả năng trở thành người bắt nạt hoặc xúi con làm những điều chúng không mong muốn. Vì vậy, dạy con cách xây dựng tình bạn với bạn bè cùng trang lứa ở trường, ở lớp và ở những khu ngoại khóa.

Dựa vào những người đáng tin cậy

Giúp con bạn xác định những người lớn nào trong cuộc sống mà con có thể tin cậy, nhờ trợ giúp an toàn và có thể tiếp cận khi cần nói chuyện hoặc khi con cần giúp đỡ để thoát khỏi một tình huống khó khăn. Có đôi khi, bố mẹ đi công tác ở quá xa hoặc con cần mà chưa kịp có mặt thì người hàng xóm lớn tuổi hoặc cô, dì chú bác tin cậy có thể giúp con thoát ra những tình huống không mong muốn với đám bạn hư hỏng.

Theo allprodad

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ