Trong khi các nhà mạng di động tại Việt Nam vẫn đang loay hoay chưa tìm ra biện pháp hữu hiệu để chặn các tin nhắn rác (spam SMS) một cách thực sự hiệu quả, người dùng di động hoàn toàn có thể chủ động tự trang bị cho mình các công cụ chặn tin nhắn rác hiệu quả hơn rất nhiều.
Sau khi phân loại, hiện có 3 biện pháp tiêu biểu có thể áp dụng gồm:
1. Chặn theo đầu số và danh bạ
Nếu là người có nhiều mối quan hệ “tầm cao”, cũng như không có nhu cầu nghe điện thoại từ số lạ, bạn có thể sử dụng tính năng “Chỉ nhận tin nhắn và cuộc gọi từ số điện thoại có trong danh bạ” (block unknown number).
Tính năng “giết nhầm còn hơn bỏ sót” này hiện có sẵn trên hầu hết các smartphone sử dụng cả 2 hệ điều hành phổ biến nhất là iOS và Android.
Tính năng block unknown number (màn hình bên trái) sẽ chặn toàn bộ SMS từ các số điện thoại không nằm trong danh bạ. Các số điện thoại đã gửi spam cũng sẽ được lưu lại để không thể nhắn tin tiếp đến nữa (màn hình giữa). Các từ khóa được định nghĩa để giúp bộ lọc chặn tin nhắn rác (màn hình phải).
Nhược điểm của biện pháp này là đôi khi bạn sẽ bị bỏ lỡ những cuộc gọi ngoài danh bạ hoặc từ số điện thoại cố định cũng rất quan trọng đối với bạn, nhất là khi người thân quen của bạn đang trong những trường hợp khẩn cấp, không thể có sẵn số lưu trong danh bạ của bạn để gọi.
Nếu trong phần mềm nhắn tin smartphone của bạn có tính năng chặn tin nhắn theo dải đầu số, và danh bạ của bạn ít có người sử dụng các thuê bao 11 số, bạn hoàn toàn có thể thử chặn toàn bộ tin nhắn từ các số thuê bao bắt đầu bằng dải số +8412… (hoặc 012…).
Đây là dải đầu số thuê bao 11 số, vốn được sử dụng để cấp cho các sim khuyến mại mới (còn gọi là sim rác) và được tận dụng để bắn tin nhắn rác.
Tuy nhiên, nhược điểm của biện pháp này là những kẻ phát tán tin nhắn rác cũng đã lường trước tình huống chặn theo dải đầu số và sử dụng các sim 10 số để bắn tin rác, và bạn vẫn không thể chặn được các spam SMS đó được.
2. Chặn theo bộ lọc từ khóa
Trong các dòng điện thoại iPhone dùng iOS từ 8.3 trở lên và một số dòng điện thoại Android như LG, Samsung… cũng có sẵn tính năng chặn spam SMS bằng các bộ lọc (filter) cho phép người dùng tự định nghĩa các từ khóa (keyword) để chặn tin nhắn spam.
Căn theo thực tế nội dung của đa số các tin nhắn rác hiện phổ biến tại Việt Nam, có thể liệt kê một số cụm từ khóa cụ thể như:
Resort, villa, biet thu, can ho, chung cu, mien phi, lien ke, dat nen, khai truong, khuyen mai, KM, nha mau, gioi thieu, lai suat, dau tu, loi nhuan...
Ngoài ra, đối với các dạng tin nhắn rác mời mua bất động sản, bạn cũng có thể bổ sung các cụm từ khóa đặc thù như : trieu/, trieu/m, trieu/lo, trieu/can, tr/m, ty/lo, ty/can...
Ngoài ra, do đặc thù là tin nhắn quảng cáo, nên kẻ phát tán tin rác luôn có nhu cầu muốn người nhận liên hệ lại qua số điện thoại. Vì vậy, các từ khóa như sau sẽ giúp phát hiện ra tin nhắn rác quảng cáo:
LH:, Lh:, lh :,L/H,L.H:, L.h:, Lh: 0,... (tất cả các số điện thoại liên hệ đều bắt đầu bằng số 0 nên khi thêm số 0 vào sẽ tăng độ chính xác lên cao hơn) GOI, Goi ngay, goi: 0, Goi :0, goi 0, sdt 0, sdt0, SDT0...
Với các spam SMS mời dùng dịch vụ nhắn tin, bạn có thể thêm các từ khóa như: Soan:, Cu phap:, gui den...
Biện pháp sử dụng bộ lọc để chặn tin nhắn rác có thể chặn tới hơn 90% tin spam nếu các từ khóa được định nghĩa chính xác và đầy đủ.
Tuy nhiên, giới quảng cáo bằng tin nhắn rác cũng hiểu rất rõ biện pháp này, nên thường xuyên thay đổi nội dung của tin nhắn quảng cáo để ‘lách’ các từ khóa bằng cách viết sai quy tắc, chẳng hạn viết thêm từ có dấu, viết hoa ở giữa từ hay thêm dấu cách trong từ, viết liền không dấu cách ở cụm từ dễ bị nằm vào từ khóa.
Do đó, khi nhận được một tin nhắn spam mới, bạn cần xác định xem bộ lọc của mình đang thiếu từ khóa nào khiến tin nhắn này lọt qua được, và từ đó bổ sung thêm từ khóa mới cho bộ lọc.
Quá trình này giống như trò mèo vờn chuột, kẻ phát tán tin rác liên tục tìm cách mới để vượt qua bộ lọc, còn bạn luôn xác định thêm những từ khóa mới từ tin nhắn lọt qua để chặn tiếp và hoàn thiện dần bộ lọc tin nhắn trên smartphone của mình.
Theo kinh nghiệm của người viết bài, với khoảng 100-150 từ khóa trở lên, bộ lọc spam SMS trên smartphone của bạn sẽ chặn được tới trên 95% tin rác được dội đến số di động của bạn mỗi ngày.
Với các dòng smartphone Android không có sẵn chức năng lọc tin nhắn rác qua bộ lọc, bạn có thể download các ứng dụng miễn phí sẵn có trên Google Play như Anti SMS Spam & Private Box, ‘SMS spam Blocker, Clean Inbox’, hoặc Go SMS Pro...
Các ứng dụng này sẽ yêu cầu quyền thay thế ứng dụng quản lý tin nhắn SMS có sẵn của smartphone để có thể ‘hứng’ các SMS gửi đến số di động của bạn và thực hiện việc lọc qua từ khóa để chặn.
3. Cài ứng dụng tự động chặn spam SMS
Nếu là người dùng không thành thạo việc thiết lập từ khóa và bộ lọc tin nhắn rác, bạn có thể cài đặt các ứng dụng tự động chặn spam SMS.
Một ứng dụng viết riêng cho người dùng Việt Nam có thể chặn tương đối hiệu quả là ‘Laban SMS: spam blocker’ bao gồm cả 2 tính năng chặn theo bộ lọc từ khóa và tự động phát hiện tin nhắn rác để chặn.
Tuy nhiên, khả năng tự phát hiện spam SMS để chặn của Laban SMS vẫn chưa thực sự hoàn thiện, nên để chặn thực sự hiệu quả, đôi khi bạn vẫn cần phải sử dụng thêm tính năng lọc theo từ khóa.
Sau quá trình thử nghiệm nhiều ứng dụng tự động chặn spam SMS cho smartphone, người viết nhận thấy Truemessenger – SMS Block Spam (do True Software Scandinavia AB phát triển và mới phát hành gần đây) là phần mềm chặn hiệu quả nhất đối với các loại tin nhắn rác đang phát tán tại Việt Nam.
Tuy mới phát hành, nhưng Truemessenger kế thừa cơ sở dữ liệu khổng lồ về phát hiện các thuê bao phát tán spam hay gọi điện tiếp thị của phần mềm TrueCaller của cùng hãng phát triển.
Các phần mềm TrueCaller và Truemessenger có khả năng tổng hợp và phân tích dữ liệu theo từng khu vực lãnh thổ, quốc gia để tự động cập nhật liên tục các từ khóa cho bộ lọc spam tự động.
Nhờ đó, dù hãng phát triển ở tận châu Âu, nhưng dựa vào các cuộc gọi tiếp thị và tin nhắn spam mà người dùng mỗi quốc gia, khu vực nhận được, phần mềm sẽ định nghĩa ra các bộ lọc và hệ thống từ khóa riêng biệt để phù hợp với từng quốc gia châu Á như Việt Nam.
Hiện phần mềm Truemessenger đã hỗ trợ cho cả 3 nền tảng hệ điều hành gồm iOS (cho iPhone), Android và Blackberry OS.
Bạn có thể tìm kiếm tên phần mềm này trên kho ứng dụng của từng hệ điều hành hoặc truy cập từ smartphone vào địa chỉ http://www.truemessenger.co/ và tải ứng dụng Truemessenger tương ứng với hệ điều hành trên smartphone của mình.