(GD&TĐ) - Ngày 16/9, tại trường ĐH Cần Thơ, Bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội thảo với chủ đề “Đào tạo theo học chế tín chỉ trong các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2007-2010” do Thứ trưởng Bùi Văn Ga chủ trì.
Đại biểu phát biểu tại Hội thảo. ảnh gdtd.vn |
Xu thế không thể khác
Ông Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Cần Thơ phát biểu đề dẫn hội thảo bằng một câu nói ấn tượng: “Trường đã 3 năm triển khai thực hiện đào tạo theo tín chỉ (TC) Ai đòi chuyển đổi qui chế đào tạo khác sẽ bị cán bộ, giảng viên, sinh viên của trường phản đối”. Điều đó chứng tỏ đào tạo TC được sự đồng thuận rất cao.
Báo cáo tổng kết của Vụ Đại học cho biết, qua 3 năm đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ: hình thành được cơ cấu tổ chức; ban hành các qui định về học chế TC; phát triển đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý; xây dựng được chương trình đào tạo và đề cương chi tiết phù hợp với học chế TC; phát triển cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo theo hệ thống TC.
Cán bộ, giảng viên, sinh viên dần quen với học chế mới: đăng ký môn học trực tuyến qua mạng; cung cấp đề cương, bài giảng, tài liệu tham khảo qua mạng, kết quả điểm cũng được cung cấp qua mạng…
Chương trình đào tạo mềm dẻo, cung cấp nhiều lựa chọn cho sinh viên; phát huy tính chủ động sáng tạo trong học tập. Giảng viên ngày càng năng động tìm phương pháp giảng dạy mới kích thích tính sáng tạo cho sinh viên….
Tuy nhiên, đi vào thực hiện học chế TC cũng còn nhiều khó khăn, như: chính sách chưa theo kịp đà phát triển của thực tiễn; thiếu kinh phí đầu tư cơ sở vật chất tương xứng, chương trình đào tạo từ hệ thống niên chế chuyển sang chưa thích nghi kịp; đội ngũ giảng viên chưa đủ về lượng và chất để đáp ứng cho mô hình giảng dạy mới. Khi thực hiện mô hình đạo tạo mới thì khối lượng công việc quản lý tăng rất nhiều, cần phải tin học hoá, hợp lý hoá mới xử lý hết….
Ý kiến từ các trường ĐH, CĐ
Trường ĐH Cần Thơ đã thực hiện học chế TC 3 năm. Sau khi Qui chế 43 ban hành 12 ngày thì trường cũng ban hành qui chế của trường đào tạo. Vấn đề đầu tiên mà trường phải xử lý là đổi đơn vị học trình hệ niên chế ra TC, trên cơ sở đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới phương pháp học tập nghiên cứu của sinh viên. Nếu không làm được điều đó thì đào tạo theo học chế TC chỉ là hình thức.
Ông Đỗ Văn Xê, Phó hiệu trưởng kiến nghị, cần sửa đổi Qui chế 43, như: qui định số TC tối thiểu và tối đa trong một học kỳ, (thực tế sinh viên đăng ký quá nhiều học kỳ thì chất lượng học tập không cao). Do thang điểm A, B, C, D, F và thang điểm 4 có những ưu điểm là đánh giá cả quá trình, thế nhưng có nhiều SV trên trung bình ở tất cả các môn theo thang điểm 10, nhưng nguy cơ buộc thôi học xảy ra, vì thế cần có cảnh báo cho sinh viên trước khi buộc thôi học. Trường hợp SV có nguyện vọng học 2 chương trình khác nhau (ngành gần) thì phải có hướng dẫn.
Theo ông Trần Văn Nam, Hiệu trưởng Đại học Bách khoa-Đại học Đà Nẵng, phần mềm quản lý học chế TC đóng vai trò quan trọng nhất. Nếu không có thì công việc phát sinh không thể xử lý nổi. Học chế TC theo thang điểm mới, còn giảng viên, sinh viên vẫn nghĩ trong đầu thang điểm cũ. Năm đầu tiên thực hiện, trường có gần 1000 sinh viên có nguy cơ buộc thôi học. Ông Nam đề nghị Bộ cần xây dựng phần mềm quản lý có mã nguồn dùng chung cho ngành.
Một đại biểu ở ĐHQG Hà Nội nêu ý kiến, quan trọng nhất là thiết kế chương trình cho sinh viên có cơ hội lựa chọn cao, tính liên thông cao. Nên soạn chương trình theo các modun. Tổ chức thi cũng quan trọng không kém.
Ông Phạm Minh Hùng, Phó Hiệu trưởng ĐH Vinh nêu ý kiến đổi mới hệ thống đào tạo, phân cấp cho phòng khoa để họ chủ động trong công việc; đầu tư cơ sở vật chất phải tương xứng…
Vấn đề liên thông
Thứ trưởng Bùi Văn Ga đề nghị các đại biểu chú ý vấn đề đào tạo liên thông TC giữa các khoa trong trường, giữa các trường trong nước và liên thông quốc tế. GS-TS Nguyễn Anh Tuấn, Hiệu trưởng ĐH Cần Thơ đặt ra một thực tế: không có trường nào thích sinh viên mình đăng ký học TC ở trường khác, khoa này đăng ký TC khoa khác. Vì sao? Vì học phí. Nhưng ngược lại, ĐHCT rất muốn sinh viên trường khác đăng ký TC trường mình. Do đó cần có cơ chế liên thông.
Ông Đỗ Sĩ Cường, Hiệu trưởng ĐH Hoa Sen nêu thực tiễn ở trường ông. Trường nào có ký hợp tác công nhận TC của nhau thì liên thông được. Hiện ĐH Hoa Sen ký hợp tác liên thông với ĐH An Giang. Hoa Sen cũng có trao đổi sinh viên với một số trường đại học nước ngoài, có qua có lại không liên quan học phí. Nếu có đội ngũ cố vấn học tập tốt, nhà trường sẽ giúp cho sinh viên tự vạch lộ trình học tập của mình: 3 năm, 4 năm, học chuyên ngành thứ hai…
Kết luận hội thảo, thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết: Việc chuyển đổi học chế niên chế sang học chế TC là một chủ trương hết sức đúng đắn, phù hợp sự phát triển giáo dục đất nước và hội nhập quốc tế. Bộ sẽ lắng nghe các ý kiến để sửa đổi Qui chế 43 cho phù hợp. Các trường cần nắm rõ: mục tiêu học chế TC là mềm dẻo, liên thông và phát huy tính năng động sáng tạo của sinh viên.
Bộ khuyến khích các trường có ngành gần liên kết và công nhận TC của nhau để tạo thế liên thông, tạo cơ sở liên thông quốc tế. Bộ sẽ xây dựng khung chương trình đào tạo theo học chế TC. Từ đó làm cơ sở cho từng trường xây dựng chương trình theo đặc thù của mình. Thành công ban đầu của học chế TC là đội ngũ trợ giảng. Ý tưởng sử dụng sinh viên giỏi năm cuối và học viên cao học trợ giảng nên phát huy. Công cụ quan trọng nhất là phần mềm quản lý. Bộ sẽ xây dựng phần mềm chung cung cấp cho các trường.
Việc đào tạo theo hệ thống tín chỉ đã phổ biến ở nhiều nước. Vào thập niên 90 thế kỷ trước, ý tưởng đào tạo theo học chế tín chỉ (TC) đã manh nha ở nhiều trường đại học. Đi tiên phong thực hiện ý tưởng này là trường Đại học Bách khoa, thành phố Hồ Chí Minh, thực hiện vào năm 1993. Kế đến là ĐH Xây dựng 1995 Hà Nội và ĐH Thăng Long. Đến năm 2007, có 12 trường ĐH thực hiện đào tạo theo TC. Ngày 15/8/2007, Bộ GD&ĐT ban hành Quyết định số 43/2007/QĐ-BGDĐT, ra đời Quy chế đào tạo ĐH và CĐ hệ chính qui theo hệ thống TC. Hiện tại, có 50 trường (45 ĐH, 5 CĐ trong tổng số 154 trường ĐH và 228 trường CĐ) trong cả nước thực hiện chế độ đào tạo theo TC. |
Nguyễn Ngọc