Những chia sẻ này được chị đúc rút từ chính kinh nghiệm nuôi dạy con trai và những năm làm việc trong ngành giáo dục.
Những năm đầu đời của trẻ nhỏ, đặc biệt là độ tuổi mầm non và tiểu học được các chuyên gia khẳng định là khoảng thời gian trẻ học hỏi và phát triển khả năng tư duy mạnh mẽ nhất. Nếu bỏ lỡ giai đoạn này, các bậc phụ huynh sẽ không thể tìm được.
Tuy nhiên, giúp trẻ học như thế nào để con không bị ác cảm hay sợ hãi việc học? Làm thế nào để tạo cảm hứng, hình thành cho con thói quen cũng như tình yêu đối với học tập?
Chị Phan Thị Hồ Điệp.
Chị Nguyễn Hà (Long Biên, Hà Nội) chia sẻ: “Con mình sợ học đến mức mỗi lần ngồi vào bàn học được vài phút lại kêu đau bụng đòi đi vệ sinh. Giáo viên nhận xét con trầm và không tập trung trong lớp. Thực sự mình không biết phải làm sao?”
Không phải chị Hà mà nhiều phụ huynh khác cũng rơi vào hoàn cảnh này. Giải đáp những băn khoăn này, chị Phan Thị Hồ Điệp cho rằng, cái đích của việc học không phải để con đứng đầu hay xuất sắc nhất mà để con tiến bộ từng ngày.
Các bậc phụ huynh cần lựa chọn cho con phương pháp học tập cũng như tạo ra môi trường phù hợp để con có thể thực sự tiến bộ và phát triển được khả năng của bản thân.
“Nam cũng giống như bao bạn khác và mình chỉ cố gắng để con tốt hơn mỗi ngày. Điều quan trọng nhất để trẻ phát triển và trưởng thành tốt, theo mình cần phát triển khả năng tư duy và tạo cảm hứng học tập cho con” - chị Điệp nói.
Vì thế, theo chị Điệp, để tạo cảm hứng cho con bố mẹ cần tạo ra một không gian học tập phù hợp. Đặc biệt, hãy để con bắt đầu việc học bằng môn chúng yêu thích nhất. Cảm hứng không chỉ được nuôi dưỡng từ chính bản thân các con mà còn nhờ sự “chăm bón” từ môi trường và những người xung quanh.
“Bố mẹ hãy thay đổi cách nói một chút khi muốn con đi học bài sẽ tạo cảm hứng cho chúng. Đừng quát nạt sẽ khiến con cảm thấy sợ hãi. Việc học chỉ hiệu quả khi con có hứng thú và chủ động thu nhận, tìm tòi kiến thức” - chị Điệp lưu ý các bậc phụ huynh.
Ngoài ra, các bậc phụ huynh hãy giúp con phát triển tư duy. Tư duy không phải là điều gì to tát mà bắt đầu từ những điều rất đơn giản, như dạy trẻ cách quan sát và gợi hỏi để trẻ phát triển suy nghĩ của bản thân.
Sự nhất quán, có hệ thống và bài bản là những yếu tố cần chú trọng trong quá trình giáo dục phát triển tư duy cho trẻ để đem lại hiệu quả thực sự và lâu dài.